Nguồn: ITN |
Lời đe doạ
Lời cảnh báo trên được đưa ra sau khi lực lượng nổi dậy Mặt trận al-Nusra, một nhánh của tổ chức khủng bố al - Qaeda ở Syria, đã bao vây một ngôi làng của người thiểu số Druze giáp biên giới với Israel. Làng Khadr bị tấn công kể từ đêm 16.6 sau khi các cuộc giao tranh giữa Mặt trận al-Nusra và quân đội Chính phủ Syria gia tăng ở khu vực miền Nam nước này.
Trước đó, Mặt trận al-Nusra đã sát hại 20 người ở một ngôi làng của người Druze ở Tây Bắc Syria. Mặc dù lực lượng Mặt trận al-Nusra khẳng định không có ý định sát hại người thiểu số Druze nhưng người Druze ở Israel vẫn tỏ ra lo ngại cho số phận của khoảng 700.000 người đồng đạo ở quốc gia láng giềng. Vì vậy, các lãnh đạo của cộng đồng người Druze ở Israel đã có các cuộc gặp với Tổng thống Israeli Reiven Rivlin và Tham mưu trưởng Gadi Eizenkot để bày tỏ các quan ngại đó. Cộng đồng người Druze ở Israel cũng đẩy mạnh chiến dịch vận động để cứu giúp những người đồng đạo đang mắc kẹt trong cuộc nội chiến ở quốc gia láng giềng. Thậm chí, nhiều người Druze ở Israel đã khẳng định sẵn sàng vượt biên sang Syria để giúp đỡ.
Trong bối cảnh đó, theo tờ Telegraph (Anh), Thủ tướng Netanyahu đã lên tiếng đe dọa can thiệp quân sự trực tiếp vào Syria. Ông Netanyahu đã ra chỉ thị “làm những gì cần thiết” để giúp người Druze ở quốc gia láng giềng này. Các phương tiện truyền thông Israel đưa tin Nhà nước Do Thái đang cân nhắc thiết lập vùng đệm ở Syria giáp biên giới Israel cho những người tỵ nạn.
Trong khi đó, quân đội Israel đã lên phương án để đối phó với những dòng người tỵ nạn từ quốc gia láng giềng. Phát biểu trước Quốc hội cách đây mấy hôm, Trung tướng Gadi Eizenkot cam kết: “Nếu một số lượng lớn người tỵ nạn chạy từ các khu vực giao tranh tới biên giới, chúng tôi sẽ làm bất cứ gì cần thiết để ngăn chặn các cuộc thảm sát”.
Những rủi ro chờ đón
Giới phân tích cho rằng, nếu can thiệp quân sự vào Syria, Tel Aviv có thể sẽ phải đối mặt với vô vàn rủi ro.
Trước hết, nếu chính quyền của Thủ tướng Netanyahu quyết định can thiệp quân sự vào Syria, họ có thể sẽ vấp phải sự phản đối dữ dội ở trong nước. Không ít người Israel vẫn cho rằng việc Tel Aviv can thiệp vào Syria chỉ để bảo vệ người Druze là việc làm vô nghĩa bởi vì, cộng đồng người thiểu số Druze ở Syria đang bảo vệ chính quyền của Tổng thống al-Assad và là đồng minh của Hezbollah, một tổ chức quân sự của người Hồi giáo dòng Shiite ở Lebanon bị Tel Aviv liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố.
Không những vậy, Israel có thể sẽ không nhận được sự hậu thuẫn của Mỹ và bị cô lập trên trường quốc tế. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki gần đây tuyên bố, Mỹ kêu gọi “tất cả các bên tránh thực hiện bất cứ hành động nào gây nguy hiểm cho lệnh ngừng bắn đã tồn tại lâu nay giữa Israel và Syria”.
Bên cạnh đó, nếu can thiệp vào Syria, Tel Aviv có thể sẽ phải đối mặt với các cuộc tấn công trả đũa của những bên đang tham chiến ở Syria bị thiệt hại từ hành động can thiệp. Do vậy, kể từ khi nội chiến bùng phát ở Syria cách đây 4 năm, Israel vẫn tìm cách tránh can thiệp trực tiếp vào cuộc chiến. Cho đến nay, Lực lượng Phòng vệ Israel (ISF) vẫn giới hạn hoạt động của mình ở việc cung cấp trợ giúp y tế cho những người tỵ nạn hoặc không kích các vị trí đặt pháo của quân đội Syria gần vùng lãnh thổ trên cao nguyên Golan mà Israel đang chiếm giữ để trả đũa các vụ phóng rocket từ khu vực này.
Israel đã chiếm một phần cao nguyên Golan từ tay Syria trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967. Trong 4 năm nội chiến ở Syria, khu vực trên đã nhiều lần phải hứng chịu đạn súng cối hay rocket từ vùng lãnh thổ của Syria.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất không phải là sự phản đối của cộng đồng quốc tế hay sự trả đũa của các bên tham chiến mà là nếu Israel can thiệp quân sự trực tiếp vào Syria, cuộc nội chiến ở Syria có nguy cơ lan rộng và biến thành một cuộc chiến tranh khu vực. Khi đó, không ai biết Trung Đông và thế giới sẽ biến đổi như thế nào.