Tuyển sinh đại học năm 2024: Mở mới nhiều ngành học mới, điều chỉnh tỷ lệ chỉ tiêu các phương thức xét tuyển

- Thứ Sáu, 05/01/2024, 06:49 - Chia sẻ

Tới thời điểm này, nhiều trường đại học trên cả nước đã công bố đề án tuyển sinh đại học chính quy năm 2024, với một số sự thay đổi so với mùa tuyển sinh trước.

Tuyển sinh nhiều ngành học mới

Theo phương án tuyển sinh Đại học chính quy dự kiến năm 2024 của Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh (HUTECH), nhà trường dự kiến tuyển sinh 12.500 chỉ tiêu trình độ Đại học chính quy theo 4 phương thức xét tuyển độc lập: Xét tuyển kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024; Xét tuyển kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực 2024 của ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; Xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 3 môn năm lớp 12; Xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 3 học kỳ (lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12).

Nhà trường tuyển sinh 63 ngành đào tạo thuộc các nhóm ngành Kỹ thuật - Công nghệ, Kinh tế - Quản trị, Marketing - Truyền thông, Kiến trúc - Mỹ thuật, Âm nhạc - Nghệ thuật, Sức khỏe - Thể thao, Khoa học xã hội - Nhân văn, Luật - Ngoại ngữ.

Trong đó có, có 7 ngành mới bắt đầu tuyển sinh từ năm 2024 gồm: Kinh tế số, Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính, Kỹ thuật nhiệt, Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ thẩm mỹ, Công nghệ tài chính.

Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh cho biết, đây đều là những ngành thuộc các lĩnh vực nhà trường đã khẳng định được thế mạnh đào tạo trong nhiều năm qua, đồng thời là những lĩnh vực có nhu cầu nhân lực cao và phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội hiện đại, nhất là trong xu hướng phát triển mạnh của khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo và kinh tế số như hiện nay, mang đến cơ hội và triển vọng cho các bạn trẻ yêu thích những lĩnh vực này.

Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng dự kiến tuyển sinh 3.500 chỉ tiêu năm 2024 với 6 phương thức tuyển sinh: Xét tuyển thẳng; tuyển sinh riêng, xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả học bạ, xét kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức, xét kết quả thi đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức.

Năm 2024, trường dự kiến mở mới 1 chuyên ngành, đó là ngành Điện tử viễn thông, Chuyên ngành Vi điện tử - Thiết kế vi mạch.

Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP. Hồ Chí Minh (UEF) mở 2 ngành đào tạo mới là Kinh tế số (chuyên ngành Kinh doanh số, Quản trị kinh doanh số) và Kỹ thuật phần mềm. Năm nay, nhà trường dự kiến tuyển sinh khoảng 6.610 chỉ tiêu cho 36 ngành đào tạo.

Nhà trường thực hiện đồng thời 4 phương thức tuyển sinh gồm: xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, xét tuyển học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn, xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 3 học kỳ, xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực 2024 của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho tất cả các ngành đào tạo trình độ đại học chính quy. 

Tuyển sinh đại học năm 2024: Mở mới nhiều ngành, điều chỉnh tỷ lệ chỉ tiêu các phương thức -0
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023 (Ảnh: Trần Hiệp)

Trường Đại học Gia Định cũng mở thêm 3 chuyên ngành mới trong năm 2024, gồm: Quản trị tài chính, Quản trị nguồn nhân lực, Xây dựng & Quản trị kênh truyền thông độc lập. Mỗi chuyên ngành sẽ đào tạo chuyên sâu những kiến thức, kỹ năng chuyên môn để có thể đáp ứng yêu cầu của công việc cụ thể trong lĩnh vực. 

Năm nay, Trường Đại học Gia Định tuyển sinh đại học chính quy tổng số 48 ngành/chuyên ngành theo 3 phương thức: Xét kết quả học bạ THPT; Xét kết quả kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2024; Xét kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực 2024 do Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức.

Bỏ xét tuyển bằng học bạ

Theo Đề án tuyển sinh đại học năm 2024 của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, năm nay, những điều chỉnh thay đổi, điểm mới chủ yếu nằm trong nội tại phương thức xét tuyển kết hợp.

Cụ thể, tích hợp các nhóm đối tượng lại thành 2 nhóm: nhóm 1 không sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển sớm và nhóm 2 sử dụng kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với điểm thi tốt nghiệp THPT.

Nhà trường bỏ nhóm 5 xét tuyển kết hợp điểm trung bình chung học bạ 3 năm THPT của học sinh giỏi trường chuyên và trường trọng điểm quốc gia với điểm thi tốt nghiệp THPT; sử dụng kết quả thi đánh giá tư duy (TSA) của ĐH Bách khoa Hà Nội để xét tuyển cho tất cả các mã tuyển sinh (năm 2023 chỉ sử dụng xét tuyển cho 7 mã).

Ngoài ra, nhà trường quy đổi tất cả các chứng chỉ về thang điểm 30 (hoặc điểm 10) theo quy định và giản lược công thức tính nhằm đơn giản hóa và tăng tính chính xác trong xét tuyển.

Lý giải về việc Trường Đại học Kinh tế Quốc dân bỏ nhóm 5 xét tuyển kết hợp điểm trung bình chung học bạ 3 năm THPT với điểm 2 môn thi tốt nghiệp THPT của học sinh giỏi trường chuyên và trường trọng điểm quốc gia, PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo của nhà trường cho biết, thực tế tuyển sinh các năm cho thấy nhóm thí sinh này có học lực rất giỏi và gần như đều đáp ứng các điều kiện khác như có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, điểm thi đánh giá năng lực…

Tỷ lệ trùng lặp với các nhóm đối tượng khác rất cao, dẫn đến tỷ lệ ảo tăng nên việc bỏ nhóm thí sinh này làm giảm tỷ lệ ảo mà ít ảnh hưởng đến kết quả tuyển sinh.

“Trường có chủ trương mở rộng sử dụng kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy uy tín như HAS, APT, TSA… để tuyển sinh và giảm phụ thuộc vào kết quả học tập và kết qủa thi tốt nghiệp THPT.

Năm 2024, trường đã sử dụng kết quả thi đánh giá tư duy (TSA) của ĐH Bách khoa Hà Nội để xét tuyển cho tất cả các mã tuyển sinh để tăng cơ hội tiếp cận, lựa chọn và dự tuyển cho thí sinh (năm 2023 chỉ sử dụng xét tuyển cho 7 mã) nên trường bỏ xét tuyển nhóm thí sinh có sử dụng học bạ này”, PGS.TS Bùi Đức Triệu cho hay.

Điều chỉnh chỉ tiêu trong các phương thức xét tuyển

Năm 2024, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân giảm 7% chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT xuống còn 18% và tăng tương ứng chỉ tiêu xét tuyển kết hợp lên 80%. Riêng phương thức xét tuyển thẳng vẫn chiếm tỷ lệ 2%, tương đương như năm 2023.

Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh chỉ tuyển sinh theo 2 phương thức gồm Tuyển thẳng, xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và xét tuyển sớm theo Đề án tuyển sinh của Trường (chiếm 45% trên tổng chỉ tiêu) và Xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (55% trên tổng chỉ tiêu).

Như vậy, so với năm  trước, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh đã giảm 5% chỉ tiêu ở phương thức xét tuyển thẳng và xét tuyển sớm; tăng 5% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Tại Trường Đại học Hoa Sen, năm 2024, chỉ tiêu tuyển sinh cho phương thức xét tuyển trên kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT chiếm 20% (giảm 20% so với năm trước); chỉ tiêu của phương thức xét Học bạ 3 năm THPT chiếm 60% (tăng 20% so với năm trước). Hai phương thức còn lại gồm: xét tuyển thẳng và xét tuyển trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh giữ nguyên tỷ lệ 10% mỗi phương thức trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh so với năm 2023.

Nguyễn Liên
#