Còn nhiều khó khăn trong xử lý nợ xấu
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hòa Bình, trên địa bàn hiện có 10 chi nhánh cấp I của các tổ chức tín dụng. Các đơn vị trực thuộc chi nhánh cấp I gồm: 12 chi nhánh ngân hàng Nhà nước và phát triển nông thôn các huyện, thành phố; 3 chi nhánh thuộc TP. Hòa Bình; 47 phòng giao dịch của các ngân hàng thương mại và 151 điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội; 4 Quỹ tín dụng Nhân dân; 3 Chương trình Dự án tài chính vi mô; 939 điểm giới thiệu dịch vụ của các Công ty tài chính.
Giai đoạn từ năm 2020 đến 30.6.2023, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh triển khai kịp thời chỉ đạo của Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về chính sách tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng trên địa bàn. Kết quả hoạt động đến ngày 30.6, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 43.419 tỷ đồng, tăng 7,3% so với năm 2022. Tổng dư nợ toàn địa bàn đến nay đạt 35.713 tỷ đồng, tăng 1.362 tỷ đồng, tăng 4,0% so với năm trước, tương đương mức tăng chung của toàn ngành ngân hàng (4,73%). Kết quả thu hồi nợ xấu của các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 1.420,7 tỷ đồng.
Các ngân hàng, tổ chức tín dụng đã triển khai đầy đủ các chương trình, chính sách tín dụng, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân như: Chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm và chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ; thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23.4.2023; chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP...
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; việc triển khai thực hiện Luật Tổ chức tín dụng và một số cơ chế, chính sách liên quan đến Quỹ tín dụng Nhân dân… Công tác triển khai các quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng cũng còn không ít tồn tại, hạn chế.
Tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn
Quyền Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Hòa Bình Ngô Quang Lợi cho biết: qua nghiên cứu dự thảo Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi), đối chiếu với các vướng mắc, bất cập hiện nay thì việc sửa đổi đã cơ bản tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hòa Bình đề nghị: Đoàn ĐBQH tỉnh cùng các bộ, ngành liên quan nghiên cứu có quy định cụ thể về nộp thuế lợi tức cổ phần đối với thành viên Quỹ tín dụng Nhân dân và nên chia thành 2 mức nộp thuế lợi tức cổ phần (nếu thành viên nào có thuế lợi tức cổ phần lớn từ 5 triệu đồng trở lên thì thực hiện nộp thuế theo đúng quy định; nếu thành viên nào có thuế lợi tức cổ phần dưới 5 triệu đồng thì không phải nộp thuế lợi tức cổ phần, số này được chuyển thành vốn góp vào Quỹ tín dụng để tăng cường năng lực tài chính cho Quỹ).
Cùng với đó, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan tiếp tục phối hợp, triển khai có hiệu quả giải pháp hỗ trợ các ngân hàng trên địa bàn xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản để thu hồi nợ; hỗ trợ áp dụng thủ tục rút gọn theo yêu cầu của Tòa án trong việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42. Ngoài ra, cần quan tâm, có chính sách đặc biệt ưu đãi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực mà địa phương có lợi thế để cạnh tranh. Tiếp tục cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang ngân hàng chính sách xã hội để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác…
Thay mặt Đoàn khảo sát, Phó trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Bích Ngọc ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực, kết quả hoạt động của ngành ngân hàng tỉnh trong công tác triển khai thực hiện các văn bản, cơ chế, chính sách trên toàn hệ thống. Thời gian tới, các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn cần tập trung nghiên cứu cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn. Đồng thời, tích cực phối hợp với các sở, ngành triển khai các giải pháp thu hồi nợ xấu phù hợp; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; tuyên truyền tích cực triển khai thanh toán không dùng tiền mặt.
Ngoài ra, quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức người dân; tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động tiền tệ, tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống, nhất là đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro… Các kiến nghị tại buổi làm việc sẽ được Đoàn ĐBQH tỉnh lựa chọn, tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, nghiên cứu giải quyết theo quy định.