Vì sao giáo viên phản ứng với đề xuất quy định nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp?

- Thứ Tư, 24/01/2024, 06:45 - Chia sẻ

Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến tham vấn từ các cơ quan chuyên môn, chuyên gia, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục… để xây dựng dự án Luật Nhà giáo. Trong nhiều nội dung được đưa ra lấy ý kiến có quy định nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp.

Có giảm thủ tục giấy tờ

Giấy chứng nhận này được cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền cấp miễn phí và có giá trị sử dụng trong toàn quốc.

Theo Bộ GD-ĐT, thay vì sử dụng đồng thời quy định chuẩn nghề nghiệp và tiêu chuẩn chức danh giáo viên/giảng viên như hiện hành, quy định mới chỉ sử dụng thống nhất quy định về tiêu chuẩn nhà giáo và gọi chung là chuẩn nghề nghiệp nhà giáo với nhiều tiêu chí.

Người đạt chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, đáp ứng yêu cầu để hoạt động nghề nghiệp nhà giáo sẽ được cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp. Giấy chứng nhận này thay thế cho quyết định công nhận hoàn thành chế độ tập sự và chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhà giáo hiện nay.

Những trường hợp được cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp: người đã hoàn thành chế độ tập sự, người hiện đang là nhà giáo đạt chuẩn nghề nghiệp, nhà giáo đã nghỉ hưu, nhà giáo nước ngoài. Giấy chứng nhận bị thu hồi khi nhà giáo bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ hai năm liên tục, vi phạm kỷ luật ở mức buộc thôi việc, sa thải.

Nhiều nhà giáo băn khoăn về sự cần thiết của đề xuất giấy chứng nhận nghề nghiệp -0
Giấy chứng nhận nghề nghiệp sẽ thay thế cho hai giấy tờ quan trọng: Quyết định công nhận hết thời gian tập sự của giáo viên và giấy chứng nhận hoàn thành bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (Hình minh hoạ)

Khó hiểu?

Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, cô Nguyễn Thuỷ Thu, giáo viên một trường THCS ở Phú Thọ - đã có thâm niên công tác trong ngành sư phạm 29 năm chia sẻ, bản thân cô cảm thấy khó hiểu với quy định nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp trong dự thảo Luật Nhà giáo mà Bộ GD-ĐT đưa ra.

“Khi đã được đào tạo trong môi trường sư phạm, giáo viên đã tốt nghiệp trường sư phạm, có đủ bằng cấp để đứng trên bục giảng, để giảng dạy rồi thì vì sao phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp nữa? Nếu phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp để hành nghề thì Nhà nước cấp bằng tốt nghiệp cho sinh viên sư phạm làm gì?”, cô Thu đặt câu hỏi.

Chia sẻ rõ hơn, cô Thu cho biết khi học trường sư phạm, ngoài được đào tạo về kiến thức chuyên ngành, sinh viên cũng được học bộ môn Phương pháp giảng dạy, đảm bảo đủ điều kiện có thể giảng dạy trên lớp. Khi ra trường, giáo viên còn phải học thêm các chứng chỉ khác như tiếng Anh, Tin học, hàng năm còn phải đi tập huấn về chuyên môn, phương pháp giảng dạy, các kiến thức về đổi mới.

“Nếu phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp, tôi nghĩ nên dành cho những người học một chuyên ngành khác không phải chuyên ngành sư phạm nhưng mong muốn trở thành giáo viên. Ví dụ, họ học chuyên ngành Tin học nhưng không trong trường sư phạm, thì cần có thêm giấy chứng nhận nghề nghiệp để có thể làm nghề. Như vậy mới là hợp lý. Còn để một sinh viên sư phạm ra trường, đã có bằng sư phạm, có rất nhiều chứng chỉ rồi lại cần thêm giấy chứng nhận nghề nghiệp nữa thì tôi cho rằng bất hợp lý và không cần thiết”, cô Thu nói.

