Không phải ngẫu nhiên mà cứ mỗi kỳ diễn ra tranh cử, người ta lại thấy ứng cử viên tổng thống này đi làm bằng xe buýt công cộng, ứng cử viên thủ tướng kia thể hiện mình tự đi chợ nấu ăn... Thực ra, hầu như ở quốc gia nào cũng vậy, dân chúng luôn có cảm tình với các chính trị gia “bình dân”, những người mà hành động hay lời nói đời thường của họ làm cho người dân cảm thấy gần gũi.
Thật vậy, trong chuyến thăm Mỹ năm 1959, nhà lãnh đạo Xô Viết Nikita Khrusov đã rút tờ diễn văn được viết sẵn ra đọc vài dòng đầu tiên, rồi bất ngờ nói: “Thôi, việc gì tôi lại phải đọc cho quý vị nghe. Tốt hơn là tôi tự nói về những ấn tượng của mình!”. Không phải bài phát biểu được chuẩn bị kỹ lưỡng mà chính lời nói dân dã của nhà lãnh đạo đã giúp ông gây được thiện cảm lớn trong lòng người dân Mỹ thời điểm đó.
Vị Đại sứ “Tây ba lô”

Tháng 8.2011 vừa qua, tân Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Gary Locke đã chiếm được tình cảm của đông đảo cư dân mạng Trung Quốc sau khi một bức ảnh đời thường của ông lan truyền trên internet. Bức ảnh “chụp trộm” cho thấy ông Locke đang mua cà phê tại tiệm ăn nhanh Starbucks, vai đeo ba lô và đứng cạnh ông là cô con gái nhỏ tuổi. Theo Xinhua, đây là điều không tưởng ở Trung Quốc. Chính hãng tin này đã đặt cho ông Locke biệt danh “Đại sứ Tây ba lô” do thói quen du lịch bụi của ông. Chưa hết, ông Locke, cựu Bộ trưởng Thương mại Mỹ, khi đến Bắc Kinh nhậm chức, còn tự mang hành lý ra khỏi sân bay và đi một chiếc xe thường thay vì xe công vụ đặc biệt. Đối với người Mỹ, hình ảnh đó có thể là bình thường, nhưng với hầu hết người Trung Quốc thì không. Người Trung Quốc có thể hỏi vì sao đại sứ của một cường quốc lại không có ai xách hành lý, không sử dụng xe limousine trong khi ở Trung Quốc, thậm chí người đứng đầu một thị trấn cũng có trợ lý theo xách hành lý?

Ông Locke chỉ là Đại sứ. Người Trung Quốc còn bàng hoàng hơn khi hay tin Phó tổng thống Mỹ Joe Biden đã tới ăn trưa ở một quán mì bình dân ngay sau khi hội kiến với Phó chủ tịch Tập Cận Bình. Nhớ lại 2 năm trước, khi đặt chân tới sân bay quốc tế Pudong ở Thượng Hải, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bước ra khỏi chuyên cơ Không lực Một, tay cầm ô che mưa. Nhiều người đã không tin đó là ông Obama vì họ nghĩ rằng một tổng thống Mỹ không tự cầm ô cho mình.
Vị Tổng thống uống bia ven đường

