Ngày 4.11, Trường ĐH Y Hà Nội phối hợp với Hội Hữu nghị Y khoa Pháp - Việt (FSFV) và Đại sứ quán Pháp, tổ chức Hội nghị Y học Pháp - Việt. Đây là sự kiện nổi bật mang tính học thuật trong chuỗi các hoạt động ngoại giao kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp.
Hội nghị Y học Pháp - Việt là diễn đàn học thuật để các cơ sở đào tạo, nghiên cứu và điều trị của hai quốc gia Cộng Hòa Pháp và Việt Nam cùng chia sẻ các kiến thức và tổng kết về nghiên cứu, điều trị, quản lý bệnh lâm sàng của các đơn vị điều trị, qua đó nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị bệnh tật của hai quốc gia, là cầu nối để các nhà khoa học giao lưu học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận với nền y học tiên tiến, theo xu thế của thế giới.
Hội nghị có sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, diễn giả uy tín đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, bệnh viện từ Cộng hòa Pháp như trường đại học, bệnh viện Việt Nam và sự tham dự của hơn 900 đại biểu trong nước và quốc tế.
Những trao đổi đầu tiên về y tế đã gieo mầm cho tình đoàn kết giữa nhân dân 2 nước Pháp - Việt
Phát biểu khai mạc Hội nghị, GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, chia sẻ, Trường ĐH Y Hà Nội trường đại học đầu tiên của Đông Dương, thành lập vào năm 1902 với vị hiệu trưởng đầu tiên là nhà bác học người Pháp, cũng là người thầy thuốc của nhân dân Việt Nam, công dân danh dự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Alexandre Yersin. Trường ĐH Y Hà Nội là cái nôi của nền y học Việt Nam hiện đại, đã không ngừng phát triển lớn mạnh, đào tạo chủ yếu nhân lực y tế chất lượng cao cho đất nước suốt 121 năm qua.
Theo GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Hội nghị Y học Pháp - Việt là cơ hội lớn để các đồng nghiệp Việt Nam và Pháp chia sẻ, cập nhật những thông tin khoa học và đào tạo mới nhất, chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý y tế, trong phòng bệnh, khám chữa bệnh. Hội nghị cũng là cơ hội hội ngộ ý nghĩa, thắt chặt tình bạn, tình thầy trò Pháp - Việt qua nhiều thế hệ, góp phần vun đắp tình hữu nghị của 2 đất nước.
“Hợp tác thiết thực và hiệu quả với các đối tác Pháp đã gắn liền với sự hình thành và phát triển của Trường ĐH Y Hà Nội. Từ đó đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành Y tế Việt Nam. Trường ĐH Y Hà Nội không chỉ là một di tích lịch sử mà còn là một trong những biểu tượng sống động cho tình hữu nghị Việt Nam và Cộng hoà Pháp. Hôm nay, các thầy cô, học viên,sinh viên của nhà trường rất tự hào được chứng kiến sự kiện đặc biệt quan trọng này”, GS.TS Nguyễn Hữu Tú chia sẻ.
Phát biểu tại Hội nghị, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội, Chủ tịch nhóm Nghị sĩ Việt Nam - Pháp, Chủ tịch Hội Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Pháp Nguyễn Thuý Anh cho biết, năm 2023 có ý nghĩa rất đặc biệt đối với 2 nước khi cùng nhau kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược.
50 năm đó đã chứng minh tính đặc thù của một mối quan hệ giữa 2 dân tộc biết vượt qua thăng trầm của lịch sử để cùng hướng tới tương lai, trên cơ sở tình hữu nghị và hợp tác, để trở thành những đối tác đặc biệt quan trọng.
Trong giai đoạn đầy thử thách của lịch sử, chính những trao đổi đầu tiên về y tế đã gieo mầm cho tình đoàn kết, sự gắn bó nhân dân 2 nước Pháp - Việt.
