Triển lãm HanoiTex & HanoiFabric 2024 (diễn ra từ ngày 23 - 25) tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế I.C.E (91 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội) có quy mô hơn 6.000m², quy tụ hơn 210 gian hàng từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các doanh nghiệp sẽ trưng bày các thiết bị, máy móc hiện đại và nguyên phụ liệu dệt may tiên tiến nhất, đồng thời giới thiệu những giải pháp công nghệ mới nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất bền vững trong thời đại công nghiệp 4.0.
Phát biểu khai mạc Triển lãm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Đức Giang chia sẻ, ngành dệt may Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn trong tiến trình hội nhập và phát triển. Năm 2024, ngành dệt may có thể đạt 44 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tăng gần 10% so với năm 2023. Ngành đã xuất khẩu sản phẩm sang 104 thị trường, đa dạng hóa được đối tượng khách hàng và mặt hàng… Ngành dệt may Việt Nam cũng đồng thời chịu nhiều thách thức trong chiến lược phát triển toàn cầu, nổi bật là các tiêu chuẩn khó từ nhà mua hàng EU, Mỹ…; xu thế phát triển xanh, bền vững, số hóa trong ngành là tất yếu, doanh nghiệp cần tập trung đầu tư công nghệ để thích ứng.
Theo Ban Tổ chức, HanoiTex & HanoiFabric 2024 mang lại những thiết bị và công nghệ tiên tiến, nhất là các giải pháp về nguyên phụ liệu để các doanh nghiệp dệt may trong nước thích ứng với các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các giải pháp về công nghệ để đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật cao nhất từ thị trường, cũng như hưởng lợi từ các FTAs.
Nhiều thương hiệu nổi tiếng cung cấp các giải pháp về công nghệ cho ngành dệt may như: máy may túi quần tự động, máy lập trình trần bông tự động, máy cắt và các dòng máy may, lập trình chuyên máy thêu; máy in chuyển nhiệt cao; máy cắt, lập trình tự động; linh kiện phụ tùng ngành may, máy bắn nhãn mác, công nghệ tẩy bẩn, kỹ thuật không đường may, máy dệt kim vải tròn liền mạch; máy dán kín đường may; phần mềm cho ngành may; quản lý chuỗi cung ứng...