Vị trí địa chính trị và vai trò của Syria
Syria có vị trí địa chính trị rất quan trọng, là trung tâm của khu vực Ảrập Hồi giáo và có chung biên giới với những nước khá đối chọi nhau như Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Jordan, Lebanon, Israel và Palestine. Như vậy, việc thay đổi chính quyền ở Syria có tác động mạnh đến những nước này, đặc biệt là với Iran. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger thậm chí còn cho rằng thay đổi chính quyền ở Syria có thể làm thay đổi bức tranh chính trị vùng Trung Đông, thậm chí là gây ra chiến tranh thế giới.
Vai trò của Syria như vậy là khá rõ ràng. Syria không phải là cường quốc trong khu vực, nhưng là một con bài quan trọng. Bên nào nắm được con bài Syria sẽ có lợi thế trong cuộc ganh đua quyền lực. Trong ba nước có ý đồ tranh giành quyền bá chủ khu vực, thì Iran đang nắm được con bài Syria, liên minh vững chắc với Syria, nên tạm thời đẩy được Thổ Nhĩ Kỳ và Ảrập Xêút sang bên cạnh.
![]() Nguồn: La tuff cartoons |
Với các thế lực bên ngoài, Syria là con đê, ngăn chặn Mỹ xâm nhập vào vùng Trung Đông. Syria đồng thời giúp chặn đường Israel thâm nhập vào Lebanon, và Syria cũng là tiền đồn ở biên giới Israel với Lebanon.
Về mặt tôn giáo và sắc tộc, chính quyền Syria của Tổng thống Assad do người Alawite nắm các vị trí chủ chốt, đặc biệt là trong quân đội và an ninh. Người Alawite chỉ chiếm 12% dân số nhưng đầy quyền lực và trung thành với chế độ, đối trọng với người Hồi giáo dòng Sunni chiếm 74% dân số và người Kurd Thiên Chúa giáo.
Đồng minh sát cánh
Trong khi Iran bị cô lập bên cạnh nhóm nước Ảrập, thường xuyên bị ganh đua với các nước muốn bá chủ trong khu vực, thì Syria cho Iran mượn đường ra phía Địa Trung Hải. Cũng từ phía đó, Syria tiếp tế và hỗ trợ cho người Hồi giáo dòng Shia vốn luôn ủng hộ Iran ở nam Lebanon, gần biên giới Israel.
Syria có lực lượng quân đội mạnh, lưới lửa phòng không dày đặc thường xuyên sẵn sàng tác chiến. Một đặc điểm cốt tử nữa: Syria có kho vũ khí hóa học vào loại lớn nhất thế giới.
Kể từ khi xảy ra cuộc nổi dậy tháng 3.2011 ở Syria, hai nước luôn sát cánh chống lại các thế lực đối lập do Mỹ và đồng minh kích động và ủng hộ. Iran đã gửi cố vấn quân sự, cố vấn chống bạo động sang Syria, huấn luyện các biện pháp chống bạo động, trong đó có cả phương pháp ngăn chặn thông tin qua internet và điện thoại. Tháng 8.2012, nhật báo Phố Wall cho biết Iran đã phái một loạt tướng lĩnh thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo IRGC cùng hàng trăm lính bộ binh tinh nhuệ đến Syria. Ngày 14.3.2013 tướng chỉ huy tình báo quân đội Israel Aviv Kohavi cho rằng trong vòng sáu tháng qua, Iran và Hezbollah gửi 50.000 quân sang Syria. Số liệu này khó tin, nhưng việc Iran trợ giúp Syria về quân sự là rõ ràng.
Trong quan hệ Iran - Syria, hợp tác kinh tế, thương mại là yếu tố quan trọng. Không lâu trước khi xung đột bùng phát ở Syria, hai nước đã ký một hiệp định xây dựng đường ống khí đốt trị giá 10 tỷ USD. Đường ống này chạy từ Iran, qua Iraq, sang Syria, từ đó chuyển qua Lebanon, Địa Trung Hải để tới một số nước châu Âu. Đường ống sẽ cung cấp khí đốt thường xuyên hàng ngày cho Syria và Iraq cùng các nước liên quan. Hai nước cũng đã ký hiệp định thành lập một ngân hàng liên doanh tại thủ đô Damascus của Syria, phần sở hữu của Iran là 60%.
