>> Bước tiến vượt bậc về dân chủ
>> Lập pháp vì dân - bước chuyển rõ nét từ Hiến pháp 2013
Bước tiến bộ quan trọng về hội nhập toàn diện
![]() |
Đối với dân tộc, QH Khóa XIV sẽ là nhiệm kỳ có sứ mệnh quan trọng, vì đây sẽ là nhiệm kỳ mà QH thực hành Hiến pháp 2013, giám sát việc thực thi hệ thống pháp luật được đổi mới phù hợp với Hiến pháp mới. Cùng với cả hệ thống chính trị, QH Khóa XIV sẽ là một QH thực hành các nhiệm vụ, triển khai thi hành Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Tôi tin rằng, QH Khóa XIV sẽ được nhân dân kỳ vọng về việc thực hiện giai đoạn mới trong quá trình phát triển, hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Đào Trọng Thi |
- Hội nhập quốc tế là một trong những chủ đề thời sự của đất nước hiện nay. Song khi nói đến hội nhập, chúng ta mới chủ yếu đề cập đến hội nhập kinh tế, văn hóa… Với thực tiễn công tác lập hiến, lập pháp của QH trong nhiệm kỳ Khóa XIII, rõ ràng chúng ta đang hội nhập cả về pháp luật, thưa ông?
- Đối với chủ trương hội nhập quốc tế, chúng ta đã đi những bước thận trọng, vững chắc. Khởi đầu là hội nhập về kinh tế, tiếp đến từng bước hội nhập về văn hóa, chính trị, xã hội… và hiện đã vươn lên tầm cao là chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện. Việc ban hành Hiến pháp năm 2013 đánh dấu một bước tiến bộ quan trọng của Đảng và Nhà nước ta: hội nhập toàn diện.
Hiến pháp là đạo luật gốc của mỗi quốc gia. Bởi vậy từng điều khoản trong Hiến pháp cần phải tiệm cận với nhận thức và các giá trị phổ quát, tiến bộ của nhân loại. Tinh thần hội nhập quốc tế cao thể hiện trong Hiến pháp đòi hỏi tất cả các luật, bộ luật cụ thể hóa các quy định mới, tiến bộ của Hiến pháp cũng phải tuân theo tinh thần đó.
Đương nhiên, hội nhập quốc tế cao không có nghĩa chúng ta từ bỏ bản sắc dân tộc, chế độ. Hội nhập cao nhưng vẫn phải bảo vệ và phát huy đầy đủ những đặc trưng thể chế của chế độ XHCN tốt đẹp. Thực ra, đặc trưng của chế độ này đã được thể hiện rõ trong các quy định của Hiến pháp 2013. Nhưng cái hay ở đây là đã đạt đến sự hài hòa giữa tính hội nhập quốc tế cao với việc tiếp tục khẳng định tính ưu việt của chế độ XHCN - đây chính là tầm cao mới của bản Hiến pháp 2013.
- Cụ thể sự hài hòa này thể hiện như thế nào, thưa ông?
- Sự hài hòa đề cập ở trên được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội được quy định trong Hiến pháp. Chúng ta khẳng định nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường (nhưng) định hướng XHCN - hai thành tố của nền kinh tế tưởng như đối lập nhưng chúng ta đã hài hòa được. Trong khi đó, cách đây hai chục năm thiên hạ vẫn cho rằng và cả chính chúng ta cũng còn nghi hoặc: CNXH không chấp nhận kinh tế thị trường và kinh tế thị trường chỉ phù hợp với chế độ tư bản. Nhưng hiện nay chúng ta đã có đủ cơ sở lý luận và thực tiễn để phát triển nền kinh tế Việt Nam vừa theo cơ chế thị trường, nhưng đồng thời vẫn bảo đảm định hướng XHCN. Đây không phải là hai tính chất rời rạc, gán ghép cơ học, miễn cưỡng mà đã thực sự hòa quyện với nhau. Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của nước ta phù hợp với giai đoạn quá độ trên con đường đi lên CNXH theo Cương lĩnh của Đảng. Đặc trưng của nền kinh tế này là bảo đảm công bằng xã hội trong từng kế hoạch và chính sách phát triển; bảo đảm hài hòa giữa an sinh, tiến bộ xã hội với phát triển mạnh mẽ về kinh tế.
Thành quả của công cuộc Đổi mới
- Còn về chính trị, lĩnh vực vốn được coi là khó, nhạy cảm trong quá trình hội nhập quốc tế, thưa ông?
- Về chính trị, Hiến pháp tiếp tục khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước, xã hội, nhưng đồng thời Hiến pháp quy định Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Đây không phải là quan điểm mới, nhưng lần này chúng ta khẳng định rõ ràng, minh bạch trong Hiến pháp: Đảng lãnh đạo Nhà nước theo hiến định nhưng không đứng trên pháp luật. Đó là tiền đề quan trọng để chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.
Nhà nước pháp quyền là giá trị phổ quát, nhiều quốc gia cùng theo đuổi, nhưng với ta thì Nhà nước pháp quyền ấy mang tính chất XHCN. Nói cách khác, Nhà nước pháp quyền không đối lập với chủ nghĩa xã hội. Nếu chúng ta lại đặt Đảng trên cả pháp luật thì sẽ không còn Nhà nước pháp quyền, đồng nghĩa với việc chế độ XHCN đối lập với Nhà nước pháp quyền và cũng không còn tính hội nhập quốc tế nữa? Nhà nước pháp quyền XHCN là một minh chứng cho thấy chúng ta đã tìm ra sự hài hòa giữa đặc trưng của chế độ XHCN với tính phổ quát của nền chính trị hiện đại quốc tế.
- Bàn về Hiến pháp không thể không nhắc tới quyền con người, quyền công dân - nội dung được ghi nhận ngay từ bản Hiến pháp đầu tiên, nhưng đến Hiến pháp 2013, chúng ta lần đầu tiên có chương riêng về quyền con người…?
- Điểm mới của Hiến pháp 2013 là chúng ta đã khẳng định rõ ràng quan điểm: quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế bởi luật (thay vì pháp luật như trước đây) trong một số trường hợp cần thiết với những lý do được quy định cụ thể trong Hiến pháp). Thực tế trong công cuộc đổi mới đất nước, chúng ta từng bước phát triển hệ thống pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và xã hội, đồng thời cố gắng thực hiện đúng những yêu cầu, cam kết về quyền con người, quyền công dân theo nhận thức chung của nhân loại tiến bộ. Nhưng chúng ta chưa đạt được sự hài hòa hoàn chỉnh giữa thể chế XHCN với pháp luật quốc tế. Hiến pháp 2013 đã làm được điều đó. Đây là một bước tiến bộ lớn có ý nghĩa lịch sử.
Cho nên, việc ban hành Hiến pháp 2013 không chỉ là kết quả hoạt động của QH Khóa XIII, không phải thành quả riêng của QH. Hiến pháp 2013 phải được xem là thành quả của quá trình 30 năm đất nước thực hiện công cuộc Đổi mới.
Trên cơ sở tổng kết lý luận và thực tiễn đúc kết được từ quá trình đổi mới đất nước, chúng ta đã từng bước hoàn thiện Nhà nước XHCN Việt Nam, tạo tiền đề để QH Khóa XIII ban hành Hiến pháp 2013 trên một tầm cao mới. Bởi vậy, đây là thành tựu đáng tự hào của cả dân tộc và chế độ XHCN Việt Nam.
- Xin cảm ơn ông!