Thảo luận về dự thảo Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư

Cần hoàn chỉnh nhiều nội dung trong dự thảo luật

- Thứ Sáu, 22/11/2019, 08:09 - Chia sẻ
Trong phiên thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), một số ĐBQH Đoàn TP Hà Nội cho rằng, cần sớm thông qua dự thảo luật này để khắc phục những “lỗ hổng” về pháp lý cũng như trong công tác quản lý PPP hiện nay.

Thiếu khuôn khổ pháp lý cho đầu tư PPP

Theo nhận định của ĐBQH Nguyễn Anh Trí, hiện có nhiều nghị định liên quan đến PPP nhưng không đủ mạnh, không đồng bộ và không có sự thống nhất, dẫn đến lúng túng trong việc quản lý ở mọi công đoạn PPP. Chính điều này đã dẫn đến nhiều sai sót trong quá trình vận hành PPP, khiến nhân dân mất lòng tin vào loại hình đầu tư mạnh, hiệu quả và phổ biến như PPP. Để dự án luật hoàn thiện hơn về mặt pháp lý, ĐB Nguyễn Anh Trí mong muốn dự luật này phải trở nên thực sự hấp dẫn với các nhà đầu tư bởi bản chất của PPP là một phương thức huy động vốn từ các tập đoàn, các công ty tư nhân, thậm chí tới các cá nhân trong xã hội tham gia cùng đầu tư xây dựng các công trình quốc gia, địa phương. “Đặc biệt, dự Luật PPP lần này phải bảo đảm tất cả các đối tác đều có lợi, cộng đồng có công trình để sử dụng, nhà đầu tư có công việc để làm, Chính phủ làm được những việc mình đã hứa với dân, để phục vụ nhân dân” - ĐBQH Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ĐB Nguyễn Anh Trí cũng mong muốn sớm có một Luật Đầu tư PPP đúng, hợp lý, đầy đủ bởi sau 20 năm làm PPP, các nghị định đã bộc lộ rất nhiều những bất cập, điển hình là hầu hết các dự án PPP đã làm đều được chỉ định thầu, điều này rất dễ dẫn tới những hệ lụy xấu. Ngoài ra, ĐB cũng mong dự án Luật lần này phải bao phủ hết mọi công đoạn, khắc phục được những “lỗ hổng” trong công tác quản lý PPP hiện nay.

Đồng quan điểm, ĐBQH Hoàng Văn Cường đánh giá nước ta đang trong quá trình phát triển, điều này đồng nghĩa với việc có rất nhiều những dự án đầu tư hạ tầng cũng như các dịch vụ công, đòi hỏi phải có sự tham gia của khu vực tư nhân để vừa tăng các nguồn lực đầu tư, vừa nâng cao chất lượng của các sản phẩm dịch vụ công và có thể khai thác hiệu quả những công trình đầu tư công này.

“Thế nhưng sau 20 năm, chúng ta mới chỉ thu hút được hơn 300 dự án được gọi là PPP, trong đó, trên 50% là các dự án BT, còn lại các dự án chủ yếu là BOT giao thông. Tuy nhiên, những dự án này cũng đang gặp phải rất nhiều những bức xúc trong xã hội, gây tổn thất nhất định cho các nhà đầu tư… Nguyên nhân sâu xa của tình trạng trên là do chúng ta chưa có một luật khuôn khổ pháp lý chính thức cho đầu tư PPP, vì vậy, việc sớm ban hành dự luật liên quan đến PPP là hết sức cần thiết” - ĐBQH Hoàng Văn Cường khẳng định.

ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai phát biểu tại hội trường Ảnh: Quang Khánh

Nhà đầu tư chân chính cần môi trường đầu tư bình đẳng

Riêng ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai lại cho rằng dự thảo luật lần này cần hoàn chỉnh rất nhiều nội dung quan trọng. Theo ĐB, dự thảo luật liên quan đến PPP chưa thống nhất với các luật khác, điển hình như chưa thống nhất với Luật Ngân sách nhà nước về cơ chế thanh toán, quyết toán phần vốn nhà nước;  chưa thống nhất với Luật Đầu tư công về thẩm quyền quyết định các dự án trên 10.000 tỷ; chưa thống nhất Luật Đầu tư về cơ chế giải quyết tranh chấp… “Dự thảo luật còn thiếu vắng các quy định liên quan đến trách nhiệm của người quyết định chủ trương đầu tư các dự án PPP, thiếu vắng các quy định về trách nhiệm cụ thể của Hội đồng thẩm định nhà nước. Đặc biệt, trách nhiệm của cơ quan trực tiếp thương thảo hợp đồng trong trường hợp đưa ra các điều khoản gây thiệt hại cho Nhà nước, người dân chưa được quy định rõ” - ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai nêu quan điểm.

ĐB Vũ Thị Lưu Mai nhìn nhận việc ban hành một đạo luật để huy động nguồn lực của người dân là hết sức cần thiết. “Thế nhưng, điều mà nhà đầu tư chân chính cần nhất đó là một môi trường cạnh tranh bình đẳng, những chính sách ổn định, hợp lý và giảm thiểu những chi phí không chính thức. Còn với người dân, điều họ cần nhất chính là giảm những gánh nặng về thuế, phí và mức giá” - ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai chia sẻ.

Dưới góc nhìn của mình, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh lại quan tâm đến phạm vi điều chỉnh trong dự thảo luật chưa thực sự đầy đủ, không minh bạch, rõ ràng. “Qua thực tiễn triển khai một số công trình đối tác công tư vừa qua cho thấy sự thiếu minh bạch, thất thoát tài sản, tạo cơ hội cho tham nhũng và kết cục là nhiều cán bộ lãnh đạo vướng vào vòng lao lý. Vì vậy, tôi đề nghị phạm vi điều chỉnh của luật cần sửa đổi rõ ràng, trong đó phải quy định rõ trách nhiệm của các bên cũng như vai trò quản lý nhà nước, giám sát của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư” - ĐB Trần Thị Quốc Khánh chỉ rõ.

LONG HUỲNH