TS. Ngô Văn Hồng, Phó giám đốc VARS cho biết, đây là sự kiện khởi động cho chương trình “Góp một cây để có rừng” năm 2023 và để hưởng ứng Ngày Quốc tế về rừng (ngày 21.3)
Địa điểm được lựa chọn là 5 hecta đất trọc tại thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, đầu nguồn sông Thạch Hãn. Nơi này chịu nhiều tác động của thiên tai đặc biệt là các vụ sạt lở nghiêm trọng.
Trước đó, năm 2022, VARS đã trồng hoàn thành 113,8 hecta tại huyện Hướng Hóa, Đakrông (Quảng Trị) và tiếp tục trồng hoàn thành 4,1 hecta tại Đakrông trước 30.3.2023.
Theo TS. Ngô Văn Hồng, trong năm 2023, VARS dự định trồng 200 hecta rừng tại Quảng Trị và 100 hecta tại Quảng Bình.
Giai đoạn tiếp theo đến năm 2027, VARS phấn đấu hoàn thành 1.000 hecta cây bản địa góp phần phục hồi rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, hạn chế tác động biến đổi khí hậu và phát triển bền vững khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi dãy Trường Sơn.
Trong khuôn khổ sự kiện, VARS ký kết thỏa thuận hợp tác với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hướng Hóa với mục tiêu trồng ít nhất 100 hecta rừng cây bản địa trong năm 2023.
Cũng tại sự kiện này, Khu nghỉ dưỡng Six Senses Ninh Vân Bay và Công ty TNHH Công nghệ Gia đình (FTECH) ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trồng khoảng 11,7 hecta rừng tại Hướng Hóa năm 2023.
Six Senses đặt mục tiêu trồng 10.000 cây mỗi năm, nguồn kinh phí được trích từ Quỹ Phát triển bền vững và sự đóng góp của khách tại khu nghỉ dưỡng.
“Chúng tôi đánh giá cao VARS có một đội ngũ nhiệt thành cũng như tầm nhìn dài hạn, đây là hai yếu tố cốt lõi để có những dự án có tác động lâu dài mà Six Senses luôn tìm kiếm cho những dự án xã hội. Hơn nữa, sự công khai, minh bạch về người đóng góp, tiến độ trồng cây trên trang web là một ý tưởng thực sự tuyệt vời." Bà Emmy Nguyễn, Đại diện của Six Senses Ninh Vân Bay chia sẻ.
Đại diện FTECH cho rằng hoạt động trồng rừng sẽ đóng góp thiết thực trong cuộc chiến giảm phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng chất lượng cuộc sống cho cộng đồng. Bên cạnh đó, khi tham gia trồng rừng cùng VARS năm 2022, nhận thức về môi trường, lối sống xanh của cán bộ nhân viên công ty được nâng cao. Vì vậy, FTECH tiếp tục đồng hành cùng VARS phủ xanh đầu nguồn sông Thạch Hãn với 3.000 cây trong năm 2023.
Chương trình “Góp một cây để có rừng” gồm 2 dự án chính là trồng và phục hồi rừng đầu nguồn sông Gianh và sông Thạch Hãn. Chương trình vận động cộng đồng đóng góp để trồng các loài cây bản địa, gìn giữ và khôi phục rừng tự nhiên với khoản đóng góp 50.000 đồng/cây xanh (chi phí cây giống, phân bón, công trồng, chăm sóc và bảo vệ đến năm thứ 3).
Ngoài việc trực tiếp trồng rừng, Chương trình còn hướng đến đánh thức ý thức bảo vệ môi trường trong công chúng, vận động mọi người không chỉ đóng góp cho dự án mà còn tự trồng và bảo vệ cây xanh, bảo vệ rừng trồng cũng như rừng tự nhiên.
Trong 2 đầu tiên hoạt động (2021 và 2022), VARS đã trồng được 313,9 hecta tại 3 tỉnh Sơn La, Quảng Trị và Quảng Bình tương đương với 388.784 cây giống bản địa như Lim, Dổi, Huỷnh, Vàng Tim, Re, Lát, Xoan.
Thành quả này nhờ sự ủng hộ của rất nhiều cá nhân và tổ chức, doanh nghiệp. Các đối tác đã đồng hành trong 2 năm đầu tiên của VAS gồm: T&A Ogilvy, Quỹ Từ thiện Hành trình xanh, MUJI, TMS Group, VietBank, Công ty TNHH Thành phố Tươi mới, WIPRO, TNEX…
Các đối tác cam kết đồng hành với VAR trong một thời gian dài có Quỹ GVF trồng mỗi năm 5.000 cây trong vòng 6 năm từ năm 2021 và Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO) với 10.000 cây (2021); 20.000 cây (2022), và dự kiến 30.000 cây (2023).
Tính tới ngày 21.3, đã có 2.728 lượt đóng góp cho chương trình “Góp một cây để có rừng” với tổng số tiền 11.244.728.664 đồng.
“Một cây” của VARS là “50.000 đồng” được góp qua hai tài khoản: Ngân hàng ACB, chi nhánh Minh Khai, Hà Nội, số tài khoản 213216 và Ngân hàng Techcombank, chi nhánh Hai Bà Trưng, Hà Nội, số tài khoản 19036682427014.