Hiệu trưởng một trường THCS tại Hà Nội cũng cho rằng quy định này “không thiết thực” và đặt câu hỏi về lý do giáo viên phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp.

“Khi chúng tôi học trong trường sư phạm, đã học đủ các kiến thức, kỹ năng về nghiệp vụ. Tốt nghiệp lại đã thi công chức, viên chức để vào ngành sư phạm. Bây giờ lại phải thêm giấy chứng nhận nghề nghiệp để làm gì? Tôi chưa hiểu được mục đích của quy định này”, vị Hiệu trưởng cho hay.

Vị Hiệu trưởng cũng bày tỏ quan điểm, giấy chứng nhận nghề nghiệp có thể cần thiết cho những người học chuyên ngành khác không phải sư phạm nhưng muốn trở thành nhà giáo, thay vì những nhà giáo đã tốt nghiệp sư phạm.

Nhằm tạo bình đẳng giữa nhà giáo trường công và trường tư?

Trả lời báo chí mới đây, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng cục Nhà giáo (Bộ GD-ĐT) cho biết, giấy chứng nhận nghề nghiệp thể hiện năng lực của đội ngũ nhà giáo. Đồng thời sẽ thay thế cho hai giấy tờ quan trọng: Quyết định công nhận hết thời gian tập sự của giáo viên và giấy chứng nhận hoàn thành bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Nếu giáo viên được cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp sẽ không cần phải có hai loại giấy này nữa, như vậy thủ tục giấy tờ sẽ bớt đi.

Bên cạnh đó, quy định giấy chứng nhận nghề nghiệp nhằm tạo sự bình đẳng giữa nhà giáo làm việc ở cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập. Với giấy chứng nhận này, nhà giáo có thể chuyển từ đơn vị này sang đơn vị kia một cách dễ dàng.

Xây dựng Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Tại Nghị quyết 95/NQ-CP ban hành ngày 7.7.2023, Chính phủ nhất trí thông qua đề xuất của Bộ GD-ĐT về sự cần thiết ban hành luật và 5 chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo gồm: (1) Định danh nhà giáo; (2) Tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; (3) Tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; (4) Đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; (5) Quản lý nhà nước về nhà giáo.

Theo Nghị quyết này, Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng về lĩnh vực nhà giáo; tổng kết, rà soát kỹ lưỡng pháp luật hiện hành để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.

Trong quá trình soạn thảo Luật, cần khắc phục các bất cập trong quản lý nhà nước về nhà giáo hiện nay để thiết kế các chính sách theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho địa phương, có tiêu chuẩn, tiêu chí phù hợp với vai trò, vị trí việc làm của nhà giáo, có chính sách ưu đãi, khen thưởng, tôn vinh phù hợp; nghiên cứu thêm kinh nghiệm quốc tế, tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, truyền thông chính sách để tăng tính thuyết phục khi thông qua chính sách, bảo đảm tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện khi luật được ban hành.

Nghị quyết 95 nêu rõ, đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo là xây dựng luật mới, khó, đối tượng rộng, tác động lớn, có nhiều chính sách quan trọng, liên quan đến nhiều luật, cần có chính sách ưu tiên về nguồn lực và tổ chức thực hiện. Do thời gian dự kiến để trình Chính phủ, Quốc hội thông qua không nhiều nên Bộ GD-ĐT chủ động bố trí nguồn lực về tài chính, chuyên gia để soạn thảo luật, bảo đảm đúng tiến độ, nâng cao chất lượng của dự án Luật khi trình Chính phủ.

Chính phủ giao Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến của các Thành viên Chính phủ, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung dự án luật vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2024 để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5 năm 2024), thông qua tại Kỳ họp thứ  8 (tháng 10 năm 2024) Quốc hội khóa XV. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo việc hoàn thiện Đề nghị xây dựng Luật này.

Nguyễn Liên
#