Chưa chú trọng bồi dưỡng kỹ năng phòng cháy, chữa cháy cho nhân dân

- Thứ Sáu, 15/11/2019, 08:37 - Chia sẻ
Phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2014 - 2018, một số ĐBQH Đoàn TP Hà Nội cho rằng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nặng về PCCC chưa thực sự hiệu quả, vẫn còn tính hình thức mà chưa chú trọng vào bồi dưỡng kỹ năng PCCC cho nhân dân.

Công tác tuyên truyền PCCC vẫn mang tính hình thức

Theo ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh, qua thực tế đi giám sát ở nhiều cơ quan, địa phương cho thấy còn không ít bộ, ngành, chính quyền các cấp chưa quan tâm xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền về công tác PCCC. Hầu hết các địa phương chưa ban hành nghị quyết của HĐND quy định việc xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC; việc quy định mức chi ngân sách cho công tác PCCC chưa được thực hiện; chưa ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCC thông qua các phương tiện cá nhân, mặc dù việc này vừa đỡ tốn kém, vừa truyền tải nhanh gọn, trực tiếp đến từng cá nhân trong xã hội… “Tôi cho rằng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nặng về hình thức, phương thức cũ, chưa chú trọng bồi dưỡng kỹ năng PCCC cứu hộ, cứu nạn cho các tầng lớp cán bộ nhân dân, nhất là cư dân ở các nhà chung cư, khu đô thị…” - ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh đánh giá.


Đại biểu Quốc hội, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm phát biểu tại hội trường Ảnh: Quang Khánh

Ngoài ra, ĐB cũng dẫn chứng tình trạng nhiều chủ đầu tư chỉ quan tâm lợi ích kinh tế mà không quan tâm đầu tư thiết bị PCCC an toàn cho cư dân. Trong khi đó, công tác thanh tra, kiểm tra PCCC mới chỉ tập trung ở các doanh nghiệp mà chưa chú trọng đến công tác kiểm tra, thanh tra trên địa bàn dân cư và nhà dân ở thành thị, là nơi mà có tỷ lệ cháy từ 42,36% đến 60,11%. “Có thể nói công tác quản lý nhà nước về PCCC còn rất nhiều bất cập, cần phải được nêu rõ địa chỉ để phê bình, nhắc nhở, cắt giảm thi đua. Quy định trách nhiệm cho người đứng đầu các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị” - ĐB Trần Thị Quốc Khánh đề xuất.

Bên cạnh đó, mặc dù nước ta đang bước vào giai đoạn 4.0 thế nhưng việc ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác PCCC hiện đang còn rất mờ nhạt. Theo thống kê, từ năm 2014 đến nay, cả nước mới chỉ có 56 nhiệm vụ khoa học công nghệ về PCCC được thực hiện, trong đó có 9 nhiệm vụ cấp nhà nước, 18 nhiệm vụ cấp bộ và 29 nhiệm vụ cấp cơ sở. Tuy nhiên, trên thực tế ở nước ta vẫn có không ít những sáng chế liên quan đến công tác PCCC, thậm chí có những sáng chế được nước ngoài công nhận và đánh giá cao. Vì vậy, ĐB đề xuất các bộ, ngành phải thực sự quan tâm, hỗ trợ, tạo thuận lợi cho những tổ chức, cá nhân nêu trên để họ có thể sản xuất, cung ứng các sản phẩm PCCC phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam, đáp ứng yêu cầu xã hội hóa trong công tác PCCC.

Cần có chế độ thỏa đáng đối với lực lượng PCCC

Đồng quan điểm với ĐB Trần Thị Quốc Khánh, ĐBQH, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho rằng qua báo cáo của Chính phủ đã nêu rất rõ các tồn tại, hại chế trong công tác PCCC giai đoạn 10 năm qua, trong đó có nguyên nhân không nhỏ do công tác tuyên truyền về PCCC chưa đạt được các yêu cầu đặt ra. “Trên thực tế, nhiều vụ cháy có nguyên nhân chủ yếu là do những bất cẩn của con người, bởi họ không được giáo dục, tuyên truyền tốt về PCCC. Điển hình như những vụ cháy rừng ở Nghệ An, Hà Tĩnh bắt nguồn từ việc người dân bất cẩn, không được trang bị những kiến thức cần thiết về PCCC. Vì vậy, chúng ta phải đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền trong lĩnh vực PCCC, bắt đầu bằng việc trang bị các kiến thức cần thiết cho các em nhỏ ngay từ khi còn trên ghế nhà trường” - ĐBQH, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ĐBQH, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đề nghị chúng ta cần cần quan tâm tới lực lượng cứu hộ, cứu nạn, PCCC; đồng thời có những cơ chế, chính sách thoả đáng đối với những đối tượng này. “Bên cạnh việc chia sẻ với đồng bào, với địa phương xảy ra hỏa hoạn đã thiệt hại về người và tài sản, chúng ta cần tôn vinh, chia sẻ với những khó khăn, vất vả của những chiến sĩ công an, lực lượng PCCC và cả những người dân là tấm gương dũng cảm bất chấp hiểm nguy để cứu người. Chúng cần phải đề cao, tôn vinh và có chế độ đặc biệt đối với những con người này” - ĐBQH, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đề xuất.

Theo dẫn chứng của ĐB, có không ít nước trên thế giới, khi lính cứu hỏa bị hy sinh trong khi làm nhiệm vụ thì tại các công sở sẽ treo cờ rủ để thể hiện sự biết ơn, trân trọng với những đóng góp thầm lặng của lực lượng làm nhiệm vụ PCCC. “Điều này không chỉ thể hiện chính quyền ghi nhận và đánh giá cao, tôn vinh những con người hy sinh để xây dựng, bảo vệ đất nước. Đó cũng là tấm gương để mọi người dân có ý thức hơn trong việc bảo đảm PCCC” - ĐBQH, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nêu quan điểm.

NGUYÊN KHÔI