Đến năm 2025 có 70% HTX hoạt động hiệu quả, thành lập mới 300 HTX
UBND TP. Hà Nội vừa có Quyết định số 4381/QĐ-UBND, phê duyệt Đề án hỗ trợ, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, Thành phố quy định cụ thể cơ chế, chính sách hỗ trợ, gồm: nâng cao năng lực, nhận thức cho khu vực kinh tế tập thể; thành lập mới HTX, liên hiệp HTX; củng cố tổ chức kinh tế tập thể, HTX; hỗ trợ HTX, Quỹ tín dụng nhân dân chuyển đổi số; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; tiếp cận nguồn vốn hoạt động sản xuất, kinh doanh; đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm…
Thông qua các cơ chế, chính sách hỗ trợ, Thành phố phấn đấu đến năm 2025, có 100% HTX hoạt động theo đúng quy định của Luật HTX năm 2012, có 70% HTX hoạt động hiệu quả; thành lập mới 300 HTX, 10 liên hiệp HTX; hoàn thiện và nhân rộng từ 24 mô hình HTX kiểu mới hiệu quả trở lên.
Mục tiêu đến năm 2030, Thành phố phấn đấu có hơn 3.000 HTX; 100% HTX, Quỹ tín dụng nhân dân, liên hiệp HTX hoạt động theo quy định của Luật HTX; số HTX hoạt động loại tốt, khá chiếm từ 70% trở lên; thành lập mới từ 1.000 HTX và 15 liên hiệp HTX trở lên; củng cố từ 1.200 HTX trở lên.
19 HTX thí điểm nhân rộng mô hình HTX kiểu mới
Tháng 12.2022, UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 4764/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh sách các HTX thí điểm tham gia Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn TP. Hà Nội.
HTX tham gia Đề án này phải thực hiện các điều kiện như hoạt động theo quy định Luật HTX năm 2012; đang hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển theo các mô hình được đề án lựa chọn; bảo đảm tỷ lệ cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho các thành viên theo quy định của pháp luật; kinh doanh hiệu quả, có lãi liên tục trong 3 năm tài chính gần nhất.
Theo quyết định, UBND TP. Hà Nội chọn 19 HTX thí điểm tham gia đề án. Có thể kể đến HTX Nông nghiệp Tam Hưng (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai); HTX Chăn nuôi dịch vụ tổng hợp Hòa Mỹ (xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa); HTX Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết (xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa); HTX Quản lý và cung cấp dịch vụ nhà ở Thụy Điển (quận Cầu Giấy); HTX Cổ Nhuế (quận Bắc Từ Liêm); HTX Sản xuất và Dịch vụ Đa Phúc (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai); HTX Nông nghiệp xã Vân Nam (xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ)…
Việc xây dựng các mô hình HTX kiểu mới nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tạo sức hút để người dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia liên kết với HTX. Từ đó, làm cơ sở để nhân rộng các mô hình HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả trong nhiều lĩnh vực, thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể, HTX phát triển.
Xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất - chế biến - phân phối - tiêu dùng
Trong bối cảnh hiện nay, các HTX muốn phát triển bền vững buộc phải nâng cao chất lượng hàng hoá, sản phẩm để phục vụ người tiêu dùng. Muốn làm tốt việc này thì xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất - chế biến - phân phối - tiêu dùng là tất yếu; hàng hóa phải đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc.
Tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, HTX Dịch vụ tổng hợp Hòa Bình hiện đang thu hút khoảng 500 thành viên tham gia với tổng diện tích sản xuất 53,8ha, riêng rau vụ xuân 22ha, trong đó có 11,7ha đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Trịnh Văn Vĩnh, Giám đốc HTX Hòa Bình cho biết, năm 2008, quận Hà Đông đã đầu tư hệ thống nước sạch để sản xuất rau an toàn (RAT), đồng thời phối hợp cùng với HTX triển khai mô hình rau an toàn trên toàn diện tích sản xuất.
Ban đầu, HTX gặp rất nhiều khó khăn, vai trò chính của HTX là chuẩn bị khâu tổ chức, chỉ đạo người dân sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm. Song, nhờ sự nỗ lực của các cấp lãnh đạo phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Ban Giám đốc và thành viên HTX, thương hiệu rau an toàn Hòa Bình đã tạo dựng được niềm tin cho người tiêu dùng. Đến nay, HTX Hòa Bình sản xuất các loại rau, củ, quả cung cấp ra thị trường khoảng 640 tấn/năm, doanh thu gần 4 tỷ đồng.
Ông Trịnh Văn Vĩnh cũng cho biết, đa phần đầu ra của bà con hiện nay đều khá thuận lợi. HTX Hòa Bình đang thu mua tiêu thụ khoảng 20% sản lượng rau của gia đình, trong đó rau VietGAP luôn bán được cao hơn RAT trung bình khoảng 1.000 đồng/kg. Nếu giá cả thuận lợi, nhiều hộ dân có thể thu lãi lên tới hơn chục triệu đồng mỗi tháng. Với sự phát triển nhu cầu thị trường ngày càng cao, HTX đã kết nối bao tiêu sản phẩm rau an toàn cho nông dân, cung cấp cho 30 trường học mầm non trên địa bàn quận Hà Đông và một số công ty. Mỗi ngày, HTX xuất bán từ 8 tạ đến 1 tấn sản phẩm rau, củ, quả.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, để hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX mở rộng thị trường xuất khẩu rau, củ, quả, ngành nông nghiệp Hà Nội tiếp tục mở các lớp tập huấn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản về các quy định về bảo đảm chất lượng, kiểm soát thực phẩm xuất, nhập khẩu; tuyên truyền về các hiệp định FTA, EVFTA, CTPP, các rào cản thị trường nước ngoài… Mặt khác, hỗ trợ các cơ sở chế biến sản phẩm nông sản áp dụng hệ thống chứng nhận chất lượng quốc tế (ISO, HACCP) nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu và thị trường trong nước.