Hé mở lịch sử "Nghệ thuật hiện đại Đông Dương"

Cuốn sách “Nghệ thuật hiện đại Đông Dương” của chuyên gia nghệ thuật hiện đại châu Á Charlotte Aguttes-Reynier ra mắt độc giả, mở đầu các điểm nhấn hướng tới 100 năm thành lập Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.

​Sáng 11.1, tại Hà Nội, Viện Pháp Việt Nam, Hiệp hội Nghệ sĩ châu Á tại Paris, Nhà đấu giá Aguttes, Nhà xuất bản In Fine éditions d’art, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Công ty Viet Art View phối hợp tổ chức ra mắt tại Việt Nam cuốn sách “Nghệ thuật hiện đại Đông Dương” - ấn phẩm đầu tiên đề cập một cách toàn diện vai trò của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật.

Hé lộ lịch sử
Cuốn sách “Nghệ thuật hiện đại Đông Dương” đề cập vai trò của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật

Được viết bằng ba thứ tiếng, cuốn sách hé lộ một phần của lịch sử nghệ thuật quốc tế đã bị che khuất suốt hơn 70 năm qua. Từ Inguimberty đến Alix Aymé, từ Nguyễn Phan Chánh đến Vũ Cao Đàm, qua Mai Trung Thứ và Lê Phổ, dù là giáo viên hay sinh viên, họ vẽ, sơn, điêu khắc, cho ra đời các tác phẩm sơn mài, các triển lãm... Điều hành bởi Victor Tardieu và sau đó là Evariste Jonchère, từ năm 1925 - 1945, ngôi trường này đã trải qua một thời kỳ thi đua nghệ thuật vô cùng sôi nổi, khơi nguồn cho sự canh tân nghệ thuật hiện đại Việt Nam.

Thông qua 432 trang sách, tác giả Charlotte Aguttes-Reynier đã nói về những đóng góp của ngôi trường tới lịch sử nghệ thuật quốc tế, và chia sẻ thành quả sau 10 năm kinh nghiệm nghiên cứu và chuyên môn của bà về nghệ thuật hiện đại Việt Nam. Trong cùng tác phẩm, chuyên gia trong lĩnh vực nghệ thuật hiện đại châu Á đã viết về những nhân vật chính của trường trong giai đoạn nổi bật từ năm 1925 - 1945, đến những triển lãm được tổ chức tại Hà Nội, Sài Gòn hay Paris và sự đón nhận của giới phê bình nghệ thuật.

319 hình ảnh minh họa, 28 tiểu sử của sinh viên và giáo viên cùng nhiều tài liệu lưu trữ trở thành nòng cốt cho những luận điểm của bà. Tác giả cũng mở cho độc giả cánh cửa dẫn tới nhiều bộ sưu tập tư nhân và bảo tàng…

Hé lộ lịch sử
Tác giả Charlotte Aguttes-Reynier nói về những đóng góp của ngôi trường tới lịch sử nghệ thuật quốc tế, và chia sẻ thành quả sau 10 năm kinh nghiệm nghiên cứu về nghệ thuật hiện đại Việt Nam

Bà Sophie Maysonnave, Giám đốc Viện Pháp tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam và Pháp từng chia sẻ quá khứ chung, “duyên phận” mà bất chấp lịch sử thăng trầm vẫn còn đó như một trong những bệ đỡ cho cộng đồng Pháp ngữ và tạo thành sức mạnh liên kết giữa hai quốc gia. Văn hóa và giáo dục Pháp đã để lại dấu ấn sâu sắc trong xã hội Việt Nam. Ảnh hưởng đó được thể hiện rõ trong lĩnh vực kiến trúc, xây dựng, như ở Hà Nội, Sài Gòn, Đà Lạt..., cũng như qua việc thành lập các trường đại học ở Đông Dương, trong đó Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử nghệ thuật Việt Nam...

Cuốn sách "Nghệ thuật hiện đại Đông Dương" của Charlotte Aguttes-Reynier là một tác phẩm quý báu, tôn vinh những đóng góp và thành tựu của các giảng viên, sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương trong quá trình đặt nền móng, xây dựng, phát triển nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam.

Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi chia sẻ: "Tôi rất vui mừng và xúc động vì một người Pháp đã quan tâm đến nền mỹ thuật của chúng ta. Dĩ nhiên là sách bây giờ với nền nghệ thuật ở Việt Nam vẫn hiếm hoi, sách mỹ thuật còn phải đẹp. Cuốn sách "Nghệ thuật hiện đại Đông Dương" đáp ứng những yêu cầu đó và cung cấp nhiều tài liệu mà chúng ta chưa từng thấy. Bên Pháp có những lưu trữ rất tốt và tôi hy vọng những nghiên cứu của Charlotte sẽ giúp chúng ta hiểu sáng tỏ hơn về nền nghệ thuật mà trước đây chúng ta chưa được biết rõ".

Văn hóa - Thể thao