Họa sĩ Tạ Huy Long là người mê lịch sử và mê cả truyện tranh. Về lịch sử, anh đã vẽ minh họa cho những tác phẩm như Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Lược sử nước Việt bằng tranh… và những quyển sách cổ như Lĩnh Nam chích quái, Nam Hải dị nhân liệt truyện… Tạ Huy Long còn tự lấy ra những hồi ức tuổi thơ của mình trong phố cổ Hà Nội để làm thành tập tranh truyện Cửa sổ. Tác phẩm công phu nhất và nói được nhiều về phong cách dựng đại cảnh Tạ Huy Long, vừa bao quát vừa tỉ mỉ, là tập Lược sử nước Việt bằng tranh. Phần lời chỉ là những câu kể ngắn gọn sơ lược, nhưng phần tranh thì mỗi bức hình là một đại cảnh, trong đó cùng lúc kể nhiều câu chuyện và tái hiện nhiều số phận.
Về truyện tranh, Tạ Huy Long được biết đến nhiều qua bản vẽ minh họa màu Dế mèn phiêu lưu ký. Anh nhiều lần vẽ minh họa cho tác phẩm kinh điển này của nhà văn Tô Hoài, thậm chí còn làm cả tranh truyện khổ lớn, nhưng bản hoành tráng nhất là minh họa khổ 18x25cm. Trước đây Dế mèn phiêu lưu ký đã có những minh họa mẫu mực của Ngô Mạnh Lân, Trương Qua và một số họa sĩ khác. Bản minh họa của Tạ Huy Long tiếp bước thế hệ họa sĩ đi trước, đồng thời có một lối đi riêng, cập thời hơn để tiếp cận người đọc hôm nay.
Năm 2023 này, Tạ Huy Long cho ra mắt tập truyện tranh Hành trình sáng tạo chữ quốc ngữ. Tên sách nghe khô khan, tưởng như không gợi được ý tưởng cho hình khối, đường nét và màu sắc. Vậy mà họa sĩ đã nhìn thấy được trong đó rất nhiều hình ảnh và dựng lên cả không khí xã hội một thời. Xuất phát từ luận án tiến sĩ Lịch sử ngữ pháp và chữ viết hệ Latinh của Phạm Thị Kiều Ly, bảo vệ tại đại học Sorbonne năm 2018, Tạ Huy Long huy động cảm hứng để làm ra một quyển truyện tranh sinh động. Họa sĩ đã tham khảo những chuyên gia lịch sử, tôn giáo, dân tộc học, thậm chí là cả trang phục một thời đã qua để làm thành truyện tranh. Ngay cả với màu sắc, họa sĩ cũng đầy ý thức khi lựa chọn chỉ có hai màu: “Màu xanh cây già - màu của cây lá nhiệt đới, của áo thầy tu bạc màu. Màu nâu sepia - màu của đất đai màu mỡ và da người cháy nắng”. Hiệu quả đã thấy rõ khi người đọc lật giở những trang truyện tranh về quá trình truyền giáo và sáng tạo ra chữ quốc ngữ của các linh mục phương Tây, mà Alexandre de Rhodes ở vị trí trung tâm.
Phần đầu được thể hiện theo phương pháp truyện tranh về cuộc đời của giáo sĩ dòng Tên Alexandre de Rhodes mà giáo dân Việt "gọi tôi là cha Đắc Lộ”. Phần sau thì tranh được sử dụng làm minh họa cho tư liệu về quá trình phát triển của chữ quốc ngữ cho đến khi chính thức trở thành văn tự của Việt Nam.
Người xem truyện tranh sẽ được biết cha Đắc Lộ sinh năm 1593 ở Avignon, miền Nam nước Pháp, và mất năm 1660 ở Esfahan, Iran, khi đang tham vọng truyền đạo Cơ Đốc ở xứ Hồi giáo nghiêm ngặt. Ông đến xứ An Nam trong thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh, đất nước đang chia cắt ở hai bên bờ sông Gianh. Từ Đằng Ngoài không thể qua sông Gianh đi thẳng vào Đằng Trong, cha Đắc Lộ phải đi vòng sang Ma Cao mới vào được Đằng Trong. Công việc truyền giáo trải qua rất nhiều khó khăn trước khi thu nạp được nhiều giáo dân. Các cha đi trước và cha Đắc Lộ đã học tiếng Việt, tìm cách ghi lại bằng mẫu tự Latinh, làm cho việc truyền giảng giáo lý trở nên dễ dàng hơn. Như vậy tiếng Việt từ chỗ là chữ tượng hình đã chuyển sang dùng ký tự Latinh cho dễ học dễ nhớ.
