Phát biểu tại Hội thảo lấy ý kiến Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Bộ Tài chính tổ chức sáng 5.8, tại TP. Hồ Chí Minh, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính Bùi Tuấn Minh cho biết, tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 129/2024/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Trong đó, Quốc hội đã thống nhất bổ sung dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Theo kế hoạch, dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp - thay thế cho Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69) sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp tháng 10.2024, xem xét thông qua tại Kỳ họp tháng 9.2025 và có hiệu lực thi hành từ 1.1.2026.
Dự thảo Luật đã bổ sung một số điểm mới so với quy định tại Luật số 69 để phù hợp yêu cầu thực tiễn phát sinh như: bổ sung đối tượng điều chỉnh bao gồm doanh nghiệp do Nhà nước nắm từ >50% vốn điều lệ tới <100% vốn điều lệ (bao gồm cả doanh nghiệp thuộc tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội- nghề nghiệp) để khắc phục tình trạng có khoảng trống pháp lý điều chỉnh hoạt động quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại các doanh nghiệp này.
Dự thảo Luật cũng quy định rõ quy trình, thủ tục, phân công rõ nhiệm vụ các cơ quan, hồ sơ yêu cầu, nội dung thẩm tra đối với việc báo cáo Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư vốn vào doanh nghiệp. Bên cạnh đó, dự thảo cập nhật 1 số lĩnh vực mới mà Nhà nước cần đầu tư vốn tại doanh nghiệp; luật hóa quy định về trách nhiệm giải trình của cơ quan đại diện chủ sở hữu, doanh nghiệp nhà nước, người đại diện chủ sở hữu… về quản lý nhà nước tại doanh nghiệp, các vấn đề có liên quan trước Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan liên quan…
Cho ý kiến tại hội thảo, các đại biểu đều khẳng định đây là một đạo luật lớn, quan trọng và rất khó. Về đối tượng áp dụng, Chi Cục trưởng Chi Cục Tài chính doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh Võ Hữu Hạnh nêu ý kiến, Luật 69/2014/QH13 đang theo hướng quy định Nhà nước quản lý theo pháp nhân doanh nghiệp, không quy định đối tượng áp dụng là doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước tại các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp từ đó dẫn đến các quy định về sử dụng vốn, can thiệp hành chính vào trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, các doanh nghiệp có vốn đầu tư của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp còn có sự lung túng, chưa thống nhất trong tổ chức thực hiện.
Theo ông Hạnh, cần xây dựng chính sách về chủ sở hữu vốn của Nhà nước đầu tư và được quản lý theo dòng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, không quản lý pháp nhân của doanh nghiệp, doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư hoạt động bình đẳng theo Luật Doanh nghiệp và vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp phải được quản lý giám sát.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, trường hợp xác định doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác là doanh nghiệp có vốn đầu tư trên 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư trực tiếp 100% vốn điều lệ sẽ dẫn đến các doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư dưới 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp 100% vốn điều lệ và các doanh nghiệp có vốn đầu tư của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp dưới 100% vốn điều lệ sẽ không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật, điều này tạo ra khoảng trống pháp lý khi luật được ban hành, không thống nhất với nguyên tắc quản lý theo dòng vốn đầu tư và việc theo dõi quản lý, kiểm tra, giám sát, báo cáo tình hình đầu tư vốn của Nhà nước sẽ không được thống nhất, không phản ánh được đầy đủ, kịp thời, toàn diện tình hình đầu tư vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp.
Để bảo đảm mục tiêu, yêu cầu về phân công rõ, phân cấp mạnh tại dự thảo Luật, nhiều ý kiến cho rằng cần quy định theo hướng Nhà nước quản lý vốn đầu tư thông qua cơ quan đại diện sở hữu vốn (không quản lý trực tiếp các doanh nghiệp có vốn đầu tư nhà nước), cơ quan đại diện sở hữu vốn chịu trách nhiệm quản lý vốn đối với các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp (không quản lý trực tiếp các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác), doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý đối với các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác là cần thiết.