Theo Hiến pháp 2013, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.
“Đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân; nâng cao chất lượng Đại biểu Quốc hội, có cơ chế để đại biểu Quốc hội gắn bó chặt chẽ và có trách nhiệm với cử tri; cải tiến, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội” là những yêu cầu mà Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ XI đã nhấn mạnh.
Do vậy việc xây dựng Luật Tổ chức Quốc hội chẳng những có tầm quan trọng đặc biệt tự thân và còn phải nêu gương trong việc triển khai Hiến pháp.
Xin trao đổi một số nội dung thiết yếu sau đây.
1. Phải đưa nguyên văn vào Luật Tổ chức Quốc hội các điều khoản của Hiến pháp quy định về Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội
Theo tôi, Điều 1 của Luật Tổ chức Quốc hội phải là Điều 69 và Điều 2 phải là Điều 70 của Hiến pháp. Tương tự, phải đưa nguyên văn các Điều 73 và 74 của Hiến pháp liên quan đến UBTVQH vào Luật, vì đây là những điều cơ bản nhất đối với QH và UBTVQH.
Mặt khác, làm như vậy, đại biểu Quốc hội và cử tri khi đọc những điều này sẽ thấy ngay vị trí, nhiệm vụ và quyền hạn của QH, UBTVQH đã được Hiến pháp quy định, không bị rút ngắn, không thông qua dẫn chiếu. Làm như vậy cũng giúp dễ nhận ra những quy định hay hành vi nào không phù hợp hay trái với Hiến pháp.
2. Phải tuân thủ nguyên tắc làm việc của các cơ quan dân cử
Nguyên tắc làm việc của các cơ quan dân cử là theo chế độ hội nghị, quyết định theo đa số. Do vậy, UBTVQH, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH, đều là cơ quan dân cử, do QH thành lập, cũng như QH, nhất thiết phải tuân thủ và làm việc theo nguyên tắc này.
3. Không tùy tiện “luật hóa” quy chế hoạt động hiện hành
Quy chế hoạt động của một tổ chức, như tên gọi quy chế nói lên, là những quy định nội bộ của định chế đó. Quy chế không phải là một luật.
Vì vậy, QH phải cân nhắc thật kỹ từng nội dung của các quy chế hoạt động hiện hành của QH dự kiến sẽ đưa vào Luật Tổ chức QH sắp tới. Những quy định nào trong quy chế đã được trải nghiệm qua thực tế là đúng, cần thiết và không dẫn đến những quy định hay hành vi trái với Hiến pháp và các luật khác, có thể được cân nhắc để đưa vào Luật và cần được Ban soạn thảo thuyết minh. Nhất quyết không được lạm dụng.
Xin đơn cử một ví dụ. Hiến pháp 2013 quy định chỉ có đại biểu Quốc hội. Không có bất cứ tính từ nào đi kèm, mặc dù trong thực tế của Quốc hội Việt Nam cho đến nay chỉ có một số đại biểu dành trọn thời gian công tác cho nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.
Luật Tổ chức QH hiện hành, tại Điều 45, quy định về đại biểu Quốc hội “chuyên trách” mặc dù khái niệm “đại biểu Quốc hội chuyên trách” còn có ý kiến khác nhau, trước tiên vì khái niệm này không có trong Hiến pháp (cũng như lần này) và kế đến điều mà QH cần có lẽ là đại biểu Quốc hội “chuyên nghiệp” hơn là “chuyên trách”. Mức lương và các chế độ khác được quy định trong quy chế.
Nếu “luật hóa” các nội dung của quy chế hiện hành, QH sẽ có hai loại đại biểu Quốc hội chuyên trách và không chuyên trách, điều mà Hiến pháp không hề quy định.
4. Về UBTVQH, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban
+ Sau rất nhiều thảo luận, một trong những tiếp thu của Ủy ban soạn thảo dự thảo Hiến pháp là “UBTVQH chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội” thay vì “lãnh đạo công tác (...)”. Thiết nghĩ sự tiếp thu này cần được tôn trọng trong Luật Tổ chức QH.
+ Điều 74 của Hiến pháp quy định 13 nhiệm vụ và quyền hạn của UBTVQH, và Điều 75, 76 của Hiến pháp lại giao thêm cho UBTVQH quyền phê chuẩn các Phó chủ tịch và các ủy viên của Hội đồng Dân tộc; phê chuẩn các Phó chủ nhiệm và các ủy viên các Ủy ban của QH.
Nếu chỉ có Chủ tịch Hội đồng Dân tộc và các Chủ nhiệm các Ủy ban do QH bầu, UBTVQH thực hiện quyền bầu các cơ quan này của QH bằng sự phê chuẩn các Phó chủ tịch (Phó chủ nhiệm) và các ủy viên, cho thấy xu hướng hành chính hóa các cơ quan này đang trở thành hiện thực.
Nếu vậy Luật Tổ chức QH là cơ hội để QH khẳng định Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban vẫn là các cơ quan của QH, do QH thành lập và bầu.
+ Vấn đề đại biểu Quốc hội chuyên trách và không chuyên trách, đã được đề cập trên đây, mới chỉ là về mặt hình thức. Số lượng đại biểu chuyên trách ngày càng tăng qua các khóa. Nhưng chuyên trách không phải là chuyên nghiệp. Tôi vẫn tự hỏi bao nhiêu phần trăm trong tôi (khi còn là đại biểu Quốc hội chuyên trách) là công chức, còn lại bao nhiêu phần trăm là đại biểu Quốc hội.
Vấn đề đặt ra là khi công chức hóa đại biểu Quốc hội thì nguyên tắc làm việc sẽ không còn là chế độ hội nghị, quyết định theo đa số. Mặt khác sự sắp xếp vào thang bậc lương, các chế độ chính sách đi kèm, hy vọng được cơ cấu lại trong nhiệm kỳ tới, được phê chuẩn... sẽ là những lực cản đối với hoạt động nghị trường có chất lượng của ĐBQH để “là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân”. Luật Tổ chức QH phải bảo vệ QH trước xu hướng kép hành chính hóa và công chức hóa.
+ Một trăn trở lớn của tôi là sự lãng phí chất xám ghê gớm của QH. Cứ sau mỗi nhiệm kỳ, QH được “thay máu” khoảng 2/3. Bao nhiêu tích lũy kinh nghiệm nghị trường bị lãng phí. QH khóa mới lại bắt đầu “học việc” dưới sự dẫn dắt của UBTVQH, nhưng lại phải quyết định những vấn đề vô cùng hệ trọng ngay từ kỳ họp đầu tiên.
Thiết nghĩ Luật Tổ chức QH cần có những quy định để hạn chế tối đa sự lãng phí này và phát huy “vốn chất xám nghị trường”, từng bước tiến tới một QH gồm những đại biểu “có tâm và có tầm” như cử tri mong đợi.
5. Những nội dung mới của Hiến pháp 2013 cần được thể chế hóa
+ Hiến pháp quy định, tại Điều 2, khoản 3: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.
Thiết nghĩ Luật Tổ chức Quốc hội cần cụ thể hóa và thể chế hóa nội dung mới là “kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.
+ Hiến pháp tại Điều 8, khoản 2, cũng quy định “Các cơ quan nhà nước, (…) phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân”.
Cử tri mong đợi Luật Tổ chức QH cũng sẽ cụ thể hóa và thể chế hóa các nội dung này, đặc biệt sự giám sát của nhân dân.