Bảo đảm thực thi quyền lực của nhân dân

- Thứ Sáu, 01/11/2019, 08:14 - Chia sẻ
Tại phiên thảo luận tổ về dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của TP Hà Nội, nhiều ý kiến của Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho rằng, nếu bỏ HĐND cấp phường thì phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, phản biện của MTTQ để bảo đảm thực thi quyền lực của Nhân dân.

Việc ban hành nghị quyết là cần thiết

Tại buổi thảo luận tại tổ, hầu hết các đại biểu đều tán thành với việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc thí điểm không tổ chức HĐND phường tại thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026. Các đại biểu đánh giá nội dung của dự thảo Nghị quyết lần này cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo Nghị quyết với hệ thống pháp luật; tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Ngoài ra, các ĐBQH Đoàn TP Hà Nội cho rằng việc Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm không tổ chức HĐND phường trong năm nay sẽ tạo sự chủ động cho Chính phủ cũng như chính quyền Thủ đô trong việc chuẩn bị nhân sự, tổ chức Đại hội đảng bộ cấp phường nhiệm kỳ 2020 - 2025, tiến tới bầu cử HĐND các cấp và kiện toàn UBND phường nhiệm kỳ 2021 - 2026 trên địa bàn thành phố.


Đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà Ảnh: Quang Khánh

Phát biểu thảo luận, ĐBQH Đào Tú Hoa khẳng định việc xây dựng Nghị quyết là cần thiết, kịp thời, thể chế hóa kết luận của Bộ Chính trị về Đề án chính quyền đô thị TP Hà Nội, đặc biệt, đây còn một nội dung lớn, quan trọng, mang tính chính trị xã hội sâu sắc, có ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống chính trị của Thủ đô. Tuy nhiên, ĐB Đào Tú Hoa cho rằng, nếu đặt tên cơ quan hành chính phường khác với tên gọi UBND thì toàn bộ dữ liệu có liên quan của TP Hà Nội (như chứng minh thư nhân dân, thẻ căn cước công dân, sổ hộ khẩu, giấy tờ thường trú, tạm trú của công dân…) sẽ phải thay đổi, dẫn đến sự lãng phí, tốn kém, gây khó khăn cho người dân và công tác quản lý nhà nước trên địa bàn.

Đồng quan điểm, ĐB Bùi Huyền Mai nhấn mạnh việc không nên thay đổi tên gọi của UBND phường là hợp lý bởi Quốc hội mới thống nhất tiến hành thí điểm trong một khoảng thời gian xác định, cho nên việc để nguyên tên gọi là thuận lợi, không làm ảnh hưởng tới các hoạt động hàng ngày khác của người dân và cơ quan chức năng.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát

Góp ý vào dự thảo Nghị quyết, ĐBQH Ngọ Duy Hiểu khẳng định với sự quyết tâm và vào cuộc của cả hệ thống chính trị, việc tổ chức thực hiện thì mô hình thí điểm không tổ chức HĐND phường tại TP Hà Nội sẽ thành công. Nếu việc thí điểm có được những kết quả tích cực thì sẽ là bài học kinh nghiệm quý báu để có thể triển khai trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, ĐB cũng lưu ý muốn Nghị quyết thí điểm thành công thì công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy và công tác giám sát, phản biện của MTTQ cần phải được đẩy mạnh, tăng cường hơn nữa. Thực tế cho thấy, ở địa phương, nhất là ở cấp phường, xã là nơi gần dân nhất thường phát sinh rất nhiều vấn đề. Nếu không có HĐND phường mà không tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng và công tác giám sát, phản biện của MTTQ thì có thể việc thực thi quyền lực của nhân dân sẽ không được bảo đảm - ĐBQH Ngọ Duy Hiểu nêu quan điểm.

Riêng ĐB Đỗ Đức Hồng Hà cho rằng dự thảo Nghị quyết lần này có nhiều điểm khác biệt so với Nghị quyết số 26/2008/QH12 (ngày 15.11.2008) về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường. Theo phân tích của ĐB, năm 2008 việc thí điểm được tiến hành tại 67 huyện, 32 quận, 483 phường của 10 tỉnh, thành phố. Còn lần thí điểm này, Hà Nội thực hiện trên 177 phường trong giai đoạn 2021 - 2016.

Về tổ chức bộ máy hành chính cấp phường, nếu như năm 2008 Chủ tịch UBND quận có thể trực tiếp bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức với Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường thì trong lần thí điểm này, UBND phường sẽ là cơ quan hành chính đại diện của UBND quận, huyện hoạt động theo chế độ tập thể, đề cao trách nhiệm cá nhân của chủ tịch UBND trong quản lý, điều hành hành chính. Qua đó, việc sắp xếp, bố trí cán bộ chuyên môn ở UBND cấp phường hợp lý hơn. “Theo tôi việc thông qua Nghị quyết lần này tại kỳ họp lần này là hết sức cần thiết bởi Dự thảo Nghị quyết thí điểm lần này có đầy đủ cơ sở, lý luận, pháp lý, có tính khả thi, bảo đảm hiệu lực hiệu quả, có nhiều điểm mới so với lần thí điểm 2008” - ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà nhấn mạnh.

Ngoài ra, ĐB cũng lưu ý bộ máy chính quyền, nhất là chính quyền đô thị cấp phường càng cồng kềnh càng trì trệ, kém hiệu quả, do vậy, nếu tinh giản, thu gọn lại sẽ làm tăng hiệu quả, hiệu lực bộ máy.

NGUYÊN KHÔI