Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Trần Hồng Minh chia sẻ, Diễn đàn Nhịp đập kinh tế Việt Nam là sự kiện diễn ra thường niên, bắt đầu từ năm 2021. Diễn đàn năm 2023 là sự kiện quan trọng để các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, các doanh nghiệp cùng thảo luận, trao đổi ý kiến về các vấn đề của kinh tế thế giới và Việt Nam. Từ đó, nhằm tìm các gợi ý chính sách, khuyến nghị giúp Việt Nam có thể tận dụng lợi thế của khoa học công nghệ để thúc đẩy kinh tế phát triển thịnh vượng, bền vững trong thời gian tới.
“Thực tế cho thấy, từ các diễn đàn như Diễn đàn Nhịp đập kinh tế Việt Nam đã đóng góp các một phần quan trọng về thông tin để Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tham mưu cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng như Chính phủ có trong việc ban hành các chính sách phát triển kinh tế. Trong đó, có những chính sách mang tính nền tảng cho việc phát triển kinh tế Việt Nam như: Chiến lược phát triển Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 hay tái cấu trúc nền kinh tế trong giai đoạn 2021 - 2025. Đặc biệt trong thời gian vừa qua, cùng với sự phối hợp với các tổ chức quốc tế, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã tham mưu cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ về thực thi các mô hình kinh tế mới như mô hình kinh tế chia sẻ, mô hình kinh tế ban đêm, mô hình kinh tế tuần hoàn…. Hiện nay, CIEM cũng đang tham mưu cho Chính phủ về việc phát triển kinh tế tuần hoàn theo cơ sandbox.”, bà Trần Hồng Minh nhấn mạnh.
Đánh giá về nền kinh tế Việt Nam trong năm qua, Viện trưởng CIEM Trần Hồng Minh cho rằng, năm 2023, mặc dù đại dịch Covid-19 đã được khống chế tuy nhiên, hậu quả đại dịch để lại vẫn rất nặng nề, đang tác động tiêu cực đến kinh tế thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng. Mặt khác, căng thẳng về địa chính trị và tăng cường rào cản kỹ thuật từ phía các thị trường quan trọng của Việt Nam liên quan đến các sản phẩm xanh, sản xuất xanh đã đặt ra những khó khăn, thách thức to lớn cho nền kinh tế Việt Nam năm 2023, cũng như trong những năm tiếp theo. Do đó, thời gian tới, Việt Nam sẽ phải nỗ lực để có thể vượt qua những khó khăn nội tại của chính nền kinh tế cũng như những khó khăn khách quan từ kinh tế thế giới và bối cảnh phức tạp của địa chính trị. Để có được sự đột phá trong năm 2024 và những năm tiếp theo đòi hỏi cần có những chính sách, chiến lược điều hành, phát triển kinh tế phù hợp nhằm tận dụng lợi thế từ những thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 nhằm vượt qua khó khăn, thách thức mới…
Viện trưởng CIEM Trần Hồng Minh cũng bày tỏ mong muốn, với sự hợp tác cùng các tổ chức quốc tế, chúng tôi hy vọng sẽ nhận được nhiều ý khuyến nghị, tham góp, gợi ý về cơ chế, chính sách… của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước để kinh tế Việt Nam có thể phát triển bền vững trong thời gian tới.”
Đồng tình với quan điểm đó, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Ramla Khalidi cho rằng, năm 2023 là một năm khó khăn đối với nền kinh tế các nước. Bên cạnh đó, các ngân hàng trung ương ở khắp các nước trên thế giới đều tăng lãi suất để kiểm soát lạm, điều này kéo theo những hệ luỵ tác động tiêu cực đến sự tăng trưởng về cầu thị trường, cũng như tăng trưởng kinh tế thế giới. Trước bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực để giảm bớt những khó khăn thách thức này và kiểm soát lạm phát…
“Để kinh tế Việt Nam có thể phục hồi mạnh mẽ vào năm 2024, chúng ta phải có linh hoạt các giải pháp để giải quyết những khó khăn, thách thức đang gặp phải. Thực tế, quá trình đổi mới sáng tạo, chuyển dịch năng lượng… đang mang đến những cơ hội mới để Việt Nam có thể thâm nhập vào các thị trường mới, gia tăng giá trị và hàm lượng hàng hoá, cũng như thúc đẩy xuất khẩu… Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có thể tăng cường thu hút đầu tư, tận dụng những công nghệ tiên tiến như công nghệ bán dẫn, trí tuệ nhân tạo,… nhằm khai thác hiệu quả các cơ hội này để phát triển ở mức cao hơn, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình…”, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Ramla Khalidi phân tích.
Để có thể thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển ổn định, tại Diễn đàn, các chuyên gia cũng đã đưa ra các khuyến nghị, đề xuất một số giải pháp trọng tâm cho năm 2024. Theo đó, các chuyên gia cho rằng, giải pháp đầu tiên vẫn là tập trung ổn định nền kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tập trung nhiều hơn cho các động lực tăng trưởng kinh tế. Thúc đẩy tiếp tục cải thiện thể chế và môi trường kinh doanh.
Ngoài ra, cũng cần tiếp tục sự nghiệp phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất. Tăng cường hỗ trợ cho các chủ thể sản xuất kinh doanh. Thúc đẩy phát triển thị trường hàng hoá dịch vụ…