Đó là nhận định của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tại Lễ vinh danh Vì sự phát triển dược liệu Việt do Cục quản lý Y, Dược cổ truyền Bộ Y tế phối hợp cùng Báo Sức khỏe và Đời sống vừa tổ chức tại Hà Nội.
Lễ Vinh danh nhằm ghi nhận sự đóng góp của các hộ gia đình, hợp tác xã/liên hiệp hợp tác xã, doanh nghiệp có thành tích nuôi trồng, bảo tồn, hình thành được chuỗi liên kết trong phát triển dược liệu. Từ đó, phát triển các sản phẩm góp phần nâng cao sức khỏe cho người dân; đem lại cuộc sống ấm no cho bà con tại các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần thực hiện mục tiêu Quyết định số 1719/QĐ-TTg.
Sau gần 3 tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được hơn 100 hồ sơ của các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và hộ cá thể. Qua nhiều vòng bình xét, họp một cách nghiêm túc, công tâm, Hội đồng xét duyệt hồ sơ đã lựa chọn được gần 40 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ cá thể có thành tích xuất sắc vinh danh Vì sự phát triển dược liệu Việt gắn với phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Được gìn giữ, lưu truyền và phát triển qua nhiều thế hệ, nền y học cổ truyền Việt Nam trở thành một di sản rất độc đáo với những bài thuốc, phương thuốc trị bệnh sử dụng thảo mộc. Trong bộ "Nam dược thần hiệu", Thiền sư Tuệ Tĩnh - người đặt nền móng cho y học cổ truyền Việt Nam đã viết về 499 vị thuốc Nam.Trong đó. có đến 241 vị thuốc có nguồn gốc từ thực vật. Còn tại bộ "Lĩnh Nam bản thảo", Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã kế thừa, bổ sung về công dụng hoặc phát hiện thêm 305 vị thuốc mới.
Theo thống kê của Viện Dược liệu, Việt Nam đã ghi nhận trên 5.000 loài thực vật có công dụng làm thuốc, trong đó có nhiều cây thuốc quý. Mỗi năm Việt Nam tiêu thụ 50.000-60.000 tấn dược liệu khác nhau. Dược liệu được sử dụng với nhiều mục đích như: sản xuất thuốc điều trị bệnh, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thuốc cho thủy, hải sản; thực phẩm thực dưỡng, đồ uống, hóa mỹ phẩm … Hiện tại, Việt Nam là một trong 15 nước có tên trên bản đồ dược liệu thế giới.
Ngày 30.10.2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1976/QĐ-TTg phê duyệt "Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030". Theo đó, Việt Nam có 8 vùng trồng nguyên liệu trên cả nước để trồng 54 loài dược liệu, lựa chọn và khai thác hợp lý 24 loài dược liệu tự nhiên.
Ngày 14.10.2021, Thủ tướng ký Quyết định số 1719/QĐ-TTg, phê duyệt "Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030...", trong đó tạo nhiều điều kiện, cơ chế ưu đãi để thu hút doanh nghiệp, người dân đầu tư trồng dược liệu, phát triển sản xuất.
"Các hộ gia đình, các hợp tác xã, các doanh nghiệp được vinh danh hôm nay sẽ góp phần lan tỏa mạnh mẽ đến cộng đồng, khuyến khích các tập thể và cá nhân khác ngày càng tham gia tích cực hơn trong công tác bảo tồn và phát triển dược liệu theo định hướng của Chính phủ, đồng thời cổ vũ phong trào xóa đói giảm nghèo, làm giàu từ cây dược liệu" - Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.
Trong quá trình xét duyệt hồ sơ Hội đồng xét duyệt đều thực hiện nghiêm túc, công tâm, minh bạch để lựa chọn gần 40 đơn vị, cá nhân để vinh danh. Ban Tổ chức đã trao vinh danh Vì sự phát triển dược liệu Việt cho 11hộ gia đình. Đây cũng là một trong những hạng mục nhận được nhiều sự quan tâm của những đối tượng tham gia, gửi hồ sơ về Ban Tổ chức.
Chia sẻ tại chương trình, đại diện hộ gia đình ông Sùng Seo Sếnh tại Bắc Hà, Lào Cai vừa nhận được Vinh danh Vì sự phát triển dược liệu Việt ở hạng mục Hộ gia đình cho biết, hiện tại hộ gia đình đang nuôi trồng hơn 2 ha trồng cây dược liệu đương quy và cát cánh. Hiệu quả thu được sau 4 năm trồng dược liệu tăng hơn hẳn so với trồng cây lương thực. Bình quân mỗi năm gia đình thu về khoảng 500 triệu đồng từ nuôi trồng những cây dược liệu này.
Tiếp đó, Ban Tổ chức đã vinh danh 15 doanh nghiệp dược liệu tiêu biểu có thành tích nuôi trồng, bảo tồn, hình thành được chuỗi liên kết trong phát triển dược liệu tại các vùng miền trên cả nước, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Trong những năm qua, từ sự mạnh dạn dám nghĩ, dám làm trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy vùng trồng dược liệu cho nền y học cổ truyền; nhiều hợp tác xã tiêu biểu đã tham gia liên kết sản xuất sản phẩm cây dược liệu trên địa bàn. Từ đó, dần khẳng định vị thế của mình và góp phần mang đến thị trường nhiều sản phẩm chất lượng từ dược liệu quý, đem lại thu nhập ổn định và một cuộc sống ấm no hơn cho người dân đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ở hạng mục này, Ban Tổ chức cũng vinh danh 13 hợp tác xã tiêu biểu.