Gánh nặng nợ vay
Năm 2023, Công ty CP FECON (mã chứng khoán: FCN) có doanh thu thuần tăng 25% so với cùng kỳ, lên hơn 1.049 tỷ đồng. Trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp của doanh nghiệp ngành xây dựng này tăng mạnh 161% so với cùng kỳ năm trước, lên 157 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính của FECON chỉ vỏn vẹn 0,26 tỷ đồng trong khi chi phí cho hoạt động này lại tăng mạnh 41%, lên gần 102 tỷ đồng, chủ yếu do tăng lãi vay lên gần 80 tỷ đồng, tương đương với tăng 36% so với cùng kỳ.
Mặc dù các chi phí khác như chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp trong kỳ này đều được doanh nghiệp cắt giảm lần lượt là 14% và 4% so với cùng kỳ, nhưng doanh nghiệp vẫn báo lỗ sau thuế gần 45 tỷ đồng.
Phía FCN cho biết, nguyên nhân lỗ chủ yếu đến từ việc doanh thu tài chính sụt giảm mạnh do không còn ghi nhận khoản doanh thu từ bán dự án điện mặt trời Vĩnh Hảo 6. Bên cạnh đó, chi phí lãi vay tăng mạnh do ảnh hưởng của đợt tăng lãi suất từ cuối năm 2022 và dư nợ vay tăng.
Lũy kế cả năm 2023, doanh thu thuần của FCN đạt hơn 2.879 tỷ đồng, giảm 5% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ hơn 42 tỷ đồng, năm trước lãi gần 52 tỷ đồng. Đây cũng là năm kinh doanh thua lỗ đầu tiên của doanh nghiệp ngành xây dựng này kể từ khi niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán vào năm 2012.
Về tình hình tài chính, tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của doanh nghiệp ở mức hơn 8.773 tỷ đồng, tăng gần 16% so với hồi đầu năm. Về chất lượng tài sản, tiền và các khoản tương đương tiền của FCN ghi nhận hơn 700 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần hồi đầu năm. Khoản trả trước cho người bán ngắn hạn 676 tỷ đồng, tăng thêm 440 tỷ đồng. Đầu tư vào công ty liên kết, liên doanh gấp đôi đầu năm, lên 329 tỷ đồng.
Trong cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả của FCN ghi nhận hơn 5.413 tỷ đồng, tăng hơn 32% so với đầu năm, trong đó, chủ yếu là nợ ngắn hạn với hơn 4.390 tỷ đồng. Biến động lớn nhất trong tổng nợ của doanh nghiệp là khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn ghi nhận tăng thêm gần 870 tỷ đồng, lên mức 1.154 tỷ đồng, tuy nhiên, không được doanh nghiệp thuyết minh cụ thể.
Loạt công ty con chậm đóng bảo hiểm xã hội
Bên cạnh hoạt động kinh doanh đi xuống, loạt công ty trong hệ sinh thái của FECON mới đây bị Bảo hiểm xã hội Hà Nội điểm tên trong danh sách đơn vị sử dụng lao động chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ – BNN từ 1 tháng trở lên trên địa bàn TP Hà Nội tháng 1.2024 (số liệu tính đến hết 31.01.2024 theo C12-TS lấy ngày 5.2.2024).
Theo danh sách này, Công ty Cổ phần Xây dựng Hạ tầng FECON (có địa chỉ tại toà nhà CEO, Lô HH2-1, đường Phạm Hùng, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội) đang chậm đóng 6 tháng, số tiền hơn 845 triệu đồng.
Công ty Cổ phần Cọc và Xây dựng FECON (địa chỉ Tầng 17 Tháp CEO, Lô HH2-1, KĐT Mễ Trì Hạ, đường Phạm Hùng, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) chậm đóng 376 triệu đồng.
Công ty Cổ phần Công trình Ngầm FECON RAITO (địa chỉ, Tầng 19, tháp CEO, Lô HH2-1, ĐT Mễ Trì Hạ, Phạm Hùng, Phường Mễ Trì, Quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) chậm đóng 367 triệu đồng.
Công ty Cổ phần Đầu tư FECON (địa chỉ Tầng 2 tháp CEO Lô HH2-1KĐT Mễ Trì Hạ, đường Phạm Hùng, Phường Mễ Trì, Quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) chậm đóng gần 137 triệu đồng. Ngoài ra, trong danh sách này còn có tên của Công ty Cổ phần Thi công cọc FECON số 1.
Lợi nhuận “cò con” nhưng vẫn liên tiếp trúng thầu dự án “khủng”
Nhìn lại năm 2023 của FECON có thể thấy là một năm ảm đạm, ông lớn xây dựng này khởi đầu năm 2023 với lợi nhuận tụt dốc trong quý 1.2023 khi chỉ lãi 2,8 tỷ đồng. Quý 2.2023, doanh nghiệp thảm hại hơn khi báo lỗ 1,4 tỷ đồng và chỉ “lãi cho có” hơn 200 triệu đồng trong quý 3.2023.
Mặc dù chỉ báo lãi ở mức tượng trưng cho có trong các quý nhưng trong năm 2023 FECON liên tiếp trúng thầu các dự án quy mô lớn. Gần đây nhất, vào quý 3.2023 – 3 tháng làm ăn “bết bát” nhất trong năm, FECON thông báo trúng thêm 5 gói thầu mới tại nhiều dự án lớn với tổng giá trị đạt 537,1 tỷ đồng.
Các gói thầu gồm: “Thiết kế và thi công hạ tầng thuộc Dự án TH Healthcare” trị giá 172,8 tỷ đồng; Thi công cọc đại trà, tường vây và Kingpost thuộc hai dự án: Khu dịch vụ du lịch ven sông Hàn trị giá 75,9 tỷ đồng, một dự án tòa nhà văn phòng trị giá gần 44,8 tỷ đồng và một phần việc tại Dự án Đầu tư xây dựng nút giao Phú Thứ và tuyến đường kết nối tại xã Tiên Hiệp, TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, trị giá 65 tỷ đồng; Sản xuất khối neo trọng lực cho dự án điện gió ngoài khơi thuộc vùng biển Malaysia trị giá 178,6 tỷ đồng.
Trước đó, vào đầu năm, FECON cũng trúng hàng loạt gói thầu lớn. Cụ thể, tháng 2.2023, FECON được giao gói thầu “cung cấp, thi công cọc đại trà và thí nghiệm cọc” tại dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4 với tổng giá trị hợp đồng đạt 179 tỷ đồng. Trước đó ít ngày, doanh nghiệp này được nhận gói thầu “thi công tường vây phí nam nhà ga 11” trị giá 62 tỷ đồng thuộc dự án tuyến đường sắt đô thị (metro line 3) thí điểm của TP. Hà Nội.
Cùng trong tháng 2.2023, FECON ghi nhận thêm một hợp đồng mới trị giá 75 tỷ đồng tại dự án Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng II (Hà Tĩnh). Với hợp đồng này, FECON sẽ đảm nhận thi công cọc kho than tại dự án này.
Trong mảng thi công hạ tầng, FECON tiếp tục trúng thầu gói “Thi công xây dựng đoạn tuyến Km91+800 – Km114+200” với giá trị 147 tỷ đồng, Dự án thành phần đoạn Hậu Giang – Cà Mau thuộc Dự án Xây dựng Công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025. Như vậy, trong tháng 2 vừa qua, tổng giá trị cộng dồn các gói thầu đã trúng trong tháng 2.2023 của FECON là 463 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong tháng 3.2023, với vai trò liên danh phụ, FECON đã trúng gói thầu thi công cọc công trình nhà ga hành khách do Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam-CTCP mời thầu. Giá gói thầu là 497.165.190.839 VND, giá trúng thầu của FECON là 471.009.067.154 VND.
Như vậy, nếu tính cả các dự án đã nhận thư trao thầu, lũy kế từ đầu năm đến nay, FECON ghi nhận tổng cộng hơn 1.500 tỷ đồng.