Vụ ám sát man rợ
Theo Al Jazeera, Tổng thống Haiti Jovenel Moise, 53 tuổi, người nhậm chức vào năm 2017 đã bị bắn chết, còn vợ ông, bà Martine Moise, bị thương nặng khi những kẻ ám sát được trang bị vũ khí xông vào tư gia trên đồi phía trên Port-au-Prince vào khoảng 1 giờ sáng (giờ địa phương) hôm thứ Tư. Bà Martine, trong tình trạng nguy kịch, được máy bay đưa tới Miami để điều trị.
Ông Bocchit Edmond, Đại sứ Haiti tại Mỹ cho biết, các tay súng là “lính đánh thuê nước ngoài” được đào tạo bài bản và chúng đã giả dạng các đặc vụ của Cơ quan phòng chống ma túy Mỹ (DEA) khi tiến vào ngôi nhà được canh gác của Tổng thống Moise trong đêm. Theo Đại sứ Bocchit, DEA có văn phòng tại Thủ đô Haiti nhằm hỗ trợ Chính phủ nước này trong các chương trình phòng chống ma túy.
Vụ ám sát, bị cả Mỹ lẫn các nước Mỹ Latin láng giềng lên án, xảy ra trong bối cảnh bất ổn chính trị, bạo lực băng đảng gia tăng và cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng trầm trọng ở quốc gia nghèo nhất châu Mỹ.
Thủ tướng tạm quyền Joseph Claude cho biết, những kẻ ám sát nói tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha, trong khi phần lớn người dân ở Haiti nói tiếng Pháp hoặc tiếng Creole của Haiti.
“Tôi kêu gọi người dân bình tĩnh. Mọi thứ đều trong tầm kiểm soát”. “Hành động man rợ này sẽ phải bị trừng phạt”, ông Joseph Claude phát biểu trên truyền hình. Chính phủ Haiti đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong hai tuần để giúp tìm ra những kẻ ám sát.
Trong một cuộc phỏng vấn trước đó với hãng tin AP, ông Joseph cũng kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về vụ ám sát, đồng thời nói rằng các cuộc bầu cử dự kiến vào cuối năm nay sẽ được tổ chức. Ông cam kết sẽ hợp tác với các đồng minh cũng như đối thủ của Tổng thống Moise. Thủ tướng tạm quyền Joseph nói: “Chúng ta cần mọi người để đưa đất nước tiến lên".
Haiti, quốc gia với khoảng 11 triệu dân, đã phải vật lộn để đạt được ổn định kể từ khi chế độ độc tài triều đại Duvalier sụp đổ vào năm 1986 và phải đối phó với một loạt cuộc đảo chính lẫn can thiệp của nước ngoài. Trong năm qua, Tổng thống Moise điều hành bằng sắc lệnh sau khi không tổ chức bầu cử, và trong những tháng gần đây, phe đối lập yêu cầu ông từ chức, cho rằng ông đang dẫn dắt đất nước tới một thời kỳ độc tài nghiệt ngã khác.
Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2017, Tổng thống Moise phải đối mặt với nhiều lời kêu gọi từ chức và các cuộc biểu tình lớn - trước tiên là vì các cáo buộc tham nhũng và cách quản lý nền kinh tế, sau đó là vì cách thâu tóm quyền lực của ông.
Gần đây, ông đã phải chịu trách nhiệm về tình trạng bạo lực băng đảng ngày càng tồi tệ mà các nhà hoạt động nhân quyền cho rằng có liên quan đến chính trị và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp sử dụng các nhóm vũ trang cho mục đích riêng của họ.
Toàn cầu lo ngại
Từ Mỹ, Tổng thống Mỹ Joe Biden lên án vụ ám sát Tổng thống Moise là “đáng ghê tởm” và gọi tình hình ở Haiti, nơi cách bờ biển Florida của Mỹ khoảng 1.125km là đáng quan ngại. “Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ trong khi chúng tôi tiếp tục làm việc vì một Haiti an toàn và an ninh,” ông nói.
Trong khi đó, Tổng thống Cộng hòa Dominica Luis Abinader phát biểu: “Tội ác này là cuộc tấn công chống lại trật tự dân chủ của Haiti và khu vực”.
Tổng thư ký Liên Hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres cũng lên án vụ ám sát và nhấn mạnh rằng: “Thủ phạm của tội ác này phải bị đưa ra công lý”. Còn Hội đồng Bảo an LHQ bày tỏ cảm giác sốc nặng và cảm thông sâu sắc về cái chết của Tổng thống Moise trước cuộc họp kín vào thứ Năm, do Mỹ và Mexico yêu cầu, để đánh giá tình hình.
Trước đó, Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO) bày tỏ lo ngại, bạo lực có thể gây trở ngại cho các nỗ lực chống lại đại dịch Covid-19 ở Haiti, một trong số ít các quốc gia trên toàn thế giới vẫn chưa sử dụng một mũi vaccine phòng Covid-19 nào.

Khoảng trống quyền lực
Trong bối cảnh Haiti đang trong tình trạng phân cực về mặt chính trị và đối mặt với nạn đói ngày càng gia tăng, nỗi lo sợ về sự đổ vỡ trật tự đang lan rộng, nhất là khi vụ ám sát Tổng thống Moise diễn ra giữa khoảng trống quyền lực.
Chỉ trong tuần này, ông mới đề cử Thủ tướng thay thế ông Joseph - người giờ đang là lãnh đạo lâm thời, nhưng ông Ariel Henry vẫn chưa tuyên thệ nhậm chức. Đã thế, không may là, Chánh án của Tòa án Tối cao, nhân vật được kỳ vọng sẽ giúp mang lại sự ổn định cho cuộc khủng hoảng, gần đây đã mất vì Covid-19.
Trong cuộc phỏng vấn với AP, Joseph cho biết ông đã nói chuyện ba lần với ông Henry và cả hai nhất trí rằng ông phụ trách cho đến bây giờ. “Ông ấy thực sự được chỉ định nhưng chưa bao giờ nhậm chức,” ông Joseph nói về ông Henry. “Tôi là Thủ tướng, người tại vị. Đây là những gì luật pháp và Hiến pháp ghi rõ”. Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn riêng với AP, ông Henry tỏ ra mâu thuẫn với ông Joseph. “Đó là một tình huống đặc biệt. Có một chút nhầm lẫn”. “Tôi là Thủ tướng đương nhiệm”, ông nói.
Vào cuối ngày thứ Tư, số công báo bất thường được phát hành đã có kết luận, Thủ tướng và Nội các của ông (nghĩa là Chính phủ của ông Joseph) sẽ nắm quyền hành pháp cho đến khi một tổng thống mới có thể được bầu, theo Hiến pháp của Haiti.
Các cuộc bầu cử tổng thống, lập pháp và địa phương sẽ được tổ chức vào tháng 9, cùng với một cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi về Hiến pháp mới mà Tổng thống Moise từng phát biểu sẽ giúp mang lại sự ổn định chính trị cho đất nước.
Theo ông Alex Dupuy, một nhà xã hội học sinh ra ở Haiti tại Đại học Wesleyan ở Middletown, Connecticut, Mỹ, kịch bản tốt nhất là để Thủ tướng tạm quyền và các đảng đối lập xích lại gần nhau và tổ chức bầu cử. “Nhưng, ở Haiti, không có gì có thể được coi là đương nhiên. Nó phụ thuộc vào cán cân lực lượng hiện tại ở Haiti diễn ra như thế nào”, ông nhận định đồng thời đánh giá tình hình là đầy biến động.
Trong khi đó, các đảng đối lập cho biết, họ rất thất vọng về vụ ám sát.
“Trong hoàn cảnh hiện tại, các lực lượng chính trị đối lập lên án nghiêm khắc tội ác tày trời trái ngược với các nguyên tắc dân chủ này,” tuyên bố của họ cho biết.
Các bên nói thêm rằng, họ hy vọng Cơ quan Cảnh sát quốc gia sẽ thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân, đồng thời kêu gọi người dân Haiti hết sức cảnh giác.