Cấu trúc an ninh mới định hình khu vực
Vị thế mới này là một câu chuyện hồi sinh đáng chú ý đối với một quốc gia từng trở về vạch số 0 trong cuộc khủng hoảng tài chính phức tạp ở châu Âu chỉ một thập kỷ trước đó. Vai trò mới nổi của Hy Lạp cũng nhấn mạnh một cấu trúc an ninh đang được định hình và phát triển ở Đông Địa Trung Hải một cách âm thầm trong thập kỷ qua.
Kể từ năm 2010, Athens đã phát triển các mối quan hệ thương mại và quốc phòng đa dạng và có các lợi ích đan xen với nhiều quốc gia như CH Síp, Israel, Ai Cập, cũng như với UAE và Ảrập Xêút. Nước này cũng thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ hơn bao giờ hết với Mỹ, quốc gia luôn ủng hộ liên minh Đông Địa Trung Hải mới này, trong bối cảnh mối quan hệ giữa Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ - đồng minh cũ của Washington ở khu vực, xuất hiện nhiều rạn nứt.
Những ngày qua, cảng Alexandroupolis phía Bắc Hy Lạp đã trở thành trung tâm cung cấp hàng hóa từ Bulgaria và Romania cho các thành viên NATO, trong khi đảo Crete đang hỗ trợ các hoạt động quân sự của Mỹ ở Trung Đông và Bắc Phi.
Hy Lạp đang tiến hành chương trình hiện đại hóa quốc phòng trị giá 13 tỷ USD và tăng cường hợp tác quân sự với từng đối tác trong khu vực thông qua các cuộc tập trận chung và trao đổi song phương.
Liên minh năng lượng mới
Liên minh mới này được củng cố bởi các mối quan hệ thương mại và đầu tư ngày càng phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng. Rất lâu trước những cuộc xung đột gần đây, Hy Lạp, Síp, Israel và Ai Cập đã tìm thấy mối quan tâm chung trong việc phát triển các nguồn năng lượng ở Đông Địa Trung Hải.
Việc phát hiện trữ lượng khí đốt tự nhiên dồi dào - lần đầu tiên là ở Israel vào năm 2009, sau đó là ở Síp và Ai Cập - đã mở ra một kỷ nguyên hợp tác mới giữa bốn nước. Điều này dẫn đến ý tưởng xây dựng đường ống Đông Địa Trung Hải (East Med) để đưa khí đốt qua Hy Lạp đến châu Âu, và sau đó là sự ra đời của Diễn đàn Khí đốt East Med.
Mỹ chủ yếu ủng hộ liên minh năng lượng bốn bên này. Mặc dù sau đó Washington đã rút lại sự ủng hộ đối với đường ống Đông Địa Trung Hải do ý tưởng này phải đối mặt với những rào cản về kỹ thuật và tài chính - nhưng Mỹ vẫn hỗ trợ hai dự án sau đó của khu vực, cụ thể là hai tuyến đường dây tải điện cao áp để kết nối lưới điện của Hy Lạp với Síp, Israel và Ai Cập.
Trong cả hai trường hợp, Hy Lạp đều đóng vai trò như điểm trung chuyển để đưa khí đốt tự nhiên hoặc điện từ Đông Địa Trung Hải đến châu Âu.
Những dự án đó sẽ bổ sung cho vai trò ngày càng tăng của Hy Lạp như một trung tâm năng lượng cho Đông Nam Âu. Hai đường ống dẫn khí đốt tự nhiên mới và hai cơ sở khí hóa lỏng mới đang mang lại cho các nước láng giềng phía bắc những nguồn cung dồi dào mới. Hy Lạp cũng đã bắt đầu xuất khẩu năng lượng dư thừa từ nguồn năng lượng tái tạo đang phát triển nhanh chóng của mình sang các nước lân cận bao gồm Bulgaria, Albania và Bắc Macedonia.
Điểm đến an toàn
Nhận thấy triển vọng, UAE đã ký một số thỏa thuận song phương với Hy Lạp vào năm 2022 để phát triển cả các dự án khí hóa lỏng và năng lượng tái tạo, đồng thời hai nước đã công bố một dự án thí điểm nhỏ tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP28 diễn ra vào đầu tháng 12 vừa qua ở Dubai.
Tương tự như vậy, mối quan hệ thương mại ngày càng tăng giữa Hy Lạp và Ảrập Xêút cũng được thúc đẩy trong nhiều lĩnh vực, bao gồm năng lượng, nhưng cũng mở rộng sang vật tư xây dựng, kỹ thuật và dịch vụ môi trường cũng như thực phẩm và nông nghiệp.
Năm ngoái, Hy Lạp đã ký một thỏa thuận với Ảrập Xêút để phát triển tuyến cáp dữ liệu tốc độ cao trị giá 800 triệu euro (877 triệu USD) có tên “Hành lang dữ liệu phía Đông”, giúp đưa Hy Lạp trở thành cửa ngõ kỹ thuật số từ Trung Đông đến châu Âu.
Hy Lạp cũng trở thành điểm đến của ngày càng nhiều doanh nghiệp Israel. Các khoản đầu tư gần đây tập trung vào lĩnh vực khách sạn, công nghệ, khoa học đời sống và quốc phòng. Đồng thời, ngày càng có nhiều công dân và tập đoàn Israel quan tâm tới việc mua bất động sản ở Hy Lạp với mục đích xây dựng nơi cư trú hoặc ngôi nhà thứ hai của họ Hy Lạp. Xu hướng này càng trở nên phổ biến trong năm qua ở tầng lớp những người trung lưu và thượng lưu của Israel, trước những bước ngoặt chính trị trong nước, họ đã tìm đến Hy Lạp như một điểm đến an toàn.
Kể từ khi nổ ra cuộc chiến Israel - Gaza, con số này đã tăng lên nhanh chóng. Trước Israel, những năm gần đây cũng chứng kiến nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ và người Lebanon giàu có, tìm cách mua bất động sản ở Hy Lạp và coi đây như là nơi trú ẩn an toàn những bất ổn ở quê nhà.
Đối với Hy Lạp, vai trò đặc biệt nổi bật này ở Đông Địa Trung Hải thể hiện sự vươn lên mạnh mẽ của nước này so với chỉ một thập kỷ trước khi Athens còn đang chìm trong cơn khủng hoảng tài chính. Trong nước, nền kinh tế trị giá 240 tỷ USD của Hy Lạp đã trở lại mức trước khủng hoảng và hiện là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Khu vực đồng Euro.
Về mặt chính trị, dư luận trong nước đã có sự ủng hộ rộng rãi đối với các chính sách cải cách của Chính phủ Dân chủ mới đương nhiệm, được đặc cử thêm một nhiệm kỳ thứ hai vào tháng 6 vừa qua.
Vị thế ngày càng tăng của Hy Lạp đại diện cho một câu chuyện mới mẻ trên trường quốc tế. Chính phủ Hy Lạp hiện đang tìm kiếm một ghế không thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Nếu thành công, điều này sẽ càng giúp củng cố vị thế mới của Hy Lạp trong khu vực.