Ôn tập bám sát với đề thi minh họa tốt nghiệp THPT
Theo cô Thanh Hương, để tránh ôn tập lan man, không có trọng điểm các thí sinh cần ôn tập bám sát với đề thi minh họa tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT. Từ bài thi minh hoạ, học sinh cần phân tích cấu trúc đề thi để nắm được các dạng bài, kèm theo đó là khối lượng kiến thức xuất hiện trong từng dạng bài và mức độ khó của từng câu hỏi (nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao).
Cụ thể, đề minh họa tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh năm 2023 có 50 câu hỏi trắc nghiệm, tương ứng với 10 dạng bài gồm: Tìm từ có cách phát âm khác; Tìm từ có trọng âm khác; Hoàn thành câu; Hoàn thành hội thoại; Tìm từ đồng nghĩa/ trái nghĩa; Phát hiện lỗi; Hoàn thành đoạn văn; Đọc hiểu; Tìm câu đồng nghĩa; Kết hợp câu.
Các dạng bài trên bao trùm các chuyên đề ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, kỹ năng đọc, kỹ năng viết. Trong đó học sinh luyện phần ngữ âm cần chú trọngcác âm nguyên âm đơn, các âm phụ âm, trọng âm từ 2 âm tiết, 3 âm tiết.
Đối với kiến thức từ vựng, các em hãy xây dựng một quỹ từ thuộc chủ đề có trong chương trình giáo dục THPT tổng thể. Ngoài ra học sinh cần nắm được kiến thức về từ loại (danh từ, động từ, tính từ, trạng từ), từ gây nhầm lẫn, cụm động từ, cụm từ cố định, thành ngữ.
Về kiến thức ngữ pháp các thí sinh cần nắm rõ cách dùng, cách phân biệt mạo từ, đại từ, tính từ sở hữu, giới từ, từ nối, sự kết hợp thì trong mệnh đề thời gian, sự phù hợp chủ ngữ - động từ, dạng động từ, động từ khuyết thiếu, so sánh hơn của tính từ/ trạng từ, câu hỏi đuôi, mệnh đề quan hệ (đại từ quan hệ, trạng từ quan hệ, rút gọn mệnh đề quan hệ), câu điều kiện, đảo ngữ, câu gián tiếp.
Những kỹ năng cần rèn luyện
Để làm tốt bài thi tiếng Anh kỳ thi tốt nghiệp THPT, ngoài kiến thức thí sinh còn cần rèn luyện các kỹ năng. Ví dụ như kỹ năng tổng hợp kiến thức, học sinh nên tự tổng hợp các chuyên đề từ vựng - ngữ pháp dưới dạng sơ đồ hóa, dùng bút đánh dấu những nội dung quan trọng. Việc này sẽ giúp các em học nhớ lâu kiến thức. Một lưu ý khi học từ vựng, học sinh không chỉ ghi lại nghĩa của từ mà còn cả phiên âm, từ loại và ví dụ chứa từ đó.
Kỹ năng phân tích đề là rất quan trọng, khi tiếp nhận đề các em cần đọc qua một lượt. Trong quá trình đọc, học sinh phân tích từng dạng bài, xác định yêu cầu kiến thức ở chuyên đề từ vựng - ngữ pháp hay kỹ năng ngôn ngữ nào.
Ví dụ, ở bài phát hiện lỗi, ba câu hỏi tập trung vào kiến thức về thì động từ, đại từ/ tính từ sở hữu, hai từ cùng gốc dễ gây hiểu nhầm về nghĩa. Khi đã nắm được dạng bài nào tập trung vào nội dung kiến thức gì thì học sinh sẽ tìm được phương án đúng một cách dễ dàng.
Cô Hương cũng lưu ý, thí sinh cần nhận diện câu hỏi theo mức độ. Các câu hỏi trong đề thi được biên soạn ở các mức độ từ dễ đến khó: nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao.
Học sinh cần nhận biết được câu hỏi nào ở mức độ khó nào để phân bổ thời gian làm bài hợp lí cho từng câu hỏi. Ví dụ, các câu hỏi phát âm và trọng âm ở mức độ nhận biết; các câu hỏi về thì động từ, mạo từ ở mức độ thông hiểu; các câu hỏi về cụm động từ, thành ngữ, từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa ở mức độ vận dụng; các câu hỏi về thành ngữ, câu hỏi đọc suy luận ở mức độ vận dụng cao.
