Giáo sư Đại học Purdue: "Cần có chiến lược rõ ràng khi đặt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn"

- Thứ Tư, 10/04/2024, 17:38 - Chia sẻ

Theo GS.TS kĩ thuật cơ khí GEORGE CHIU, đến từ Đại học Purdue (Mỹ), khả năng đạt được mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 của Việt Nam tương đối cao, nhưng để đạt con số đó, Việt Nam cần có chiến lược rõ ràng, thông minh trong việc sử dụng các nguồn lực đầu tư.

GS.TS George Chiu là chuyên gia về hệ thống cơ điện tử, hệ thống điều khiển và xử lý hình ảnh. Ông từng làm giám đốc chương trình tại Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ, thành viên Hiệp hội Kỹ sư Cơ khí Mỹ và Hiệp hội Khoa học và Công nghệ hình ảnh. Trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, GS.TS George Chiu đã chia sẻ với báo chí về phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, các kinh nghiệm trên thế giới trong phát triển chuỗi cung ứng bán dẫn.

Nên tận dụng phát huy từ những ngành kĩ thuật truyền thống

- Hiện Việt Nam có khoảng 40 trường đại học đang đào tạo các lĩnh vực liên quan đến bán dẫn. Trong năm 2024, nhiều trường cũng thông báo mở hoặc chuẩn bị mở các ngành học trong lĩnh vực bán dẫn. Ông đánh giá thế nào về sự chuẩn bị của Việt Nam trong lĩnh vực này?

GS.TS George Chiu: Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng của ngành sản xuất chip và linh kiện bán dẫn. Việt Nam đang ở vị trí tốt, dù sự cạnh tranh, đặc biệt trong Đông Nam Á rất cao.

Trong chuyến công tác của tôi đến Việt Nam, tôi đã có dịp được làm việc với một số trường đại học và các bên liên quan. Phần lớn chủ đề chúng tôi đã nói đến xoay quanh phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là ở lĩnh vực bán dẫn. Tôi thấy có rất nhiều sự quan tâm và hào hứng về chủ đề này.

GS.TS kĩ thuật cơ khí George Chiu:
GS.TS George Chiu 

Hiện nay, nhiều người có định nghĩa chưa đúng lắm về ngành bán dẫn. Ngành bán dẫn là tổ hợp của nhiều ngành kỹ thuật truyền thống, ví dụ như ngành khoa học máy tính, ngành kĩ thuật hóa chất, ngành kỹ thuật công nghiệp, ngành kỹ thuật vật liệu,… Vì vậy, trong việc giáo dục đào tạo, chúng ta không nên tạo ra một ngành hoàn toàn mới là ngành bán dẫn mà trên thực tế là chúng ta nên tận dụng phát huy từ những ngành kĩ thuật truyền thống.

Bán dẫn được coi là một ứng dụng của những ngành kĩ thuật truyền thống, như vậy, trong quá trình tuyển sinh cũng như phát triển nguồn nhân lực, thay vì tuyển sinh cho ngành mới là ngành bán dẫn thì chúng ta vẫn nên khuyến khích các ngành kĩ thuật tổng hợp.

Như vậy, chúng ta sẽ tạo ra nền tảng vững cho ngành kĩ thuật. Cũng như bảo đảm tình huống lâu dài thay vì chỉ tập trung đào tạo cho ngành bán dẫn, và sẽ có rủi ro tồn tại quá nhiều sinh viên ngành bán dẫn.

 - Vậy sinh viên đào tạo từ những ngành kĩ thuật tổng hợp có thể đáp ứng ngay yêu cầu công việc ngành bán dẫn không, thưa ông?

GS.TS George Chiu: Việc trao đổi giữa các doanh nghiệp và nhà trường rất quan trọng. Ví dụ ngay cả ở Đài Loan, vẫn có đâu đó sự chênh lệch giữa hệ thống giáo dục và yêu cầu đầu vào của doanh nghiệp, do đó, họ đề cao việc trao đổi giữa nhà trường và doanh nghiệp.

Thời gian qua, trong quá trình làm việc với các nhà trường ở Việt Nam, tôi thấy rằng, Việt Nam đã thấy được tầm quan trọng của việc hợp tác công - tư để có thể chuẩn bị cho lực lượng lao động sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của thị trường. Khi các trường đại học, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp đều nhận ra thì tôi nghĩ, thời gian tới chúng ta sẽ giải quyết được vấn đề này.

GS.TS kĩ thuật cơ khí George Chiu:
Giảng viên Khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng) hướng dẫn sinh viên thiết kế hệ thống điều khiển thông minh. 

Việt Nam có nền tảng mạnh về nhân tài công nghệ

- Vậy theo ông, Việt Nam cần làm gì để đạt được mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn đến năm 2030?

GS.TS George Chiu: Mục tiêu đào tạo được 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn đến năm 2030 là mục tiêu tham vọng nhưng sẽ rất tuyệt vời nếu Việt Nam đạt được điều này. Tôi nghĩ khả năng các bạn đạt được mục tiêu là tương đối cao, nhưng sẽ phải thật thông minh và có chiến lược rõ ràng trong việc sẽ sử dụng các nguồn lực đầu tư như thế nào.

Việt Nam hãy tìm ra thế mạnh của mình. Tôi thực sự lạc quan về nguồn nhân lực của Việt Nam và tôi thấy được Việt Nam có được nền tảng mạnh về nhân tài công nghệ. Tôi đã có dịp gặp gỡ các bạn sinh viên Việt Nam tại Trường Đại học Purdue, tôi thấy rằng, trình độ tiếng Anh của các bạn rất tốt, tự tin và biết chính xác mình muốn gì và cần làm gì. Do đó, tôi cho rằng, nếu Việt Nam cứ duy trì như hiện tại thì Việt Nam sẽ thành công trong tương lai.

Cùng với đó, Việt Nam cần sử dụng các mối quan hệ đối tác mà Việt Nam đang có. Ví dụ tháng 9 năm ngoái, Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ thành Đối tác Chiến lược Toàn diện. Tuyên bố chung của hai nước sau đó đề cập tới hợp tác sản xuất chất bán dẫn, chip và lĩnh vực công nghệ cao. Mỹ cam kết cấp khoản tài trợ gieo mầm ban đầu trị giá 2 triệu USD, cùng với các khoản hỗ trợ từ chính phủ Việt Nam và khu vực tư nhân trong tương lai. Hãy tận dụng những gì sẵn có cho việc phát triển nhân tài của các bạn, tận dụng những gì họ có thể giúp về giáo dục.

Bên cạnh bảo đảm lực lượng lao động thì cũng cần có những hướng dẫn rõ ràng và công bằng cho các công ty tham gia thị trường chip bán dẫn tại Việt Nam. Điều quan trọng là sự tôn trọng của chúng ta với việc sở hữu trí tuệ, vì đây là ngành công nghệ cao nên việc bảo đảm sở hữu trí tuệ là yêu cầu cấp thiết.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Minh Vân ghi
#