Xóa “khoảng trống” trong quản lý vũ khí, vật liệu nổ

- Thứ Sáu, 01/11/2019, 08:05 - Chia sẻ
Thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, các ĐBQH Đoàn TP Hà Nội đều cho rằng những dự án luật được đem ra thảo luận lần này là những nội dung hết sức cấp thiết, giúp cho bộ khung pháp lý ngày càng hoàn thiện, chặt chẽ và phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

Tăng cường quản lý vũ khí, vật liệu nổ

Góp ý về những nội dung liên quan đến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, ĐBQH Đào Thanh Hải cho biết: Vào thời điểm năm 2012, 2013, thống kê cho thấy trên địa bàn Thủ đô mỗi tuần xảy ra một vụ nổ súng, tình hình an ninh trật tự rất phức tạp. Tuy nhiên, ngay sau khi có Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, trong đó quy định rất rõ việc “các vũ khí có tính năng, tác dụng như vũ khí quân dụng thì coi như vũ khí quân dụng”. “Công an TP Hà Nội coi quy định trên là căn cứ để tiến hành truy tố hàng loạt đối tượng tàng trữ, vận chuyển, sử dụng vũ khí tự chế. Từ đó kiểm soát được tình hình tội phạm sử dụng vũ khí tự chế, làm giảm mạnh số vụ việc có liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ” - ĐB Đào Thanh Hải nhấn mạnh.


Đại biểu Quốc hội Đào Thanh Hải Ảnh: Quang Khánh

Đồng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Chiến khẳng định việc ban hành dự án luật lần này là hết sức cấp thiết bởi trong thực tiễn, hành vi phạm tội của tội phạm ngày càng tinh vi, luôn nghiên cứu những kẽ hở của luật để “lách”. “Chúng ta phải sửa đổi luật này để làm sao điều tiết được những khoảng trống, xử lý phù hợp với quy định của pháp luật hình sự. Từ đó phòng ngừa được tội phạm mua bán, tàng trữ, sử dụng các loại vũ khí tương tự vũ khí quân dụng” - ĐBQH Nguyễn Chiến phân tích.

Còn ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh đánh giá thời gian qua, lực lượng công an đã quản lý rất tốt vũ khí, vật liệu nổ, mang lại sự yên tâm cho nhân dân. ĐB cho rằng dự luật lần này mang tính chất mở rộng để lực lượng chức năng làm tốt nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. “Cùng với việc mở rộng đối tượng, đề nghị bổ sung hình thức xử phạt nghiêm minh hơn, không để lợi dụng sử dụng súng để làm điều sai trái, gây nguy hiểm tới tính mạng con người” - ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh kiến nghị.

Tạo điều kiện cho nhà đầu tư trong xuất, nhập cảnh

Phát biểu tại buổi thảo luận tổ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, ĐBQH Đào Thanh Hải đánh giá việc luật hóa cấp thị thực điện tử và áp dụng giao dịch điện tử trong việc mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam là hết sức cần thiết trong thời đại công nghệ thông tin như hiện nay. Theo ĐB, cần bỏ quy định “miễn thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam 30 ngày” để tạo thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, ĐBQH Đào Thanh Hải cũng đồng tình với quan điểm cần bổ sung một điều kiện để quyết định việc đơn phương miễn thị thực. Theo đó, quốc gia có chính sách tạo điều kiện thuận lợi trong cấp thị thực hoặc đơn phương miễn thị thực cho người Việt Nam thì chúng ta mới thực hiện theo.

Về sửa đổi ký hiệu, thời hạn của thị thực, thẻ tạm trú cấp cho nhà đầu tư nước ngoài theo hướng nâng thời gian tối đa của thẻ tạm trú lên 10 năm, ĐBQH Đào Thanh Hải cho rằng việc này là hết sức cần thiết nhằm khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược hoặc đầu tư vào lĩnh vực địa bàn ưu tiên mà cần lưu trú trong thời gian dài. Đồng thời, trong các quy định của Luật cần phân loại các nhà đầu tư để phân biệt các nhà đầu tư chiến lược, có tính chất quan trọng với nền kinh tế Việt Nam để các cơ quan thực thi dễ dàng hơn trong việc phân loại, cấp thị thực.

L. HUỲNH