Cuốn sách cũng làm rõ một số điểm mờ của lịch sử, khi chỉ rõ Đắc Lộ không phải là người duy nhất sáng tạo ra chữ quốc ngữ, mà ông còn thừa kế kiến thức của hai linh mục đi trước để biên soạn bộ Từ điển Việt - Bồ - La.
Việc truyền đạo và dạy chữ của Đắc Lộ tưởng như xuôi thuận, nhưng rồi do thành kiến tôn giáo, và những lý do chính trị xã hội lúc bấy giờ, ông đã bị bắt giam nhiều lần, bị trục xuất bốn lần, rồi đến năm 1645 thì bị chúa Nguyễn trục xuất vĩnh viễn.
Như đã nói, Tạ Huy Long đã “truyện tranh hóa” một bản lược thuật của luận án tiến sĩ. Văn bản nghiên cứu đã được người viết và họa sĩ làm cho sinh động và dễ tiếp nhận hơn, không chỉ với người đọc thiếu nhi mà cả với những ai còn ít biết về việc Alexandre de Rhodes góp phần mang ký tự Latinh đến cho tiếng Việt. Phần lời công phu, thêm sự trợ giúp của các chuyên gia nhiều lĩnh vực đã giúp họa sĩ tư duy bằng hình ảnh và màu sắc, tạo tình huống và đối thoại cho các nhân vật. Rất nhiều chỗ ngôn từ đã thoát lên thành hình ảnh sống động và thú vị. Chẳng hạn ta vẫn biết tiếng Việt phổ thông có sáu thanh điệu, lên bổng xuống trầm, trong tai người phương Tây thì nghe ríu rít như chim hót. Vậy là ở trang 26: “Những ngày đầu tới Đằng Trong, Đắc Lộ gần như mất hy vọng có thể học được tiếng xứ này”, họa sĩ Tạ Huy Long đã vẽ những người Đằng Trong xung quanh vị cha đạo đều hóa thành… chim. Trang phục quần áo của con người, nhưng họ là chim: hai con chim ăn mặc thường dân hỏi “Ông tới đây làm gì?” và giới thiệu: “Chuối xứ tôi ngon lắm”. Hai con chim váy áo tứ thân là hai mụ đàn bà đang cãi cọ chí chóe, một thằng bé là con chim trên cây nhìn xuống bình luận: “Đang gay cấn”. Một con chim ăn mặc như một ông quan đội mũ cánh chuồn, cưỡi ngựa đi qua mắng: “Các mụ có thôi đi không”. Tiếng Việt đấy, đúng là như chim hót, làm ông cha đạo mới bắt đầu công cuộc truyền giáo nghe mà ù cả tai.
Như vậy, một đề tài tưởng như xa lạ với truyện tranh đã được làm cho mềm đi, được hóa thành đường nét và màu sắc, được đưa vào hơi thở cuộc sống một thời, được điểm thêm cảm xúc. Và đối tượng có cơ hội thu nhận được tất cả những thứ đó chính là người đọc.
Trong văn bản có một số địa danh cần viết lại cho đúng thành Singapore (trang 91), Malacca (trang 118). Nói về giống trong ngôn ngữ thì phải viết là “giống trung” chứ không viết sai như trang 68. Còn ở trang 37 có câu này: “Đắc Lộ vinh dự nhận trách nhiệm lớn lao là mang Hồng ân Thiên Chúa ra Đằng Ngoài”. “Vinh dự” và “lớn lao” hay không thì hãy để người đọc tự cảm nhận cho khách quan, nên tránh những tính từ tụng ca kiểu công thức ngôn ngữ tuyên truyền đối với “đồng chí” Đắc Lộ.
Hồ Anh Thái
__________
* Hành trình sáng tạo chữ quốc ngữ, lời của Phạm Thị Kiều Ly, minh họa của Tạ Huy Long, NXB Kim Đồng 2023.