Hội nghị là dịp để kết nối các nhà sáng tạo nội dung, các chuyên gia thuế và cơ quan truyền thông cùng trao đổi, thảo luận về các khía cạnh liên quan đến thuế trong lĩnh vực sáng tạo nội dung số (MMO), từ đó tạo điều kiện giúp những người hoạt động trong lĩnh vực này hiểu một cách rõ ràng và minh bạch về các vấn đề thuế của ngành, tuân thủ pháp luật Việt Nam cũng như Hiệp định về chống đánh thuế hai lần mà Việt Nam đã ký với một số nước.
Bên cạnh đó, Hội nghị cũng là cầu nối để các doanh nghiệp MMO tiếp cận với các cơ hội đầu tư quốc tế và chính sách hỗ trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông đối với lĩnh vực nội dung số. Qua đó, thúc đẩy quá trình đưa các sản phẩm nội dung số “make in Vietnam” tri thức người Việt vươn tầm thế giới.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Việt Tiệp - Chuyên viên cao cấp về kế toán thuế (đại diện cho DCCA) cung cấp một bức tranh tổng quan về các loại thuế đang được áp dụng đối với đối với các cá nhân, tổ chức tham gia sáng tạo nội dung và kiếm tiền trên nền tảng quốc tế. Đồng thời DCCA đưa ra các đề xuất đối với chính sách thuế dành cho lĩnh vực MMO.
Theo ông Tiệp, hiện nay các doanh nghiệp và cá nhân hoạt động trên YouTube tại Việt Nam đang phải chịu 2 lần thuế đối với khoản doanh thu từ lượt xem tại Mỹ (do phía Mỹ đã thu thuế), bản chất là các doanh nghiệp/cá nhân đang bị nộp thuế chồng thuế.
Theo chính sách của YouTube, các nhà sáng tạo nội dung ở các quốc gia ngoài Mỹ thực hiện đăng ký thuế với cơ quan thuế của Mỹ sẽ chịu khấu trừ 30% thuế thu nhập cho các lượt xem đến từ Mỹ; còn các lượt xem từ các quốc gia khác YouTube không khấu trừ thuế.
Chính sách của YouTube cũng quy định, các nhà sáng tạo nội dung từ các quốc gia ngoài Mỹ không thực hiện đăng ký thuế tại Mỹ sẽ bị khẩu trừ 24% thuế thu nhập cho tổng lượt xem toàn cầu. (Chính sách này nhằm khuyến khích YouTuber đăng ký thuế tại Mỹ) Khi dòng tiền về đến Việt Nam, nhà sáng tạo cá nhân phải nộp thêm 7% (bao gồm 5% VAT và 2% thuế thu nhập cá nhân). Còn tổ chức/doanh nghiệp kinh doanh trên YouTube phải đóng khoán thuế là 30% (bao gồm 10% VAT và 20% thuế thu nhập doanh nghiệp).
Trong khuôn khổ chương trình, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông đã giới thiệu chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nội dung số đi ra nước ngoài và tổ chức phiên thảo luận về các khía cạnh liên quan đến thuế trong lĩnh vực sáng tạo nội dung số…