Kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đạt 192 tỷ USD
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, 7 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo ước đạt gần 192 tỷ USD, chiếm 84,6% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023. Nhiều nhóm sản phẩm đạt tốc độ tăng trưởng cao, như: máy ảnh, máy quay phim, linh kiện, tăng 51,5%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 30%...
Để đạt được những kết quả nêu trên, thời gian qua, thực hiện “Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ” quy định chi tiết tại Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18.1.2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đã triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh. Từ đó, giúp doanh nghiệp có cơ hội tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu, thông qua các hoạt động hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; kết nối với các tập đoàn lắp ráp đa quốc gia và các nhà cung ứng lớn trên thế giới nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Bên cạnh đó, Cục Công nghiệp cũng đã tổ chức nhiều hội chợ công nghiệp giúp doanh nghiệp cải thiện năng lực thương mại, đẩy mạnh liên kết trong nội địa của doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi sản xuất toàn cầu; gia tăng giá trị xuất khẩu và xúc tiến phát triển thị trường tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ. Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ được tham gia vào các hoạt động đều có phản hồi tích cực về tính hiệu quả và thiết thực mà các hoạt động mang lại cho họ. Đồng thời, các doanh nghiệp mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ để thúc đẩy hơn nữa năng lực kết nối với đối tác, khách hàng lớn, giúp các doanh nghiệp có thể tiếp cận được với các thị trường tiềm năng.
Hỗ trợ đầu ra thông qua kích cầu tiêu dùng
Không thể phủ nhận những kết quả đạt được của lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chế biến chế tạo, song ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp nhìn nhận, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Do quy mô chủ yếu của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam là nhỏ và siêu nhỏ nên đa số có trình độ công nghệ, quản lý thấp, nguồn nhân lực hạn chế… dẫn tới khó có thể đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao của đối tác về tiêu chuẩn, chất lượng, giá thành, thời gian giao hàng.
Mặt khác, sự thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp cũng đang kìm hãm sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ. Vì vậy, các doanh nghiệp trong nước chưa tham gia được sâu vào hệ sinh thái và chuỗi giá trị của các doanh nghiệp đầu chuỗi và doanh nghiệp nước ngoài. Hơn nữa, phần lớn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ là doanh nghiệp nhỏ và vừa (88%), lại thiếu thông tin thị trường và cơ hội tiếp cận khách hàng.
Nhận diện được những thách thức trên, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Phạm Tuấn Anh cho rằng cần phải có các biện pháp tích cực hơn nữa hỗ trợ sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo, đặc biệt là đầu ra cho sản xuất thông qua các biện pháp kích cầu tiêu dùng trong nước, tăng cường xúc tiến thương mại để mở rộng đơn hàng xuất khẩu, khơi thông lượng hàng hóa tồn kho.
Cụ thể, các địa phương cần khẩn trương có các chính sách, giải pháp hỗ trợ về tài chính với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chế biến, chế tạo. Xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình phát triển công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn, tập trung nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, các đơn vị sản xuất, kinh doanh cần bám sát thị trường mở rộng hoạt động tìm kiếm khách hàng mới; tăng cường kết nối chuỗi sản xuất - tiêu thụ; cân đối lượng tồn kho và tiêu thụ để bảo đảm dòng tiền cũng như chất lượng sản phẩm, bố trí sản xuất linh hoạt để duy trì hoạt động sản xuất tối ưu.
Mặt khác, Cục Công nghiệp sẽ tập trung các giải pháp trọng tâm triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; đặc biệt trong các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày và các ngành nền tảng như ôtô, cơ khí, thép… Thúc đẩy đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới nhằm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tăng năng lực phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu.