Khát vọng Việt Nam!

- Thứ Ba, 09/03/2021, 04:58 - Chia sẻ
Nghe qua các ý kiến, tôi thấy một khát khao cháy bỏng về một Việt Nam cường thịnh vào năm 2045. Đây không chỉ là tình cảm lớn lao của doanh nghiệp, trí thức mà còn là khát khao của Nhân dân, của cả hệ thống chính trị. Và từ nay đến năm 2045 là khoảng thời gian đủ dài để xuất hiện những tập đoàn khổng lồ mang tên Việt Nam trên trường quốc tế... Đây là kỳ vọng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Đối thoại 2045 lần đầu tiên được tổ chức vừa qua...

Nhấn mạnh tầm quan trọng của Đối thoại 2045, Thủ tướng khẳng định đây sẽ là diễn đàn đối thoại thường niên giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ trí thức nhằm thúc đẩy các nỗ lực cải cách bền bỉ, liên tục, xuyên suốt, nhất quán để sớm hiện thực hóa khát vọng Việt Nam 2045. Đối thoại 2045 còn thể hiện sự kết tinh tinh thần yêu nước của người dân, doanh nghiệp, trí thức trước sự phát triển của đất nước; quyết tâm đổi mới mạnh mẽ, vượt khó khăn, thách thức đưa đất nước ngày một phát triển, mang lại đời sống Nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. Bên cạnh đó là cơ hội không chỉ tạo dựng tinh thần đoàn kết và niềm tin mà còn cả bản lĩnh, trí tuệ, lòng yêu nước, yêu lao động, yêu sáng tạo...

Và để có Việt Nam 2045 cường thịnh cần có những bước đi và hành động cụ thể. Như việc các bộ, ngành cần thay đổi tư duy khi xây dựng, thực thi chính sách từ quản lý sang phục vụ doanh nghiệp, người dân. Các cơ quan chức năng phải luôn đồng hành, luôn trong "tâm thế" sẵn sàng tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Bên cạnh đó, từ nhận thức đến "đối xử" mọi doanh nghiệp, không kể Nhà nước, tư nhân hay FDI phải được bình đẳng. Chính phủ phải tạo dựng được thể chế minh bạch để thu hút doanh nghiệp, doanh nhân. Ngoài ra, cần tiếp tục ưu tiên đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đường không, hàng hải, logistics... Đặc biệt, cần tin tưởng vào kinh tế tư nhân, vào doanh nghiệp và tập trung phát triển vào khu vực kinh tế tư nhân...

Để khẳng định quyết tâm này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề ra những nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành. Đó là cần thống nhất nhận thức, tư tưởng, hành động của cả hệ thống chính trị trong triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển doanh nghiệp theo tinh thần các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ. Tiếp tục thúc đẩy cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là các bộ trưởng cam kết bảo đảm sự ổn định của kinh tế vĩ mô và minh bạch hóa chính sách; bảo đảm thực thi chính sách minh bạch, hiệu quả; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; mở rộng khả năng tham gia thị trường và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp; thúc đẩy tính tự chủ, cạnh tranh của kinh tế tư nhân, không biến các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân thành bao cấp, phục vụ “lợi ích nhóm” dưới mọi hình thức...

Như ý kiến của một đại diện doanh nghiệp tại Đối thoại thì Việt Nam năm 2045 sẽ hùng cường. Muốn vậy, ngay từ bây giờ, mỗi người dân phải chung khát vọng. Khát vọng không phải trên giấy mà phải chuyển sang doanh nghiệp, sang từng người dân, cùng mơ ước có những phát minh sáng chế cả thế giới cần và sử dụng... Để có khát vọng đó, chúng ta cần một niềm tin lớn của người dân vào Chính phủ và niềm tin của Chính phủ với người dân, Chính phủ tin tưởng vào cộng đồng doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Linh Trang