Theo dòng sự kiện

Chia sẻ rủi ro - cần thôi chưa đủ!

- Thứ Tư, 20/11/2019, 08:13 - Chia sẻ
“Ý kiến của tôi khác với nhiều đại biểu đã phát biểu trước, tôi thực sự băn khoăn về quy định này trong dự luật”, ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) phát biểu tại phiên họp toàn thể sáng qua của QH về cơ chế chia sẻ rủi ro được thiết kế trong dự Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Có tới 6 lý do được đại biểu dẫn ra để lý giải cho quan điểm này.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) phát biểu tại Hội trường Ảnh: Quang Khánh

Một là, khi nói đến PPP là nói đến hợp đồng, nói đến sự tự nguyện, là cơ chế thỏa thuận giữa Nhà nước và chủ đầu tư, là cơ chế “lời ăn, lỗ chịu” đúng theo nguyên tắc thị trường. Trước khi ký kết hợp đồng, nhà đầu tư đủ “thông minh” để hình dung ra được hai yếu tố lợi nhuận và rủi ro. Lợi nhuận càng lớn thì rủi ro càng cao. Và khi đã ký kết hợp đồng thì đồng nghĩa với việc phải chấp nhận rủi ro. Hai là, dự luật cho phép chủ đầu tư tăng giá, tăng phí dịch vụ, kéo dài thời hạn thu phí... Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người dân. Ở đây, chủ thể phải trả tiền không phải là Nhà nước mà là người dân. Ba là, cơ chế này tác động trực tiếp đến ngân sách nhà nước. Bởi lẽ, dự luật quy định các dự án được chia sẻ rủi ro là những dự án quy mô lớn, dự án trọng điểm. Nếu Nhà nước chia sẻ 50% rủi ro thì chia sẻ bằng hình thức nào? Nguồn sẽ lấy từ đâu? Khi tác động đến nợ công thì sẽ xử lý như thế nào? - đây là những câu hỏi hiện chưa có câu trả lời.

Lý do thứ tư là, dự luật cũng chưa đưa ra những căn cứ, tiêu chí để xác định mức độ rủi ro, chưa xác định cơ quan nào có trách nhiệm xác định rủi ro. Hiện nay, theo dự luật thì Kiểm toán Nhà nước chỉ kiểm toán phần vốn đầu tư công mà không phải là kiểm toán toàn bộ dự án. Quy định này tạo ra bất cập vì không thể xác định toàn bộ rủi ro của dự án nếu như chỉ kiểm toán một phần vốn của dự án. Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ thẩm định cơ chế áp dụng. Vậy Bộ Tài chính có phải là cơ quan chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực trong việc xác định thực chất của rủi ro hay không? - điều này cũng chưa được làm rõ. Lý do thứ năm, liên quan đến thẩm quyền, dự luật quy định Chính phủ quyết định việc áp dụng cơ chế rủi ro. Trong khi đó, đối với những mức chi trả lớn, tác động trực tiếp đến dự toán ngân sách hàng năm, đến ngân sách trung hạn, đến an toàn nợ công thì chắc chắn thẩm quyền không phải là của Chính phủ - điều này dự luật lại chưa quy định. Và cuối cùng, lý do thứ sáu, dự luật đưa ra một quy định nghe có vẻ rất hợp lý: Trong trường hợp có lợi nhuận tăng thêm thì nhà đầu tư chia sẻ với Nhà nước về lợi nhuận tăng thêm. Tuy nhiên, trong 22 năm qua, kể từ khi áp dụng cơ chế PPP đến nay, chưa có một trường hợp nào nhà đầu tư chia sẻ lợi nhuận tăng thêm với Nhà nước. Ở chiều ngược lại, hiện nay, Nhà nước vẫn đang phải chi trả một số khoản nợ trong một số hợp đồng BOT.

Hầu hết các ý kiến đề cập đến cơ chế chia sẻ rủi ro tại phiên họp toàn thể sáng qua của QH dù ở mức độ khác nhau nhưng cũng đều bày tỏ sự băn khoăn đối với nội dung cụ thể được thiết kế trong dự luật dù ai cũng đồng thuận cần có cơ chế này như là một giải pháp cần thiết để thu hút đầu tư PPP. Các ĐBQH Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang), Hoàng Văn Cường (Hà Nội), Đinh Văn Nhã (Phú Yên)... nêu ra khá nhiều nội dung cho thấy cơ chế trong dự luật còn nhiều bất cập, thiếu minh bạch, khó định lượng và khó giám sát.

Có 3 dạng rủi ro cơ bản của các dự án PPP được các đại biểu chỉ ra gồm rủi ro về chính sách, rủi ro do thị trường và rủi ro do vận hành. Trong đó, rủi ro về chính sách tức là Nhà nước không cam kết thực hiện đúng chính sách ban đầu đặt ra thì nhà đầu tư có thể gặp phải những rủi ro. Ở dạng rủi ro này, Nhà nước phải chịu trách nhiệm trong việc chia sẻ, thậm chí là phải bồi hoàn phần lớn rủi ro đó. Rủi ro thị trường, là do trong quá trình thiết kế chưa thể lường trước được sự phát triển của thị trường. Và vì chưa lường trước được nên nhà đầu tư tư nhân không sẵn sàng bỏ tiền mà Nhà nước phải đứng cam kết, chia sẻ một phần rủi ro đó. Với dạng rủi ro này, cần được chia sẻ giữa hai bên Nhà nước và nhà đầu tư. Rủi ro vận hành là do khả năng quản lý vận hành của nhà đầu tư không tốt hoặc những thay đổi về kỹ thuật mà nhà đầu tư không đáp ứng được. Những rủi ro này chủ yếu là thuộc về nhà đầu tư nên nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm.

Dù vậy, một thực tế nhức nhối thời gian qua chính là tình trạng các rủi ro do vận hành, do năng lực của nhà đầu tư đã bị lợi dụng, lạm dụng và biến thành những rủi ro đẩy về phía Chính phủ hoặc người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm chia sẻ. Như ĐB Vũ Thị Lưu Mai cảnh báo “chúng ta cần nhớ đến những phản ứng từ phía người dân ở các trạm thu phí đến những dư luận chưa tốt về một số dự án BOT vừa qua”. Vậy nên, cần thiết thôi vẫn chưa đủ. Điều quan trọng nhất vẫn phải là tìm ra một cơ chế chia sẻ rủi ro “thấu tình, đạt lý”, công khai, minh bạch và sòng phẳng, không có những kẽ hở có thể dẫn đến những tiêu cực mà hệ quả là Nhà nước và người dân phải gánh thay nhà đầu tư. Đó cũng là cách để chúng ta chọn được những nhà đầu tư chất lượng, minh bạch và hiệu quả bởi chính họ sẽ phải cân nhắc thận trọng ngay từ thời điểm thương thảo hợp đồng.  

Lam Anh