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh, quan hệ đối tác chiến lược dựa trên những trao đổi cụ thể thường xuyên giữa 2 bên Việt Nam - Pháp trong các lĩnh vực, qua nhiều năm càng trở nên sâu sắc. Hiệp định hợp tác liên Chính phủ về Y tế từ năm 1993 - khi Việt Nam đang bị cấm vận đã thể chế hoá các mối liên kết sẵn có, củng cố và đưa hợp tác y tế trở thành một trong những trụ cột chính trong quan hệ giữa 2 nước, góp phần xây dựng quan hệ đối tác chiến lược hiệu quả.
Nhiều dự án đào tạo, trao đổi chuyên gia, kết nối y tế toàn quốc, chương trình thực hành nội trú FFI,… không chỉ góp phần hiện đại hoá hệ thống Y tế Việt Nam mà trên hết cho phép chuyển giao kiến thức và đào tạo một đội ngũ bác sĩ Việt Nam có năng lực.
Khoảng 3.000 thực tập sinh và bác sĩ Việt Nam được đào tạo, thực tập trong khuôn khổ các dự án hợp tác với Pháp, nhiều người trong số đó đã trở thành các chuyên gia xuất sắc trong lĩnh vực của mình, đảm nhận các vị trí lãnh đạo các bệnh viện, trường y, khoa y, đảm nhận trọng trách trong Bộ Y tế, trong đó có nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, GS.TS Nguyễn Hữu Tú - Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội.
Đến nay, các bác sĩ Việt Nam và Pháp, thông qua hành động và cam kết của mình cho các Hiệp hội, các bệnh viện, Viện nghiên cứu và qua sáng kiến cá nhân, đã tiếp tục củng cố mối quan hệ hợp tác gắn bó, góp phần cải thiện dịch vụ y tế ở Việt Nam, quảng bá cho nền y tế Pháp và Việt Nam cũng như tiếng Pháp ở Việt Nam.
“Tôi tin chắc rằng Hội nghị này sẽ tạo một diễn đàn thực sự để trao đổi kinh nghiệm và ý tưởng, chia sẻ các phương pháp làm tốt, đặc biệt là cách đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ, mở ra những triển vọng hợp tác mới giữa 2 nước”, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh chia sẻ.
Pháp đã giúp Việt Nam đào tạo hàng nghìn cán bộ y tế
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, trên cơ sở của Hiệp định Chính phủ về hợp tác trong lĩnh vực Y tế giữa Việt Nam và Cộng hoà Pháp, đã có nhiều thoả thuận hợp tác được ký kết giữa các trường đại học, các bệnh viện của Pháp với các trường đại học, bệnh viện của Việt Nam nhằm đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ và kỹ thuật trong công tác khám chữa bệnh, y học dự phòng, y tế công cộng, hợp tác nghiên cứu khoa học.
Những kết quả của hợp tác này đã hỗ trợ rất lớn cho nền y tế Việt Nam, công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân Việt Nam.
Trong suốt quá trình hợp tác giữa 2 quốc gia, Cộng hoà Pháp đã đào tạo nhiều thế hệ bác sĩ và các cán bộ y tế cho Việt Nam. Chương trình hợp tác y khoa của Pháp đã tiếp nhận các bác sĩ Việt Nam nói tiếng Pháp tại các bệnh viện của Pháp dưới tên gọi chương trình FFI (thực hành nội trú) từ những năm 80 của thế kỷ 20 cho đến năm 2009, sau đó là chương trình DFMS/DFMSA (đào tạo cấp Bằng bác sĩ chuyên khoa và chuyên khoa sâu) từ năm 2010 đến nay, giúp Việt Nam đào tạo khoảng hơn 3.000 bác sĩ.
Bên cạnh đó, chương trình đào tạo sau đại học do các giáo sư, bác sĩ Pháp và Việt Nam giảng dạy tại các trường ĐH Y Dược khác nhau tại một số tỉnh thành phố như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Huế, Hải Phòng cũng đã đào tạo trên 1.500 bác sĩ Việt Nam với sự tham gia của hàng trăm giảng viên tới từ Cộng hoà Pháp. Nhiều bác sĩ được đào tạo tại Pháp sau khi về nước đã trở thành những giáo sư, bác sĩ giỏi, các chuyên gia y tế đầu ngành, rất nhiều trong số đó đã và đang là những lãnh đạo chủ chốt của ngành y tế Việt Nam.
