Không để tồn tại vùng cấm trong phòng, chống tham nhũng

- Thứ Sáu, 08/11/2019, 08:20 - Chia sẻ
Mặc dù Chính phủ đã đề ra nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng, nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã được phát hiện, khởi tố, xử lý nghiêm minh, tuy nhiên, có ý kiến của ĐBQH Đoàn TP Hà Nội cho rằng một số mặt trong công tác phòng, chống tham nhũng chuyển biến còn chậm, hiệu quả hoạt động của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu đặt ra.

Cần xóa nạn nhũng nhiễu và tham nhũng vặt

Đánh giá về công tác phòng, chống tham nhũng, ĐBQH Nguyễn Văn Được thể hiện sự vui mừng khi thời gian qua, Đảng, Nhà nước và Quốc hội chỉ đạo rất quyết liệt và đã đưa ra xét xử một số vụ án lớn. Tuy nhiên, ĐB cho rằng tới đây, công tác phòng, chống tham nhũng cần phải được thực hiện quyết liệt và triệt để hơn nữa, không để còn vùng cấm và tình trạng “giơ cao đánh khẽ”. Theo dẫn chứng của ĐB Nguyễn Văn Được, nhân dân cả nước đã hiến hàng triệu mét vuông đất, hàng triệu ngày công để đóng góp xây dựng nông thôn mới, xây dựng các công trình công cộng cho đất nước, vậy mà có những lợi ích nhóm, có những cá nhân đã có hành vi thiếu trách nhiệm gây thất thoát lớn, tham nhũng của nhà nước, của nhân dân hàng ngàn tỷ đồng. “Tôi đề nghị nhà nước, cơ quan pháp luật cần phải xử lý nghiêm minh, kiên quyết thu hồi tài sản tham nhũng cho nhà nước. Đồng thời, đối với những trường hợp nào xử lý nội bộ cũng cần phải công khai, minh bạch, thông báo họ tham nhũng những gì, có bao nhiêu tiền để nhân dân được biết” - ĐB Nguyễn Văn Được nêu quan điểm. 


ĐBQH Nguyễn Văn Được phát biểu tại phiên thảo luận Ảnh: Quang Khánh

ĐBQH Nguyễn Văn Được đồng tình với báo cáo của Chính phủ khi đề cập đến nạn nhũng nhiễu và tham nhũng vặt bởi đây là vấn đề mà người dân vô cùng bức xúc. ĐB cho rằng bấy lâu nay, người dân muốn xây sửa nhà cửa, mở hàng kinh doanh, buôn bán... thường bị nhiều lực lượng chức năng “hỏi thăm sức khỏe”, gây khó dễ bằng nhiều hình thức khác nhau mặc dù những việc mà người dân đang làm đều được cơ quan có thẩm quyền cho phép. “Đây là vấn đề hết sức nhức nhối khiến người dân rất bức xúc nhưng họ không dám phản hồi, phản ánh. Vì vậy, tôi đề nghị các cơ quan chức năng cần giáo dục về tư tưởng, đạo đức cho lực lượng này thật tốt để lấy lại lòng tin và tín nhiệm với dân” - ĐBQH Nguyễn Văn Được chia sẻ. 

Còn hiện tượng tham nhũng trong các cơ quan chống tham nhũng

Phát biểu tại biểu tại phiên thảo luận, ĐBQH Nguyễn Anh Trí khẳng định cử tri đánh giá cao những đóng góp của các cơ quan tư pháp và phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, ĐB cho rằng cử tri hiện đang rất băn khoăn về việc trong hầu hết các báo cáo của các cơ quan nói trên đều có chúng một nhận xét, đó là năng lực chuyên môn còn hạn chế, trách nhiệm công vụ chưa cao nên còn để xảy ra những hạn chế, những sai sót trong công việc. “Thiết nghĩ các cơ quan tư pháp và phòng chống tham nhũng cần tìm cách chấm dứt những hạn chế đó, vì sai sót dù ít dù nhỏ nhưng hậu quả rất to lớn. Nếu để lọt một tội phạm thì tội ác còn tiếp tục hoành hành trong xã hội. Nếu để oan sai một trường hợp thì nỗi đau không chỉ riêng cho cá nhân người đó mà cho cả một gia đình, một dòng họ” - ĐB Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh. 

Đáng chú ý, ĐBQH Nguyễn Anh Trí chỉ rõ trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp và từ ý kiến phát biểu tại phiên thảo luận của một số ĐBQH có đề cập vẫn còn hiện tượng tham nhũng xảy ra trong chính các cơ quan chống tham nhũng. “Điều này là không thể chấp nhận được” - ĐB Nguyễn Anh Trí thẳng thắn. 

Để công tác phòng, chống tham nhũng đạt được những kết quả tích, ĐBQH Ngọ Duy Hiểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành và các cơ quan tư pháp phải tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, trong đó cần đầu tư để hình thành đội ngũ chuyên gia có khả năng thiết kế các quy phạm pháp luật, tạo động lực cho đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển, không nặng về quy trình, thủ tục, vô tình cản trở sự phát triển. Đồng thời phải giải quyết thỏa đáng các quy trình, quy định trong mối quan hệ với phát huy sức sáng tạo, thúc đẩy đổi mới phát triển. Bên cạnh đó, trong quá trình xem xét, xử lý vi phạm các cơ quan chức năng cần cân nhắc, đánh giá toàn diện giữa hành vi vi phạm quy trình, quy định với lợi ích mang lại khi mà hệ thống pháp luật của nước ta chưa hoàn thiện, nhiều quy định còn đi sau cuộc sống. 

NGUYÊN KHÔI