Nhắc đến chính khách bình dân, không thể không kể tới Thủ tướng Nga Vladimir Putin. Người Nga không còn xa lạ với hình ảnh một Putin đang đấu võ Judo hay để ngực trần đi câu cá. Ông cũng là một tay cơ bi-a cừ khôi... Ông là minh chứng rõ nhất chứng tỏ rằng chính khách không khô khan và cuộc sống không chỉ quanh quẩn với những cuộc hội đàm căng thẳng. Thủ tướng Putin cho hay ông vẫn giữ thói quen tập thể dục, bơi lội và thường xuyên gặp bạn bè để thư giãn và giải trí. Không chỉ trong nước, mà người nước ngoài cũng biết đến một Putin “bình dân”. Tháng 6.2005, khi còn là Tổng thống Nga, ông Putin đã thăm Kazakhstan để cùng Tổng thống N.Nazarbayev hiệu chỉnh lại quyết định của hai ngoại trưởng về vấn đề công dân hai nước đi lại cần có hộ chiếu. Sau cuộc gặp, hai vị Tổng thống ra ngoài đi dạo, vãn cảnh, rồi ghé vào một quán bar ven đường. Hớp một ngụm bia, thêm một ít đồ nhắm, Tổng thống Nga đã lên tiếng chào những “bạn nhậu” ở bàn khác.
Bình dân “kiểu Úc”
Đa số người dân Australia cho rằng đàn ông, dù có là thủ tướng hay chính trị gia, vì say rượu mà đưa chân đến hộp đêm, chỉ càng chứng tỏ ông ta là “một người bình thường”. Ví dụ cụ thể nhất là trường hợp của lãnh đạo Công đảng Kevin Rudd. Ngay trước cuộc bầu cử năm 2007, ông Rudd lo lắng uy tín sẽ sụt giảm sau khi thông tin về việc ông đến hộp đêm Scores ở New York mấy năm trước loan ra. Tuy nhiên, kết quả một cuộc thăm dò thời đó do Viện Galaxy Research thực hiện cho thấy có đến 85% cử tri, cả nam lẫn nữ, bình luận rằng chuyến phiêu lưu của ông Kevin Rudd không có gì xấu. Kết quả là Công đảng của ông đã thắng lớn trong cuộc bầu cử năm 2007 và ông trở thành Thủ tướng Australia nhiệm kỳ 2007 - 2010.
Chính khách Thụy Điển luôn… bình dân!
Công bằng xã hội đã và vẫn là một trong những mục tiêu chính của tổ chức chính trị và xã hội tại Thụy Điển. Điều đó khiến các chính khách, thậm chí cả bộ trưởng hay nghị sỹ Quốc hội không được đòi hỏi sự “tôn kính” đặc biệt. Mỗi ngày trôi qua với một chính khách, dù là nam hay nữ, bộ trưởng hay cấp thấp hơn, đều là dậy sớm, đưa con tới trường học hay vườn trẻ công cộng trên đường đi làm, dùng bữa trưa ở một nhà hàng bình dân, trở lại làm việc cho tới 5h chiều, rồi lại tới trường đón con cái. Các bộ trưởng cũng như các nghị sỹ Quốc hội không có tài xế riêng, họ có thể đi làm bằng xe buýt, tàu hỏa hay tàu điện ngầm như những người dân thường. Họ cũng phải tự giặt đồ cho mình, tự mua thực phẩm nếu không muốn dùng bữa ở quán ăn... Không có đặc quyền nào dành riêng cho những chính khách ở đất nước này.
Vị Thủ tướng đi máy bay giá rẻ
Hồi tháng 4 năm nay, nhiều người Anh đã kinh ngạc khi nhìn thấy vị Thủ tướng quyền lực của mình giản dị trong chiếc quần soóc, áo phông đen cộc tay, địu con gái nhỏ trước ngực đi dạo dọc bờ biển, trong khi mắt vẫn trông chừng hai đứa con khác của ông là Nancy (7 tuổi) và Arthur Elwen (5 tuổi) đang tập lướt sóng ở Polzeath. Trông Thủ tướng David Cameron lúc đó chẳng khác gì những du khách bình thường. Trước đó, hai vợ chồng Thủ tướng vừa tổ chức chuyến đi nghỉ hai ngày ở Tây Ban Nha bằng chuyến bay giá rẻ. Mặc dù chuyến đi như món quà tặng sinh nhật vợ, song theo tờ El Pais, vợ chồng Thủ tướng cũng chỉ ở trong một khách sạn “bình dân”.

Ở châu Á, ngoài những chính trị gia có xuất thân bình dân như cựu Thủ tướng Nhật Naoto Kan, thì hầu hết những chính trị gia có phong cách được xem là bình dân đều bị dư luận “nghi ngờ”. Đành rằng, nữ tân Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra vẫn thường đưa con trai 9 tuổi tới lớp học piano và bóng đá vào mỗi cuối tuần, thường hay đi chợ gần nhà, thường tự làm đẹp mà không có chuyên gia trang điểm riêng…, nhưng là chính khách, khái niệm “bình dân” sẽ được hiểu theo nghĩa khác. Vụ “noodlegate” là ví dụ. Sự kiện bà Yingluck xắn tay áo, đảo nồi mỳ thơm lừng giữa chợ cho các cử tri thưởng thức cốt chỉ nhằm đánh bóng hình ảnh một chính khách bình dân, song phe đối lập cho rằng bà đã phạm luật. Luật Thái Lan cấm các ứng cử viên phân phát quà cho cử tri.