Để đẩy nhanh tiến độ, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo tại các nghị quyết và chỉ thị của Chính phủ. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, điều chỉnh kế hoạch vốn phù hợp với tiến độ thực hiện...
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã có Công điện yêu cầu các bộ ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Theo đó, để duy trì động lực phục hồi, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế cả năm 2022 khoảng 8%, các cấp, các ngành tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là động lực thúc đẩy tăng trưởng, là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung ưu tiên trong chỉ đạo điều hành; góp phần phát huy hiệu quả phối hợp giữa chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng trong những tháng cuối năm 2022...
Cần nhắc lại rằng, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia diễn ra hồi cuối tháng 9 vừa qua, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được chỉ ra gồm 3 nhóm vấn đề với hơn 20 tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Cụ thể, nhóm khó khăn thứ nhất là về thể chế, cơ chế, chính sách, cách làm.
Nhóm khó khăn thứ hai là công tác triển khai như việc lập kế hoạch đầu tư chưa sát với khả năng thực hiện, còn tình trạng vốn chờ dự án, thủ tục, khảo sát, thiết kế dự án chưa tốt dẫn tới nhiều dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư nhưng vẫn chưa đủ điều kiện giải ngân. Do công tác tổ chức thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương còn nhiều bất cập; các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc; vai trò, trách nhiệm người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét. Còn có bất cập về giải phóng mặt bằng, thủ tục thanh toán, quyết toán, năng lực các nhà thầu, nhà đầu tư, quản lý, tư vấn, công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát.
Nhóm khó khăn cuối mang tính đặc thù của năm 2022 là dù đây là năm thứ hai triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn nhưng thực chất là năm đầu do kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 được Quốc hội thông qua tháng 7.2021 trong lúc giá nguyên vật liệu, xăng dầu tăng cao, khan hiếm nguồn cung nguyên liệu đất cát để san lấp mặt bằng.
Cũng liên quan đến vấn đề chậm giải ngân, trả lời báo chí mới đây, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Trần Văn Lâm cho biết, Quốc hội xác định 2 lý do cơ bản. Đầu tiên là những khó khăn trong vấn đề giải phóng mặt bằng. Đây luôn là thách thức trong việc giải ngân đầu tư công, làm chậm triển khai các dự án. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi Quốc hội đang xem xét sửa đổi Luật Đất đai, người có đất có xu hướng chờ chính sách mới xem có thay đổi thế nào, làm cộng thêm thách thức trong giải phóng mặt bằng. Nguyên nhân thứ hai là ở các quy trình, thủ tục. Đó là việc đấu thầu các dự án cần chấp hành nhiều quy định, tuân thủ các thủ tục, quy trình dẫn đến thời gian kéo dài...
Như vậy có thể thấy, ngoài những nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, có không ít nguyên nhân chủ quan và tất cả đã được chỉ rõ. Cho nên, đã đến lúc không thể mãi coi giải ngân chậm là cố hữu. Như ý kiến của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thì mấu chốt là các khâu phải thông suốt. Không thể có tình trạng mỗi nơi tắc một chút, tắc một kiểu, như không giao vốn thì không giải ngân được, mà được giao vốn rồi thì lại không giải ngân được.