Bên cạnh đó, hàng năm, cũng có hàng chục bác sĩ của Pháp và hàng trăm sinh viên của Pháp sang công tác, làm việc, thực tập tại các trường đại học, bệnh viện và các cơ sở y tế của Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, trong quan hệ hợp tác giữa các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế Việt Nam với các đối tác tương ứng của Cộng hoà Pháp, Trường ĐH Y Hà Nội là một điểm nhấn đặc biệt khi ngay từ những năm 90 của thế kỷ trước đã sớm có các hợp tác với các đối tác, bao gồm hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu và các viện, trường của Cộng hoà Pháp về các chương trình đào tạo, nghiên cứu.
Trong lĩnh vực y học dự phòng và y tế công cộng, hai bên đã có nhiều hợp tác trong phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là mạng lưới các viện Pasteur đã hỗ trợ Việt Nam rất hiệu quả trong phòng chống các bệnh dịch nguy hiểm và các bệnh dịch truyền nhiễm mới nổi, trong đó có đại dịch Covid-19. Đối với công cuộc phòng chống dịch HIV/AIDS, lao và sốt rét, Pháp cũng hỗ trợ VN hàng chục triệu USD thông qua quỹ toàn cầu.
Thứ trưởng nhấn mạnh, Hội nghị là cơ hội tốt để các nhà khoa học 2 bên cùng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và cùng nhau đề ra những triển vọng hợp tác mới trong tương lai.
“Tôi đánh giá cao sự nỗ lực, các đóng góp của các giáo sư, bác sĩ, cán bộ, chuyên gia của Pháp cũng như Việt Nam và hy vọng các bạn sẽ là những cầu nối để đưa 2 đất nước gần nhau hơn, không chỉ trong lĩnh vực y tế mà còn trong nhiều lĩnh vực khác.
Trong thời gian tới, tôi đề nghị 2 bên sẽ tiếp tục cùng nhau nghiên cứu và xây dựng các chương trình, thoả thuận hợp tác trong lĩnh vực y tế, đặt nền tảng cho sự phát triển và hợp tác về y tế giữa 2 quốc gia trong thời kỳ mới”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho hay.
Hội nghị Y học Pháp - Việt diễn ra trong một ngày (4.11), chương trình gồm 2 phiên. Phiên toàn thể với các chủ đề chính: (1) Hợp tác Y tế Pháp-Việt: Lịch sử lâu dài và các sự kiện hiện tại của Hội Hữu nghị Y khoa Pháp-Việt (FSFV) (2) 50 năm hợp tác đào tạo Y khoa Pháp-Việt tại Đại học Y Hà Nội (3) Kỹ thuật số và sức khỏe: Thách thức năm 2023.
Ngoài ra, Hội nghị có 7 phiên hội thảo khoa học với các chủ đề: (1) Chẩn đoán hình ảnh, (2) Sức khỏe chu sinh, Sản Phụ khoa, (3) Ung thư Nhi khoa, (4) Sức khỏe Tâm thần, (5) Nội - Ngoại khoa, (6) Hệ thống Y tế và Biến đổi môi trường, (7) Gây mê Hồi sức.
Hội nghị có tổng số 44 báo cáo trong đó có: 29 báo cáo viên Pháp là các Bác sỹ, các giảng viên, nhà khoa học đến từ các Trường đại học và Bệnh viện Trường đại học uy tín cộng hòa Pháp: Bệnh viện Đại học Y Montpellier, Bệnh viện Saint Louis, Đại học AP-HP GH Paris Saclay, Đại học Versailler Saint Quentinen Yvelines, Paris Saclay, Đại học Rennes, Hội Sản Phụ Pháp… và 20 báo cáo viên từ Trường Đại học Y Hà Nội, các Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Nhi trung ương, Bệnh viện Việt Pháp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh…