Vì sao Intel “xuống tiền” giữa chiến sự?
Cuối năm 2023, báo chí nước ngoài đưa tin Intel, tập đoàn bán dẫn hàng đầu của Mỹ, đã quyết định đầu tư 25 tỷ USD để xây dựng một nhà máy mới tại Israel.
Đây là khoản đầu tư lớn nhất từ trước đến nay của một công ty vào quốc gia Trung Đông này. Nhưng, điều đáng nói hơn, đó là Intel đã đưa ra quyết định đầu tư trong bối cảnh xung đột vũ trang Israel - Hamas vẫn đang leo thang.
Theo thông tin ban đầu, nhà máy đặt tại khu vực Kiryat Gat ở miền trung Israel, cách dải Gaza chừng 42km và chuyên sản xuất chip.
“Đây là một phần quan trọng trong nỗ lực của Intel nhằm thúc đẩy chuỗi cung ứng toàn cầu linh hoạt hơn”, Reuters dẫn tuyên bố của Intel.
Intel, từ lâu, đã trở thành trụ cột của ngành công nghệ của Israel. Nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới hiện diện ở Israel vào năm 1974 và cho đến nay đã đầu tư hơn 50 tỷ USD ở đất nước này. Và dự án mới là nhà máy thứ 3 mà Intel đầu tư ở Israel; cũng là khoản đầu tư mới nhất của nhà sản xuất chip Hoa Kỳ trong những năm gần đây.
Ở vị trí nhà đầu tư chiến lược, Intel luôn nhận được những lợi ích đáng kể từ Chính phủ Israel.
Thông tin trên tờ Nhật báo Chosun của Hàn Quốc cho biết, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp tiêu chuẩn của Israel là 23%, nhưng với Intel, mức thuế áp dụng chỉ là 5%.
Cùng với đó, số tiền trợ cấp lớn mà Intel nhận được mỗi khi thực hiện đầu tư cũng đóng một vai trò nhất định.
Theo Chosun, khi Intel quyết định đầu tư 25 tỷ USD cho dự án mới, khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất trong lịch sử tại Israel, thì Chính phủ Israel đã quyết định cung cấp khoản trợ cấp 3,2 tỷ USD, tương đương 12,8% số tiền này.
Như vậy, bên cạnh việc Israel lâu nay vẫn là một thị trường quan trọng, thì khoản trợ cấp “khủng” này có thể là một trong những nguyên nhân khiến Intel không ngại ngần rót vốn vào khu vực vẫn đang có chiến sự.
Thông tin cho biết, Intel trước đây đã nhận được khoảng 2 tỷ USD trong 50 năm qua từ các khoản tài trợ của Israel cho các cơ sở khác ở đó.
Cạnh tranh gay gắt nhưng luôn có lối ra
Quyết định đầu tư của Intel ở Israel một mặt cho thấy cạnh tranh gay gắt thu hút đầu tư nước ngoài đã trở thành hiện thực chứ không còn là dự báo; mặt khác cũng chứng tỏ luôn luôn có “lối ra” cho Chính phủ các nước trong việc giành được sự quan tâm và các khoản đầu tư lớn của doanh nghiệp công nghệ tầm cỡ toàn cầu.
Nói gì thì nói, các khoản tài trợ của Chính phủ luôn có một sức mạnh khổng lồ, tác động trực tiếp đến quyết của nhà đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh thực thi thuế tối thiểu toàn cầu sẽ làm các chính sách ưu đãi về thuế bị vô hiệu hóa.
Với Việt Nam, dư luận gần đây nói nhiều đến làn sóng đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt trong các lĩnh vực bán dẫn, AI. Tuy nhiên, theo ông Harry Clapsis, Giám đốc quan hệ Chính phủ Ampere, để thu hút được đầu tư, thì cần có các chính sách để khuyến khích phát triển từ phía Chính phủ.
Trên thực tế, cùng với việc thông qua Nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu, tại Nghị quyết Kỳ họp tháng 10.2023, Quốc hội đã giao Chính phủ trong năm 2024 phải thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư, với mục tiêu thu hút và giữ chân các nhà đầu tư chiến lược, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao.
Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ rà soát tổng thể để hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách, pháp luật về khuyến khích đầu tư, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Hiện tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo Nghị định thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu và các nguồn thu hợp lý khác.
Trả lời phỏng vấn Báo Đại biểu Nhân dân, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định: “Việc thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư để khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư là rất cần thiết và phù hợp với định hướng của Bộ Chính trị”.
Ông cũng cho biết, xây dựng chính sách hỗ trợ đầu tư khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu cần phải bảo đảm nhiều mục tiêu và yêu cầu. Trong đó, phải bảo đảm sức cạnh tranh và hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam.
Đồng thời, cần có tính chọn lọc, phù hợp với định hướng thu hút đầu tư và phát triển ngành, lĩnh vực, trong đó tập trung ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.