Công ty cổ phần Kinh doanh F88 (F88) do ông Phùng Anh Tuấn làm Chủ tịch Hội đồng quản trị là doanh nghiệp nổi tiếng chuyên cung cấp các dịch vụ cho vay cầm cố tài sản và các tiện ích tài chính.
Trong suốt giai đoạn phát triển, F88 nhận được khá nhiều sự hậu thuẫn đầu tư từ các tổ chức tài chính nước ngoài. Việc các tổ chức tài chính “bơm tiền” cho F88 đã giúp công ty này phát triển mạnh như vũ bão trong những năm vừa qua. Ban đầu khi mới ra đời, F88 chỉ có 15 chi nhánh nhưng đến thời điểm hiện tại, F88 đã cán mốc hơn 800 chi nhánh trên toàn quốc.
Có nguồn vốn từ các tổ chức tài chính và qua kênh trái phiếu, F88 chuyển sang mở rộng lĩnh vực đầu tư cung cấp các khoản vay nhỏ cho khách hàng dưới chuẩn ngân hàng. F88 cũng đã hợp tác với Ngân hàng CIMB Việt Nam và Ngân hàng Kasikornbank để tạo dựng sự phát triển mô hình tài chính tiện ích này.
Hoạt động cho vay bằng cầm cố tài sản là mảng kinh doanh “cốt lõi” của F88. Theo báo cáo gần đây nhất, tính đến ngày cuối năm 2022, F88 đang có hơn 3.100 tỷ đồng phải thu về cho vay.
Theo giải trình của doanh nghiệp, đây là dư nợ gốc các khoản cho vay cầm cố ô tô và xe máy có thời hạn vay từ 1 đến 18 tháng với lãi suất cho vay là 1,1%/tháng cùng với các mức phí dịch vụ khác từ 3,4% đến 7%/tháng. Tài sản cầm cố được sử dụng bởi khách hàng dưới sự đồng ý của Nhóm Công ty và sẽ bị thu hồi bất kỳ lúc nào trong thời gian cầm cố theo yêu cầu của Nhóm Công ty.
Theo thuyết minh của F88 về các chỉ tiêu ngoài bảng cân đối kế toán, tại ngày 31.12.202, các tài sản cầm cố đang được Nhóm Công ty quản lý để đảm bảo cho các khoản cho vay cầm cố của Nhóm Công ty gồm: 61 xe máy, 34 ô tô, 1 đồng hồ cao cấp. 1.395 máy tính…
Đáng chú ý, các tài sản cầm cố theo hợp đồng vay đã được Nhóm Công ty cho khách hàng sử dụng để đảm bảo cho các khoản vay cầm cố gồm: 9.338 ô tô, 146.030 xe máy. Theo các chuyên gia, việc để khách hàng sử dụng tài sản cầm cố vì trong thực tế F88 sẽ không thể đủ sức để trông giữ toàn bộ các phương tiện cầm cố như ô tô, xe máy và sẽ tiêu tốn chi phí lớn nếu lập kho, bãi để trông giữ các phương tiện này.
Về tình hình kinh doanh, dữ liệu tài chính hợp nhất thể hiện, cả năm 2022, doanh thu thuần của Công ty Cổ phần kinh doanh F88 đạt 2.089 tỷ đồng, tăng thêm 1.000 tỷ so với một năm trước đó. Giá vốn bỏ ra tiêu tốn 1.088 tỷ đồng, F88 có mức lợi nhuận gộp đạt 1.001 tỷ đồng, tăng mạnh so với năm 2021.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính giảm 15% về mức 8,5 tỷ đồng. Đáng chú ý, chi phí tài chính tăng mạnh 84% lên mức 344 tỷ đồng do chi phí lãi vay lên tới 279 đồng. Cả chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp của F88 đều tăng vọt so với một năm trước.
Bù lại, F88 có khoản thu nhập khác hơn 200 tỷ đồng đến từ việc các khoản phạt khách hàng vi phạm điều khoản thanh toán trong hợp đồng và thanh lý tài sản đảm bảo của các hợp đồng nhóm Công ty cho vay mà khách hàng không trả được nợ. F88 cũng báo cáo về việc có khoản lợi nhuận khác hơn 200 tỷ nhưng không được thuyết minh chi tiết. Sau cùng, F88 báo lãi trước thuế 260 tỷ đồng, tăng hơn 300% so với một năm trước đó.