Vẫn cần tiếp tục công bố số liệu về dịch Covid-19
Trả lời báo chí về thời điểm Việt Nam có thể công bố hết dịch Covid-19, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, thời điểm này, nước ta không còn hạn chế đi lại, trong khi bản chất của SARS-CoV-2 vẫn có thể di chuyển trên những người khỏe mạnh, vượt qua hàng rào hành chính.
Do đó, phòng chống dịch Covid-19 mang tính toàn cầu, không riêng một quốc gia, một địa phương.
Miễn dịch Covid-19 sẽ giảm theo thời gian và dịch vẫn có thể xuất hiện làn sóng mới từ khu vực này đến khu vực khác. Chính vì thế, dịch bệnh Covid-19 khó dự báo, khó lường và có sự gia tăng ở từng khu vực.
Theo GS Lân, dịch bệnh đang có sự gia tăng ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Mỗi ngày, Việt Nam ghi nhận khoảng 2.000 ca bệnh Covid-19 mới, trong đó có ca bệnh nhập viện, có bệnh nhân tử vong, 1/10 trong số này có liên quan hậu Covid-19. Vì vậy, Covid-19 vẫn gây gánh nặng cho hệ thống y tế.
GS Lân thông tin, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm quy định việc công bố dịch gồm 5 nội dung: thứ nhất trên dịch bệnh; thứ hai là thời gian, địa điểm, phạm vi, quy mô; thứ ba là nguyên nhân, đường lây truyền và tính chất nguy hiểm của dịch; thứ tư là các biện pháp phòng chống và thứ năm là các cơ sở khám chữa bệnh tiếp nhận điều trị.
Với 5 nội dung này, vẫn cần tiếp tục công bố số liệu về dịch để các cơ quan liên quan và người dân nắm được. Mỗi số liệu đưa ra đều mang ý nghĩa giúp cho người dân và cơ quan liên quan biết thời gian, địa điểm, quy mô dịch và các biện pháp phòng chống để thực hiện một cách xuyên suốt thống nhất, giúp cho nhanh chóng khống chế dịch.
“Đến nay, ngay cả trong cuộc họp của WHO ngày 5.5, câu hỏi bao giờ đại dịch kết thúc vẫn chưa rõ ràng. Vì thế đối với Việt Nam, chúng tôi sẽ cùng các chuyên gia cập nhật, tham mưu cho Bộ Y tế, cho Chính phủ đưa ra các biện pháp linh hoạt, phù hợp mới mức độ, diễn biến tình hình dịch, đảm bảo sức khỏe, tính mạng người dân là trên hết”, GS Lân nói.
Đồng thời, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết các hoạt động phòng chống dịch hiện nay sẽ dựa trên tình hình dịch tễ, nguồn lực… đặc biệt trong bối cảnh dịch chưa ổn định, vẫn có biến chủng, ca mắc mới hằng ngày. Các biện pháp này nhằm đảm bảo khi có tình huống phải áp dụng để kiểm soát dịch nhanh chóng.
Có nên chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B?
Về vấn đề có nên chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, GS.TS Phan Trọng Lân nhấn mạnh, việc phòng chống dịch phải trên nguyên lý khoa học cũng như căn cứ trên luật pháp cả quốc tế và Việt Nam.
Đối với hoạt động phòng chống dịch nói chung, Covid-19 nói riêng đều có 4 cấu phần.
Thứ nhất, dựa trên tình hình dịch tễ; thứ hai là các biện pháp phòng chống; thứ ba là thời điểm áp dụng các biện pháp và thứ tư là các nguồn lực, biện pháp phòng chống, chính sách để đảm bảo thực hiện các biện pháp ứng phó một cách đồng bộ.
“Như vậy, chúng ta phải cân đối 4 yếu tố này, làm thế nào để khi tình huống liên quan đến dịch bệnh, thì áp dụng đúng thời điểm nhằm khống chế, kiểm soát nhanh chóng dịch bệnh”, ông Lân nói.
Cũng theo GS Lân, dịch bệnh Covid-19 diễn biến khó lường, dù có giảm các biện pháp phòng chống nhưng miễn dịch sẽ suy giảm theo thời gian, trong khi biến thể phụ thường xuyên xuất hiện, dịch xuất hiện làn sóng mới. Do đó, các biện pháp áp dụng phải trải từ hành chính xã hội cho đến biện pháp về chuyên môn, kỹ thuật.
“Trong phân loại, bệnh truyền nhiễm nhóm A thiên về các biện pháp hành chính xã hội và đảm bảo nguồn lực. Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh dù là nhóm bệnh nào thì việc phối hợp thực hiện hài hoà, linh hoạt để khi áp dụng các biện pháp phòng chống dịch có thể triển khai nhanh chóng, phù hợp với tình huống dịch, tránh được lãng phí mới là quan trọng”, ông khẳng định.
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cũng cho biết, Bộ Y tế đang tiếp tục xây dựng kế hoạch ứng phó bền vững với đại dịch Covid-19 trong tình hình mới, trong đó có tính đến bối cảnh có biến thể mới nguy hiểm xuất hiện, dịch lan rộng…; Tăng cường giám sát lồng ghép Covid-19 và các bệnh viêm đường hô hấp khác.
Bên cạnh đó, đa dạng hoá các hoạt động giám sát dịch bệnh để có thể đánh giá đúng tình hình dịch nhằm triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp; vừa tăng cường giám sát trọng điểm, thường xuyên, lồng ghép, giám sát theo sự kiện, vừa giám sát ngẫu nhiên.
Việc giám sát ngẫu nhiên ở cửa khẩu không mang tính bắt buộc, nhưng vẫn mang lại lợi ích trong cộng đồng nên người dân cần phối hợp.
Tại nước ta, các bệnh truyền nhiễm được phân làm 3 nhóm.
Trong đó, nhóm A là các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh bao gồm các bệnh bại liệt, cúm gia cầm A(H5N1), bệnh đậu mùa, bệnh Covid-19, bệnh sốt vàng…
Nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong gồm bệnh do virus Adeno, bệnh do virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), bạch hầu, cúm, bệnh dại, ho gà, lao phổi, sốt xuất huyết, sốt rét, sởi, bệnh tay chân miệng, thuỷ đậu…
Nhóm C gồm các bệnh truyền nhiễm ít nguy hiểm, khả năng lây truyền không nhanh (giang mai, lậu, bệnh sốt mò, sán lá gan, sốt xuất huyết do virus Hanta…).