Quy mô nhỏ, chưa có cơ chế phối hợp
Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh cho biết, với đặc thù địa hình nước ta trải dài, hàng không có nhiều ưu thế hơn và được coi là bệ phóng của ngành du lịch, thu hút đầu tư, giao thương, quan hệ quốc tế...
Ngành hàng không tăng trưởng thúc đẩy phát triển du lịch, tạo cơ hội cho hành khách khám phá những điểm đến mới. Ở chiều ngược lại, du lịch đóng vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển của hàng không, từ việc hình thành nhu cầu cho dịch vụ, đóng góp cho sự phát triển kinh tế, đến việc tạo ra cơ hội cho sự đổi mới và cải tiến.
Tuy nhiên, theo ông Lê Quốc Minh, hiện nay, việc hợp tác giữa hàng không và du lịch chủ yếu là Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, các hãng hàng không, địa phương, công ty du lịch tự bắt tay liên kết. Việc hợp tác này hầu hết ở quy mô nhỏ, mang tính sự vụ, chưa có cơ chế phối hợp, hợp tác ở quy mô lớn để thực hiện điều phối việc hợp tác, liên kết giữa các cơ quan, đơn vị liên quan.
“Chúng tôi cho rằng, việc liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp trong ngành hàng không và du lịch hết sức khó khăn, bởi các doanh nghiệp luôn có sự cạnh tranh khốc liệt. Vấn đề hợp tác giữa hai ngành hàng không - du lịch được xem xét không chỉ ở mức độ cùng quảng bá, đưa ra các gói khuyến mại mà cần xây dựng kế hoạch tổng thể, quy mô cấp quốc gia và phân kỳ để có tác động dài lâu”, ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cũng cho rằng, mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, song thực tế phát triển du lịch vẫn còn một số thách thức, tác động đến hoạt động của cả hai ngành du lịch và hàng không trong bối cảnh hiện nay. Đó là nhu cầu của khách du lịch quốc tế đến những điểm đến xa giảm dần; sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt giữa các điểm đến trong cùng khu vực; nhu cầu đi lại của khách du lịch bằng đường hàng không thể hiện tính mùa vụ ngày càng rõ rệt... Những xu hướng này tạo ra thách thức đối với cả hai ngành du lịch và hàng không...
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho biết, những năm vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp tổ chức các hội thảo: “Hợp tác hàng không - du lịch: Kết nối điểm đến toàn cầu”; “Hợp tác hàng không - du lịch: Giải pháp thu hút khách quốc tế”... Bên cạnh đó, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đã tham gia đóng góp ý kiến, đề xuất tại nhiều sự kiện, hội nghị liên quan đến liên kết giữa hàng không và du lịch ở nhiều địa phương.
Qua đó, có thể khẳng định, quan hệ hợp tác giữa du lịch và hàng không đã có nền tảng vững chắc. Hai ngành luôn sẵn sàng hỗ trợ, liên kết nhằm mục tiêu chung đưa hình ảnh, vẻ đẹp Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế, thu hút thêm nhiều khách quốc tế đến Việt Nam; tăng cường phục vụ Nhân dân trong nước, thúc đẩy phát triển du lịch nội địa, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế đất nước.
Xây dựng cơ chế hợp tác, liên kết
Tại hội thảo, các diễn giả đã phân tích, cung cấp cái nhìn toàn cảnh về sự phát triển của ngành hàng không, du lịch hiện nay, chỉ ra những khó khăn, thách thức và cơ hội, triển vọng trong tương lai để cùng đưa ra những giải pháp nhằm đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế đất nước.
Theo các diễn giả, trên thực tế, giữa các doanh nghiệp trong ngành hàng không và du lịch luôn có sự cạnh tranh gay gắt, nhiều liên kết phát triển hàng không - du lịch đã bị phá vỡ bởi sự xung đột quyền lợi trong nội bộ một bên, hoặc sự xuất hiện của bên thứ ba. Các chuyên gia kinh tế nhận định, trước khi tìm giải pháp để tăng cường liên kết, hợp tác giữa hai ngành này, phải tìm được cơ chế kiểm soát trong chính nội bộ ngành. Điều này rất cần vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành là Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng các tổ chức xã hội - nghề nghiệp liên quan.
Để hướng tới hành động thực chất, trong khuôn khổ hội thảo, các hãng hàng không và các địa phương đã đề xuất giải pháp tăng cường liên kết, thu hút du khách và kích cầu du lịch nội địa. Vietnam Airlines cam kết sẽ cung ứng gần 1 triệu chỗ bay đêm, khởi hành sau 21 giờ và trước 6 giờ hàng ngày trên nhiều đường bay nội địa, với mức giá khuyến mại hấp dẫn.
Vietnam Airlines cũng xây dựng cơ chế hợp tác với ngành du lịch địa phương nhằm tạo ra sản phẩm hướng tới khách du lịch nội địa ngay trong cao điểm hè này. Theo đó, hãng đã đề xuất tới các tỉnh, thành phố kêu gọi, giới thiệu tới các công ty lữ hành - du lịch, cơ sở lưu trú, khu vui chơi, điểm tham quan… trên địa bàn mình cùng tham gia vào chiến dịch kích cầu các chuyến bay đêm. Đồng thời, công bố danh sách cơ sở cung ứng dịch vụ trên các phương tiện truyền thông để khách hàng nhận biết và chủ động đặt dịch vụ.
Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa là 2 địa phương đầu tiên đồng hành trong chiến dịch này của Vietnam Airlines. Theo thỏa thuận, từ nay đến cuối năm, Vietnam Airlines và các địa phương hợp tác phát động chương trình kích cầu du lịch, hãng hàng không triển khai thêm sản phẩm bay giờ sáng sớm và tối muộn với mức giảm lên đến 30% giá vé so với mức giá các chuyến bay vào giờ thông thường...