Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp có đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ; các thành viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách…
Trình bày Tờ trình dự án Luật, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, dự thảo Luật gồm 8 chương và 62 điều quy định về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; hoạt động đầu tư của doanh nghiệp; sắp xếp, cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp; cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn; giám sát, kiểm tra, thanh tra, đánh giá và báo cáo tình hình quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Về nguyên tắc quản lý và đầu tư vốn nhà nước, Điều 5, dự thảo Luật quy định rõ doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường; chịu trách nhiệm về hoạt động sản xuất, kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng; công bố, công khai thông tin và giải trình theo quy định; lấy mục tiêu, nhiệm vụ và hiệu quả đầu tư vốn làm tiêu chí đánh giá chủ yếu. Nhà nước thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu theo phần vốn đầu tư tại doanh nghiệp thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn và người đại diện chủ sở hữu vốn; vốn nhà nước sau khi đã đầu tư tại doanh nghiệp được xác định là tài sản, vốn của pháp nhân doanh nghiệp.
Dự án Luật cũng quy định tách bạch, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước và của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; phân công, phân cấp việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu vốn cho cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn và lãnh đạo doanh nghiệp; không làm hạn chế quyền của doanh nghiệp. Thống nhất quản lý, theo dõi vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn; cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn chịu trách nhiệm quản lý, theo dõi vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước chịu trách nhiệm quản lý vốn, hoạt động đầu tư kinh doanh, báo cáo và thực hiện kết luận giám sát, kiểm tra, thanh tra của các cơ quan có thẩm quyền theo quy định…
Tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phạm Thúy Chinh cho biết, Thường trực Ủy ban tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật 69), nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Tán thành với mục đích và các quan điểm xây dựng Luật Quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng lưu ý, cần kế thừa những quy định của Luật 69 đã được áp dụng ổn định, hiệu quả trong thực tiễn và khắc phục tối đa những tồn tại, hạn chế hiện nay trong quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; thiết kế các quy định nhằm bảo đảm tách bạch, phân định rõ chức năng của cơ quan quản lý nhà nước, chức năng của cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước và chức năng chức năng quản lý doanh nghiệp.
Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị, cần bảo đảm sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước đối với nguồn lực nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, nhưng không can thiệp trực tiếp vào hoạt động của doanh nghiệp; giảm tối đa thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ của doanh nghiệp. Bảo đảm nguyên tắc vốn nhà nước sau khi đã đầu tư tại doanh nghiệp được xác định là tài sản, vốn của doanh nghiệp; tôn trọng và nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đa số các ý kiến tại phiên họp tán thành với sự cần thiết xây dựng Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; ghi nhận, dự thảo Luật mới nhất đã có nhiều quy định góp phần tháo gỡ các điểm vướng mắc trong quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cũng như tách bạch giữa quản lý Nhà nước và quản lý doanh nghiệp.
Một số ý kiến lưu ý, trong thời gian qua, một số doanh nghiệp lớn dù chịu sự quản lý của nhà nước, nhưng do thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa hiệu quả đã dẫn đến thất thoát vốn nhà nước hoặc sử dụng chưa hiệu quả. Do đó, tại Điều 5, dự thảo Luật cần bổ sung quy định chi tiết hơn về quy trình giám sát, trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp; có quy định bắt buộc doanh nghiệp phải báo cáo chi tiết về hoạt động đầu tư, sử dụng vốn theo từng giai đoạn, cũng như công khai báo cáo này lên hệ thống thông tin chung…
Phát biểu kết luận nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh nêu rõ, với tinh thần “tập trung khắc phục vướng mắc về thể chế và pháp luật” được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh tại Hội nghị Trung ương 10 Khóa XIII vừa qua, Ủy ban Tài chính – Ngân sách sẽ hoàn thiện báo cáo thẩm tra chính thức đối với dự án Luật, bảo đảm chất lượng khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám tới.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến, nhất là ý kiến tại phiên họp thẩm tra để thể chế hóa các chủ trương của Đảng; kế thừa các quy định tại Luật 69 đã được áp dụng ổn định, hiệu quả trong thực tiễn; khắc phục tối đa những tồn tại, hạn chế hiện nay trong quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.