Báo cáo với Đoàn, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao tỉnh Bình Dương Phan Văn Lam cho biết, Trung tâm đã tổ chức thành công các giải thể thao các cấp; công tác tuyến chọn, đào tạo, huấn luyện và quản lý vận động viên ngày càng đi vào chiều sâu, ổn định có hệ thống; các đội thể thao của tỉnh tham dự giải đạt được nhiều thành tích; các công tác hỗ trợ. Công tác xã hội hóa các hoạt động thể thao được bảo đảm thực hiện qua các năm, nhận được sự quan tâm, tham gia và hưởng ứng của các doanh nghiệp trên địa bàn.
Tuy nhiên, Trung tâm vẫn còn gặp khó khăn trong quá trình hoạt động như: hệ thống cơ sở vật chất vẫn chưa hoàn chỉnh, chất lượng một số hạng mục công trình còn thấp, trang thiết bị chưa hiện đại, chưa đáp ứng được các yêu cầu về phát triển thể thao thành tích cao và đăng cai tổ chức các giải đấu mang tính quy mô lớn, tầm cỡ quốc tế. Cơ sở vật chất, nơi ăn ở, tập luyện và công tác quản lý vận động viên còn nhiều khó khăn, thiếu thốn và chưa đạt chuẩn…
Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Dương là đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm một phần chi thường xuyên, thời gian qua, Trung tâm thực hiện chức năng nghiên cứu, thể nghiệm các mẫu hình, phương pháp và hình thức hoạt động văn hóa ở cơ sở; xây dựng và thực hiện các chương trình biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ nhân dân phù hợp với đặc điểm, yêu cầu xây dựng và phát triển của địa phương, phù hợp với quy hoạch của ngành trong thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa...
Theo đại diện Trung tâm, bên cạnh khó khăn về cơ sở sở vật chất như chưa có hội trường đa năng, chủ yếu sử dụng cơ sở vật chất cũ, đã xuống cấp, thiếu phòng sinh hoạt, phòng tập luyện cho câu lạc bộ lớp năng khiếu và phòng làm việc cho viên chức, người lao động; Trung tâm cũng gặp khó khăn trong công tác tuyển dụng và phát triển lực lượng diễn viên. Do đội ngũ lao động nghệ thuật còn khiêm tốn, không đủ nhân lực để xây dựng các chương trình nghệ thuật chính quy, đông người… nên phải thuê thêm diễn viên quần chúng, đã ảnh hưởng đến chất lượng, kinh phí.
Tính đến thời điểm hiện tại, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân và lao động trẻ đang triển khai thực hiện 7 mô hình. Cụ thể, Câu lạc bộ kết nối thanh niên công nhân (từ tháng 10.2015), Sân chơi đường phố Binh Duong New City (từ tháng 4.2022), Thành lập tổ chức Đoàn trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước (từ tháng 6.2022), Hành trình kết nối thanh niên công nhân (từ năm 2015), Bếp ăn kết nối yêu thương (từ tháng 5.2018), Kết nối doanh nghiệp bằng hoạt động phối hợp (từ năm 2016), Điểm hẹn thanh niên công nhân (từ tháng 15.7.2023). Ngoài ra, Trung tâm cũng triển khai một số hoạt động hiệu quả trong phòng chống dịch Covid-19 như lập đội hình tuyến đầu với 200 thành viên tình nguyện phục vụ cho công tác lấy mẫu tại địa bàn có mật độ lây nhiễm cao; 2 câu lạc hộ xe hỗ trợ vận chuyển nhu yếu phẩm thiết yếu…
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ đánh giá cao và ghi nhận kết quả hoạt động của các đơn vị trong việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật đầu tư, xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh Bình Dương cần chú trọng công tác tuyển dụng, đào tạo vận động viên trẻ để trở thành nơi có đóng góp cao nhất trong sự phát triển thể thao của tỉnh; cùng với các hoạt động thể thao thành tích cao cũng cần quan tâm chú trọng phát triển phong trào thể dục thể thao quần chúng. Ngoài phát huy nội lực cũng cần tăng cường phối hợp hoạt động, liên kết với các tỉnh, thành phố trong khu vực phát huy hiệu quả các hoạt động thể dục thể thao. Đây cũng là điều kiện để các vận động viên, huấn luận viên cọ xát, nâng cao năng lực.
Đối với Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Dương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho biết, sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến, từ đó có sự phân tích, đánh giá nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về thực hiện chính sách, pháp luật đầu tư, xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao. Đồng thời, đề nghị Trung tâm cần củng cố, xây dựng bộ máy sáng tạo, đoàn kết; xây dựng chiến lược phát triển trước mắt và lâu dài; tham mưu những cơ chế chính sách đặc thù; có sự đổi mới về phương thức, xây dựng mô hình hoạt động hiệu quả, phù hợp với thị hiếu, nhu cầu phát triển của xã hội hiện đại.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân và lao động trẻ trong việc tổ chức thực hiện các thiết chế văn hóa thể thao cho công nhân và lao động, Phó Chủ nhiệm Tạ Văn Hạ cho rằng, với đặc thù địa phương có nhiều khu công nghiệp, thời gian tới Trung tâm cần quan tâm triển khai nhiều mô hình hay, thiết thực, hiệu quả nhằm chăm lo hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần cho thanh niên công nhân và lao động trẻ.
+ Tại thị xã Bến Cát, Đoàn công tác cũng đã khảo sát thực tế tại Nhà hát Công nhân Mỹ Phước và Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội.