Thương mại Việt Nam - Trung Quốc tăng hơn 4 lần trong 10 năm
Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam - Trung Quốc thời gian qua không ngừng đi vào chiều sâu, thực chất và trở thành điểm sáng trong quan hệ hai nước.
VCCI cho biết, trong hơn 10 năm qua, thương mại giữa hai nước đã tăng hơn 4 lần, đưa Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc tại ASEAN. Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc đạt gần 172 tỷ USD trong năm 2023 và trong 4 tháng đầu năm nay đạt 59,6 tỷ USD.
Về đầu tư, Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư lớn thứ 6/146 đối tác đầu tư của Việt Nam. Trong năm 2023, hợp tác đầu tư có bước tiến đột phá. Trung Quốc đã vươn lên trở thành đối tác dẫn đầu về số lượng dự án đầu tư mới ở Việt Nam. Tính đến tháng 3 năm nay, Trung Quốc có trên 4.400 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 27,6 tỷ USD.
Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, tiềm năng hợp tác giao thương giữa hai nước là rất lớn. Trung Quốc là thị trường hơn 1,4 tỷ dân, nhu cầu hàng hóa đa dạng, hệ thống logistics và thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ hứa hẹn triển vọng hợp tác ngày càng cao về kinh tế thương mại giữa hai bên. Ngoài ra, Hiệp định Đối tác toàn diện kinh tế khu vực (RCEP) mà hai nước cùng tham gia cũng là một xung lực mới.
Ông Ô Quốc Quyền, Tham tán Công sứ Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, cho biết, Hiệp định RCEP sau hơn 2 năm có hiệu lực đã mang lại hiệu quả trong việc giảm thiểu chi phí thương mại khu vực, thắt chặt mối liên kết chuỗi cung ứng trong khu vực. Qua đó, mang lại lợi ích thiết thực cho các bên tham gia, bao gồm Trung Quốc và Việt Nam, đồng thời góp sức cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Ông bày tỏ hy vọng chính quyền địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp hai bên tiếp tục tận dụng tốt RCEP để không ngừng mở rộng hợp tác.
Thích ứng nhanh chóng và tận dụng cơ hội
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho biết, Việt Nam luôn khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng hợp tác, tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực Trung Quốc có thế mạnh, đồng thời ưu tiên các lĩnh vực như: đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, đô thị thông minh, công nghiệp chế tạo chất lượng cao, xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, y tế, giáo dục…
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức và biến động, Chủ tịch VCCI cho rằng, các doanh nghiệp hai nước không chỉ phải thích ứng nhanh chóng với những thay đổi mà còn phải tận dụng cơ hội để mở rộng thị trường, phát triển sản phẩm và dịch vụ mới cũng như tìm kiếm các giải pháp sáng tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương cho biết, Bộ đang xây dựng chiến lược “tiếp cận vùng” với thị trường Trung Quốc. Cụ thể là xác định mỗi địa phương của Trung Quốc như một thị trường riêng biệt với quy mô kinh tế, dân số lớn và có thói quen tiêu dùng khác nhau. Từ đó, định hướng cách tiếp cận, tìm kiếm cơ hội hợp tác cho các doanh nghiệp, hiệp hội và chính quyền địa phương Việt Nam. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã từng bước tăng cường quan hệ với các địa phương như Chiết Giang, Sơn Đông, Quảng Đông và mong muốn tiếp tục thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với các địa phương như An Huy, Thượng Hải.
Cho rằng hai nước đều có hiệp hội doanh nghiệp, các ngành nghề với những ưu thế riêng, ông Hứa Ninh Ninh, Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Trung Quốc -ASEAN, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác công nghiệp trong khuôn khổ Hiệp định RCEP, khẳng định: các hiệp hội ngành nghề của hai nước nắm rõ nhất về hoạt động và trạng thái các ngành, tình trạng chuỗi cung ứng và kinh doanh. Vì thế, sự kết nối giữa các hiệp hội ngành nghề có vai trò quan trọng. Ngoài ra, hiện nay, doanh nghiệp Trung Quốc đang thiếu thông tin về doanh nghiệp Việt Nam và thiếu kênh hợp tác. Thông qua VCCI, các doanh nghiệp Trung Quốc mong muốn có nhiều cuộc làm việc, kết nối với doanh nghiệp Việt Nam.
Hội nghị kết nối cơ hội kinh doanh Việt Nam - Trung Quốc được VCCI tổ chức nhân chuyến công tác của Ủy ban Hợp tác ngành nghề RCEP Trung Quốc (RICC) cùng đại diện chính quyền một số địa phương, đại diện Hiệp hội và doanh nghiệp Trung Quốc thăm và làm việc tại Việt Nam vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6. 2024.