Theo lời kể của người bệnh, nhiều năm trước, bà có làm phục hình răng giả cố định tại gần nhà. Thời gian gần đây, răng giả lung lay nhưng chưa rơi ra hẳn, bệnh nhân cũng chưa có thời gian đến phòng khám kiểm tra lại.
Tới sáng 22.5, bệnh nhân thấy cháu mình trượt ngã nên vội đưa tay ra đỡ. Trong quá trình đỡ cháu có vô tình nghiến răng, khiến răng rơi ra và nuốt vào thực quản.
Bệnh nhân đến cấp cứu tại Bệnh viện TWQĐ 108 sau đó 2 tiếng, được chụp Xquang ổ bụng và xác định vị trí răng giả tại dạ dày. Kíp kỹ thuật khoa Nội soi tiêu hóa đã tiến hành nội soi cấp cứu, hút sạch sữa trong dạ dày, phát hiện ra dị vật là cầu sứ 4 đơn vị liên kết kích thước 4x1cm.
Dị vật được lấy ra an toàn, bệnh nhân được xuất viện ngay sau đó.
Theo Bệnh viện TWQĐ 108, dị vật đường tiêu hóa là một trong những cấp cứu phổ biến, thường là hóc đồ ăn, xương cá hoặc mắc các dị vật là dụng cụ sinh hoạt (như tăm tre, răng giả, nút chai, vỏ thuốc), cho tới các ca dị vật là bã thức ăn (như măng, hạt hoa quả, thạch, hỗn hợp vón cục của nghệ, mật ong, tam thất,...).
Nguy cơ mắc dị vật có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào, không phân biệt tuổi tác và giới.
Đối với một số dị vật được xem là nguy hiểm (như dị vật sắc nhọn, dị vật gây độc), người bệnh phải đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Nhóm dị vật này được khuyến cáo phải đến nội soi sớm trong vòng 2 giờ đầu và muộn nhất là 6 giờ. Quá trình nội soi đòi hỏi những dụng cụ chuyên biệt.
Hàng năm, Khoa Nội soi tiêu hóa, Bệnh viện TWQĐ 108 tiếp nhận và cấp cứu thành công hàng chục ca dị vật đường tiêu hóa, bao gồm cả dị vật đường tiêu hóa trên và dưới.
Với trường hợp nữ bệnh nhân 60 tuổi, các bác sĩ đánh giá đây là trường hợp khá hy hữu khi dị vật là cầu răng giả cố định. Kích thước của răng giả khá lớn, cần nội soi gắp cấp cứu trước khi răng giả đi sâu vào trong đường tiêu hóa gây ra tình trạng tắc ruột.
Qua trường hợp trên, Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Liên, Khoa Nội soi tiêu hóa, Bệnh viện TWQĐ 108 khuyến cáo, để tránh những tai nạn gây tình trạng răng rơi vào đường thở hoặc đường tiêu hóa, bệnh nhân sử dụng răng giả (kể cả cố định và tháo lắp) cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Hạn chế ăn nhai các loại thực phẩm dẻo, độ bám dính cao.
- Đối với răng giả tháo lắp, khi vệ sinh răng miệng hoặc trước khi ngủ cần tháo ra khỏi miệng, chú ý mỗi khi lắp lại cần làm theo đúng hướng dẫn.
- Khám định kỳ răng miệng để bác sĩ kịp thời phát hiện răng, chụp răng, cầu răng lung lay hoặc hàm giả tháo lắp không còn khít với nền hàm, qua đó xử trí sớm trước khi để lại hậu quả.
- Nếu lỡ nuốt phải răng giả, cần đến bệnh viện nội soi lấy dị vật càng sớm càng tốt khi chưa quá 6 tiếng. Quá thời gian này, nhiều khả năng răng giả đã đi xuống ruột, lúc đó cần chụp chiếu để xác định vị trí của dị vật và phẫu thuật xử lý, tránh để tắc ruột.