Tuy vậy, sau khi xảy ra cuộc nổi dậy, Syria bị Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các nước Ảrập trừng phạt về kinh tế, trong khi Iran tiếp tục bị trừng phạt vì chương trình hạt nhân. Quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước dựa trên đồng USD Mỹ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do không thanh toán được qua Ngân hàng Trung ương Iran. Để khắc phục, ngày 13.12.2011, hai nước đã ký một hiệp định thương mại tự do, hiệp định mang tính biểu tượng, nhằm cố gắng giảm bớt tác động của việc bị trừng phạt kinh tế. Thương mại giữa các công ty nhà nước tiếp tục được tự do hóa, chi phí hải quan được giảm bớt, Syria giảm 60% lệ phí cho hàng Syria xuất khẩu sang Iran. Từ tháng 4.2013, Syria còn miễn thuế cho mặt hàng dầu thô nhập từ Iran vào, để khắc phục tình trạng sản xuất dầu bị đình trệ. Những biện pháp cùng các thỏa thuận này sẽ làm tăng kim ngạch thương mại hàng năm giữa Iran và Syria lên đến 5 tỷ USD. Tháng 2.2013, trong chuyến thăm Iran của thủ tướng Syria, Iran thỏa thuận cho Syria vay 1 tỷ USD, trong đó khoảng 500 triệu USD để xây dựng một nhà máy điện mới. Toàn bộ khoản vay này được Iran cung cấp chủ yếu dưới hình thức dịch vụ và hàng hóa.
Quyết tâm bảo vệ đồng minh
Mối quan hệ sống còn khiến Iran quyết tâm bảo vệ đồng minh Syria đến cùng. Iran luôn chống lại mọi sự can thiệp quân sự từ bên ngoài vào Syria. Nỗ lực giải quyết xung đột ở Syria, Iran đưa ra kế hoạch sáu điểm vào ngày 16.12.2012, kêu gọi đình chiến, đối thoại dân tộc giữa các phe phái, tiến tới bầu cử quốc hội và bầu tổng thống. Quan điểm của Iran là chính phủ của Tổng thống Assad do dân bầu lên, một chính phủ hợp hiến, và chỉ cuộc bầu cử tổng thống năm 2014 mới có quyền phán quyết, không chấp nhận sự can thiệp của nước ngoài. Ngày 2.3.2013, Ngoại trưởng Iran Salehi khẳng định với Ngoại trưởng Syria: “Quan điểm chính thức của Iran là ông Assad vẫn sẽ là Tổng thống hợp pháp cho đến khi diễn ra các cuộc bầu cử năm 2014”. Ông Velayati, cố vấn của Lãnh tụ Tối cao Iran thì tuyên bố: tấn công Syria sẽ bị coi là tấn công Iran.
Một điều chắc chắn là nếu Syria sụp đổ, chính quyền của ông Assad phải từ bỏ quyền lực, thì sẽ là một tổn thất lớn cho Iran và các đồng minh như Hezbollah ở Lebanon, Hamas ở Palestine. Không còn Syria, Iran sẽ ở thế bất lợi trong cuộc đối đầu với Mỹ, Israel và các đồng minh của họ. Như trên đã nói, nếu mất Syria, Iran sẽ mất đồng minh duy nhất đối trọng với Thổ Nhĩ Kỳ và Ảrập Xêút trong cuộc tranh giành ngôi bá chủ ở khu vực.
Vì lẽ đó, Iran phải dồn sức người sức của, ủng hộ Syria về mọi mặt, cả về tinh thần và vật chất, cả kinh tế và quân sự, không chỉ cung cấp vũ khí mà khi cần có thể gửi quân sang trực tiếp chiến đấu chống quân nổi dậy và các thế lực can thiệp từ bên ngoài. Nỗ lực ủng hộ lẫn nhau luôn được tăng cường, nhưng ai cũng rõ chung cuộc không chỉ phụ thuộc vào một bên nào, dù đó là chính phủ Syria và Iran cùng Nga, Trung Quốc ở một phía, hoặc Mỹ và đồng minh ở phía bên kia.