Xây dựng hành lang pháp lý trong phòng, chống thiên tai

- Thứ Sáu, 22/11/2019, 08:05 - Chia sẻ
Tại buổi thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, các ĐBQH Đoàn TP Hà Nội cho rằng, dự Luật này sẽ góp phần tạo hành lang pháp lý thuận lợi để phát huy vai trò chủ đạo của Nhà nước trong phòng, chống thiên tai, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế trước tác động của thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ủng hộ thành lập Quỹ phòng, chống thiên tai ở Trung ương

Tại buổi thảo luận, một số đại biểu cũng nhận định tình hình thiên tai ở Việt Nam diễn biến ngày càng bất thường và cực đoan, thậm chí, ở một số tỉnh ven biển miền Trung như Quảng Bình, Hà Tĩnh, thiệt hại do thiên tai gây ra có năm lớn gấp đôi GDP của tỉnh. Đáng chú ý, theo đánh giá của một số tổ chức quốc tế có uy tín, nước ta cũng đang là một trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng lớn do thiên tai và biến đổi khí hậu. Vì vậy, việc sửa đổi Luật ngoài việc xây dựng hành lang pháp lý còn tạo ra cơ chế để tận dụng tối đa nguồn lực hỗ trợ của các Chính phủ, cộng đồng quốc tế cho công tác phòng, chống thiên tai ở nước ta và thực hiện tốt cam kết, thỏa thuận quốc tế.

ĐBQH Đào Thanh Hải phát biểu tại buổi thảo luận tổ Ảnh: Quang Khánh

Phát biểu tại buổi thảo luận tổ, ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai ủng hộ việc thành lập Quỹ phòng, chống thiên tai ở Trung ương vì đây vừa là nơi thu hút nguồn hỗ trợ từ quốc tế, vừa là nơi điều tiết giữa các tỉnh. Tuy nhiên, ý kiến của một số đại biểu đề nghị cần làm rõ nguồn thu của quỹ, cơ chế sử dụng để không trùng lặp, chồng chéo với nguồn tài trợ, hỗ trợ theo Luật Ngân sách nhà nước; đồng thời chú trọng đến tính công khai, minh bạch của quỹ. Ngoài ra, Quỹ phòng, chống thiên tai ở Trung ương phải có nguồn lực chính từ ngân sách nhà nước vì Chính phủ phải chịu trách nhiệm trước dân để bảo đảm an toàn cho dân. Đặc biệt, quỹ này phải được hòa chung cùng nguồn vốn hỗ trợ, huy động từ xã hội, tuy nhiên, không phải cứ có bao nhiêu tiền trong quỹ là hỗ trợ hết mà cần có sự cân đối, lên kế hoạch phân chia sao cho hợp lý.

Riêng ĐBQH Nguyễn Văn Được đề nghị trong luật cần quy định cụ thể về khâu diễn tập phòng chống thiên tai bởi việc quy định cấp nào cũng phải diễn tập như hiện nay sẽ gây lãng phí và mang tính hình thức, nhất là tại cấp xã. “Quy định diễn tập chỉ nên duy trì với những nơi thường xuyên xảy ra thiên tai, lũ lụt, còn những nơi không có bão lũ cũng diễn tập sẽ khiến làm hình thức” - ĐBQH Nguyễn Văn Được đề xuất.

Bên cạnh đó, ĐB cũng đề nghị cần quy trách nhiệm rõ ràng trong quản lý trang thiết bị phòng chống thiên tai bởi hiện nay không quy trách nhiệm cấp nào quản lý nên nhiều thiết bị mới được mua sắm nhưng do không được bảo dưỡng định kỳ, đến lúc xảy ra các sự cố thì trang thiết bị bị rỉ sét không hoạt động được, điển hình như các thiết bị PCCC tại nhiều nơi, khi xảy ra sự cố thì không thể sử dụng được.

Sớm khắc phục những bất cập trong quản lý đê điều

Thảo luận về dự án Luật Đê điều, ĐBQH Đào Thanh Hải cho rằng nếu chúng ta quy định dự thảo luật hiện nay phải căn cứ vào luật cũ thì rất khó để thay đổi, cải thiện những bất cập, tồn tại của Luật Đê điều trong tình hình thực tế hiện nay. “Cách đây hơn 10 năm, Hà Nội đã xây dựng đề án phối hợp với Hàn Quốc cải tạo hai bên bờ sông Hồng đẹp như những dòng sông nổi tiếng trên thế giới, có hai tuyến đường chạy dọc sông kết nối với khu vực nội thành, biến Thủ đô trở thành Trung tâm tài chính lớn. Thế nhưng, cuối cùng Bộ NN, PT - NT lại đưa ra quan điểm là đề án này vi phạm hành lang thoát lũ và không khả thi, do đó toàn bộ dự án đắp chiếu cho tới nay” - ĐBQH Đào Thanh Hải dẫn chứng.

Ngoài ra, do những bất cập của Luật Đê điều khiến cho việc cải tạo hai bên bờ sông hiện gặp rất nhiều khó khăn; tình trạng xây dựng, cơi nới, lấn chiếm của người dân tại khu vực này vẫn tiếp tục diễn ra; số lượng dân số tại đây gia tăng rất nhanh, không kiểm soát được... “Đặc biệt, hiện nay tình trạng lấn chiếm lòng sông tại Hà Nội diễn ra càng ngày nhanh và mạnh, lan từ huyện Thanh Trì sang tới khu vực huyện Đan Phượng với dọc hai bên bờ sông đã bị người dân xây dựng  kín mít. Đây là những vấn đề Luật Đê điều phải tháo gỡ, làm sao có chính sách cải tạo bờ sông thì thành phố mới có thể thay đổi bộ mặt” - ĐBQH Đào Thanh Hải kiến nghị.

NGUYÊN KHÔI