Quyết liệt xử lý tội phạm mới

- Thứ Sáu, 08/11/2019, 08:20 - Chia sẻ
Thảo luận về công tác phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2019, các ĐBQH Đoàn TP Hà Nội ghi nhận và đánh giá cao việc Chính phủ đã chỉ đạo cấp bộ, ngành, trong đó lực lượng công an nhân dân làm nòng cốt, triển khai nhiều phương án, kế hoạch phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, các đại biểu mong muốn ngành công an cần quyết liệt hơn nữa trong việc xử lý các loại tội phạm mới như tội phạm về môi trường, an ninh mạng...

Liệu có bỏ lọt tội phạm gây ô nhiễm môi trường?

Theo ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh, trong các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội đều chỉ rõ tình hình vi phạm pháp luật, phạm tội về môi trường vẫn diễn ra phổ biến trên các lĩnh vực, điển hình như tình trạng xả thải vượt quy chuẩn tại các khu, cụm công nghiệp; việc chôn lấp rác thải theo công nghệ cũ, lạc hậu gây ô nhiễm đất, nước và không khí khiến nhiều người dân ở một số nơi phải tự phát chặn xe rác gây sức ép với chính quyền địa phương, tạo nên điểm nóng không đáng có… Theo ĐB, việc xử lý các vi phạm pháp luật về môi trường hiện chưa đủ sức răn đe, trong đó, số vụ xử lý hình sự chưa nhiều so với số vi phạm phát hiện được, chỉ bằng 1,58%. “Theo nhận định của Chính phủ, nguyên nhân chủ yếu là do tội danh về lĩnh vực môi trường khó xác định thiệt hại nên rất khó khăn trong xử lý. Tôi cho rằng nhận định trên đây là không thuyết phục, chưa làm rõ trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành trong công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý hành chính đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về môi trường. Có hay không lực lượng Cảnh sát môi trường các cấp chỉ thiên về xử lý hành chính mà bỏ lọt tội phạm gây ô nhiễm môi trường?” - ĐB Trần Thị Quốc Khánh đặt câu hỏi.


ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh phát biểu tại hội trường Ảnh: Quang Khánh

ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh đề nghị Chính phủ sớm có các giải pháp khắc phục tình trạng này, yêu cầu Bộ Công an tiến hành kiểm tra, thanh tra, xử lý hành chính, hình sự đúng quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm về môi trường. Trước mắt, cần tập trung đối với các nguồn xả thải chưa qua xử lý vào sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Đáy gây bức xúc trong nhân dân và ĐBQH trong nhiều năm qua. 

Bên cạnh đó, ĐB Trần Thị Quốc Khánh còn thể hiện sự quan tâm tới tình trạng sử dụng vũ lực, có hành vi xâm hại phụ nữ và đặc biệt là trẻ em. Theo dẫn chứng của ĐB, chỉ tính trong 2 năm 2017- 2018 cả nước có gần 3.000 vụ với 3.400 đối tượng và 3.200 trẻ em bị xâm hại, trong đó xâm hại tình dục chiếm 81,3%. “Có thể nói, chưa bao giờ môi trường gia đình, nhà trường và xã hội lại bất an, nguy cơ cao đối với trẻ em như hiện nay. Thực trạng này phản ánh sâu sắc vấn đề đạo đức xã hội, nhân phẩm, tính mạng trẻ em bị không ít người coi nhẹ. Đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan trung ương,  nhất là mỗi gia đình cần quan tâm, là tấm gương tốt cho con cháu… bởi đó là những nguồn dinh dưỡng và nâng cao hệ miễn dịch cho trẻ em trước những hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm thế hệ trẻ trong môi trường xã hội còn nhiều bất an” - ĐB Trần Thị Quốc Khánh chia sẻ.

Tội phạm an ninh mạng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho xã hội

Đánh giá về tội phạm an ninh mạng, ĐBQH Nguyễn Văn Chiến cho rằng tội phạm trong lĩnh vực này đã để lại hậu quả nghiêm trọng cho cá nhân, xã hội, mất lòng tin của người dân vào Đảng, vào chế độ, hình ảnh của quốc gia, dân tộc, gây hậu quả rất lớn và khó khắc phục nhưng chúng ta chưa có biện pháp điều tra, xử lý một cách căn cơ, hữu hiệu. Ngoài ra, ngay trong báo cáo của Chính phủ chưa đề cập đến thực trạng hiện nay cũng như giải pháp giải quyết tình hình ngày càng diễn biến phức tạp của tội phạm an ninh mạng. “Đề nghị các cơ quan tư pháp, Chính phủ cần có chỉ đạo làm rõ và xử lý nghiêm để pháp luật bắt nhịp cuộc sống, những loại tội phạm bằng những thủ đoạn mới cần nắm bắt và điều tra, xử lý kịp thời thì xã hội mới thực sự bình yên, đất nước phát triển, người dân thực sự hưởng ấm no, hạnh phúc” - ĐBQH Nguyễn Văn Chiến đề xuất. 

Còn ĐBQH Ngọ Duy Hiểu lại quan tâm tới thực trạng công nhân đang phải đối mặt với sự tấn công của tội phạm. Đó là tình trạng trộm cắp, lừa đảo, ma túy, cờ bạc, bị hành hung, cướp giật khi trên đường đi làm về… và đặc biệt là nạn tín dụng đen đang bủa vây công nhân. “Thời gian qua, ngành công an đã có nhiều nỗ lực truy quét tội phạm tín dụng đen, nhưng ở nhiều nơi tín dụng đen vẫn hoành hành đang đe dọa sự an toàn của công nhân lao động. Có nơi cán bộ công đoàn còn bị mua chuộc để im lặng cho tín dụng đen phát triển, khi cán bộ công đoàn kiên quyết và lên tiếng thì tín dụng đen đe dọa, hành hung” - ĐB Ngọ Duy Hiểu dẫn chứng. 

Để có thể khắc phục tình trạng này, ĐB đề nghị Đảng, Nhà nước và các ban, bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, chăm lo và nâng cao đời sống của công nhân bằng những chính sách và quy định pháp luật cụ thể, quyết liệt hơn nữa với các loại tội phạm, nhất là tình trạng tín dụng đen đang hoành hành trong công nhân.

PHI LONG