
Dọc các tuyến đường quốc lộ hay những đường liên xã, liên huyện... không khó để bắt gặp hình ảnh những người nông dân đang vắt vẻo ở trên cây để hái tiêu.
Bà H'Liăp Niê, trú xã Cuôr Dăng (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, gia đình bà có khoảng 800 trụ tiêu trồng xen với cây cà phê. Năm 2024 sản lượng thu hoạch 1,5 tấn. Tuy nhiên, năm nay sản lượng giảm mạnh chỉ còn khoảng 1 tấn. Vụ mùa năm nay, hồ tiêu trong vùng không sai quả nhưng nhiều gia đình phấn khởi khi bù lại giá cả hồ tiêu tăng cao và duy trì ở mức khoảng 160 nghìn đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất trong gần 10 năm qua.

Bà H'Liăp chia sẻ thêm, thời điểm năm 2016 hồ tiêu có giá trên 200 nghìn đồng/kg, đây được xem là thời kỳ "đỉnh cao" của loại cây này. Tuy nhiên, sau đó giá hồ tiêu giảm dần xuống mức dưới 50 nghìn đồng/kg khiến nhiều nông dân không còn mặn mà với cây hồ tiêu. Riêng gia đình tôi, vì trồng xen với cây cà phê và các cây trồng khác bù lại nên vẫn duy trì diện tích cây hồ tiêu.
Tương tự, chị Phạm Thị Diễm Ly, trú tại buôn Dhung, xã Ea Mdroh (huyện Cư M’gar) chia sẻ, giá hồ tiêu tăng là điều đáng mừng nhưng nếu sản lượng tiếp tục giảm thế này, nông dân sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tái đầu tư sau thu hoạch. Như gia đình chị trồng hơn 500 trụ tiêu trên diện tích 1ha, năm 2024 thu hoạch 1,8 tấn tiêu khô, nhưng năm nay chỉ đạt khoảng 1,3 tấn.

Không chỉ đối mặt với sản lượng sụt giảm, nhiều nông hộ còn gặp khó khăn trong việc tìm nhân công thu hái. Chị Phạm Thị Huyền (huyện Cư Kuin, Đắk Lắk) cho hay, tiêu đã chín đỏ trên cây, nhưng gần 2 tuần nay gia đình chưa tìm được người hái. Nguyên nhân, nhiều lao động ở địa phương đã chuyển sang làm việc tại các công ty, xí nghiệp, chính vì vậy gia đình chị đành tự hái. Thậm chí phải tăng tiền công từ 250 nghìn đồng/ngày lên 300 nghìn đồng/ngày để thu hút nhân công trước khi mùa mưa đến.

Theo chị Huyền, hái tiêu là công việc đòi hỏi sự kiên trì, chịu khó bởi một ngày trung bình mỗi người chỉ hái được từ 4-5 cây. Do đặc thù tiêu là cây thân leo bám trên trụ cây sống hoặc trụ gỗ, bê-tông có chiều cao từ 5-6m. Đặc biệt, người hái không sợ độ cao, chịu được nắng gió vì phải vắt vẻo trên cây tiêu cả ngày. Chính vì thế giá nhân công cũng cao hơn hái cà phê.
Cư Kuin là địa phương có diện tích hồ tiêu lớn nhất tỉnh Đắk Lắk với khoảng 4.700ha hồ tiêu đang trong giai đoạn kinh doanh. Năng suất bình quân tại khu vực này đạt trên 3,2 tấn/ha, sản lượng bình quân hàng năm đạt trên 15.000 tấn.
Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Cư Kuin Nguyễn Cảnh Danh cho biết, những năm gần đây giá hồ tiêu ở mức cao đã giúp người dân yên tâm tái đầu tư sản xuất. Chính quyền cũng khuyến cáo nông dân không nên ồ ạt mở rộng diện tích, tiếp tục đầu tư canh tác diện tích hiện có theo hướng hữu cơ, bền vững.

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, diện tích hồ tiêu cả nước năm 2023 đạt 115.000ha, giảm 4,2% so với năm 2022 và giảm 24,3% so với năm có diện tích cao nhất là năm 2017 khoảng 151.900ha. Theo quy hoạch của ngành nông nghiệp, dự kiến diện tích hồ tiêu có thể giảm xuống còn khoảng 110.000ha trong thời gian tới. Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng thời tiết, sâu bệnh hại và giá tăng mạnh của một số mặt hàng nông sản khác như sầu riêng, cà phê, cùng với chi phí duy trì sản xuất hồ tiêu ngày càng tăng cao.