Cô Hương cho biết thời điểm này là quãng thời gian học sinh dùng để luyện đề. Trong quá trình làm đề ôn luyện, học sinh nên nhớ “chất lượng hơn số lượng”. Các em không cần làm quá nhiều đề, điều quan trọng là sau mỗi đề các em học được điều gì (kiến thức mới và kinh nghiệm làm bài).
Khi làm đề, học sinh cần làm nghiêm túc và coi như bản thân đang làm bài thi thật. Có nghĩa là các em cần đặt thời gian làm bài theo quy định, không tra cứu khi gặp câu hỏi khó, tô câu trả lời vào phiếu trả lời. Sau khi làm bài xong, các em chấm bài, ghi lại lỗi sai và nguyên nhân, tổng hợp từ vựng, cấu trúc ngữ pháp mới vào một quyển sổ.
“Sau khi làm một vòng các đề thi, học sinh quay vòng làm lại những đề này và so sánh kết quả lần 1 và lần 2 và xem những lỗi sai lần trước đã khắc phục chưa. Nếu học sinh vẫn mắc những lỗi sai đó thì các em chưa thực sự nắm chắc kiến thức hoặc chưa tập trung làm bài. Với những đề này, học sinh cần làm lại lần 3.” Cô giáo Thanh Hương lưu ý
Cũng từ việc luyện đề một cách nghiêm túc, thí sinh sẽ luyện được kỹ năng xử lí từng dạng bài: Sau khi nhận diện được độ khó và nội dung kiến thức của mỗi câu hỏi, học sinh cần biết cách làm từng dạng bài hoặc dạng câu hỏi. Ví dụ, với bài đọc hiểu thứ nhất gồm 5 câu hỏi bao gồm 1 câu hỏi tiêu đề (đọc lấy ý chính), 2 câu hỏi về thông tin chi tiết, 1 câu hỏi quy chiếu và 1 câu hỏi từ vựng.
Để tìm được ý chính của bài đọc, học sinh cần kỹ thuật đọc lướt (skimming), tìm câu mở đầu hoặc kết của mỗi đoạn. Từ đó tìm được ý chính của cả bài. Để tìm được thông tin chi tiết, học sinh cần kỹ thuật quét (scanning) để xác định vị trí thông tin cần tìm.
Chiến lược giải quyết bài thi ngoại ngữ
Cô giáo Trần Thanh Hương nhắc nhở, học sinh cần tìm cho mình phương pháp làm bài hiệu quả, phù hợp với bản thân. Cô đưa ra 4 gợi ý tham khảo dành cho các bạn thí sinh.
Thứ nhất, phân bổ thời gian cho từng bài, từng câu hỏi. Chẳng hạn, học sinh thường dành 30 giây cho câu hỏi nhận biết, 50 giây cho câu hỏi thông hiểu, 80 giây cho câu hỏi vận dụng và 100 giây cho câu hỏi vận dụng cao. Ngoài ra học sinh mất từ 10 – 15 phút cho bài đọc tùy độ dài.
Thứ hai, không cần làm lần lượt các câu hỏi. Các em nhìn một lượt đề thi, câu hỏi nào dễ làm trước, câu hỏi khó làm sau nhưng các em cần đánh dấu lại để không bị sót.
Thứ ba, đọc kỹ yêu cầu của đề và các phương án lựa chọn. Nhiều bạn không có thói quen đọc đề bài nên thường nhầm lẫn hai bài tìm từ đồng nghĩa, trái nghĩa. Thay vì tìm từ trái nghĩa, các em lại chọn từ đồng nghĩa và ngược lại. Ngoài ra một số học sinh chủ quan khi mới đọc nửa câu và 1 hoặc 2 phương án đầu đã chọn luôn mà không đọc kĩ nửa câu và các phương án còn lại.
Thứ tư, kiểm tra lại câu trả lời trên phiếu trả lời. Sau khi tô đáp án, học sinh cần kiểm tra lại xem mình đã tô đúng với câu hỏi tương ứng ở đề bài hay không.
Cô Hương hi vọng mỗi em học sinh đều tìm được cho mình phương pháp ôn tập hiệu quả cùng việc rèn luyện tâm lí ổn định và giữ sức khỏe tốt sẽ giúp các em thành công trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.