Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng: "Kỳ thi tốt nghiệp THPT có áp lực rất lớn"

- Thứ Năm, 20/06/2024, 21:25 - Chia sẻ

Với tính chất quan trọng của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, khối lượng công việc nhiều, lại diễn ra trong thời gian ngắn, được toàn xã hội quan tâm nên áp lực là rất lớn.

Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng tại Hội nghị trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 với Ban Chỉ đạo thi 63 tỉnh, thành phố diễn ra sáng 20.6.

Chuẩn bị chu đáo, từ sớm, từ xa

Để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, Bộ GD-ĐT đã triển khai 10 đoàn kiểm tra của Bộ kiểm tra công tác chuẩn bị của 20 sở GD-ĐT. Theo GS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD-ĐT) qua theo dõi cho thấy, các địa phương đã huy động các sở, ban, ngành phối hợp chuẩn bị tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024; ban hành các văn bản chỉ đạo liên quan tới kỳ thi.

Kỳ thi chỉ diễn ra trong hai ngày nên các địa phương đã có phương án và lên kịch bản ứng phó với các sự cố về giao thông, y tế, điện lực…

Năm nay, tỉnh Cao Bằng có 5.572 thí sinh tham gia kỳ thi, tăng trên 500 thí sinh so với năm trước. Tỉnh tổ chức 21 điểm thi, để bảo đảm thuận lợi nhất cho các thí sinh, tỉnh Cao Bằng huy động hơn 1.100 người tham gia tổ chức kỳ thi.

Theo Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cao Bằng Nguyễn Ngọc Thư, tỉnh Cao Bằng đã sớm thành lập Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp, phối hợp chặt chẽ và xây dựng phương án hỗ trợ cho hơn 1.500 học sinh có hoàn cảnh khó khăn... Đổi mới trong công tác truyền thông và thông tin, đăng tải bài viết trên thông tin đại chúng, các đơn vị viễn thông hỗ trợ nhắn tin đến toàn bộ thí sinh và phụ huynh, thông báo thời gian thi, quy định thi, và động viên học sinh dự thi.

dsc_9786.jpg -0
Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cao Bằng Nguyễn Ngọc Thư trao đổi trực tuyến. Ảnh: Trần Hiệp

Là một trong 2 thành phố có lượng thí sinh lớn, TP Hồ Chí Minh có hơn 90.000 thí sinh tham gia kỳ thi với 162 điểm thi, trong đó có 87 điểm thi có thí sinh tự do. Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu cho biết, BCĐ thành phố đã chỉ đạo từ sớm cho các sở, ngành, các đơn vị liên quan quán triệt tinh thần, từ khâu đảm bảo an ninh, in sao đề thi đến các điểm thi.

Riêng TP Hồ Chí Minh thì có xã đảo ở huyện Cần Giờ, thành phố cũng chủ động bố trí các em ở xã đảo vào trong đất liền để thuận tiện đi lại cho các em khi tham gia kỳ thi.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân cũng khẳng định đến thời điểm này, về cơ bản, công tác chuẩn bị cho kỳ thi đang được địa phương thực hiện nghiêm túc, Ban chỉ đạo thi của tỉnh đang tăng cường tiến hành kiểm tra tất cả các khâu, nhất là trong khâu bảo mật, an toàn đề thi. Cơ sở vật chất, nguồn lực, thiết bị chuyên môn, được chuẩn bị đúng quy định, theo quy chế, bảo đảm đầy đủ kịp thời. Công tác phối hợp giữa ngành giáo dục và các ban ngành cũng được tăng cường, tuân thủ, chấp hành theo quy chế.

Nhấn mạnh đặc thù của tỉnh Cà Mau là vùng sông nước, ông Nguyễn Minh Luân cho biết: Ở những tuyến đường bộ, vai trò của cha mẹ học sinh được phát huy, sáng tạo, sẵn sàng bố trí xe đưa, đón các em học sinh đến điểm thi. Còn các thí sinh ở vùng sông nước thì địa phương đã bố trí phương tiện đường thủy để các em đến địa điểm thi được thuận lợi.

"Thời tiết mưa nhiều nên chúng tôi quán triệt tinh thần phải đảm bảo an toàn cho các thí sinh; đảm bảo an toàn giao thông; chỉ đạo các nhà trường giữ mối liên hệ chặt chẽ với thí sinh; tiên lượng trước các tình huống để ứng phó kịp thời; đảm bảo sẵn sàng các điều kiện để thực hiện tốt nhất, góp phần tạo một kỳ thi thành công, nghiêm túc, an toàn, hiệu quả", ông Nguyễn Minh Luân cho biết.

Cần cải thiện phần mềm chấm thi, quan tâm chính sách cán bộ thanh tra

Theo GS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD-ĐT), mặc dù qua kiểm tra cho thấy một số khó khăn cần khắc phục ở một số địa phương. Chẳng hạn điều kiện cơ sở vật chất khu vực phục vụ in sao đề thi tại một số địa phương còn gặp khó khăn, hạn chế về không gian ăn ở cho đội ngũ in sao đề thi.

Cũng theo Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu, phần mềm chấm thi vẫn còn hạn chế dù đã nhắc nhiều năm rồi nhưng do năm nay là năm cuối của chương trình GDPT 2006 nên cần TP Hồ Chí Minh đề xuất Bộ GD-ĐT cần chuẩn bị sớm cho kỳ thi năm sau "số lượng thí sinh lớn mà vẫn phải xử lý thủ công nhiều thì việc sử dụng phần mềm sẽ khó khăn hơn".

Đồng thời, ông Hiếu cũng đề xuất chế độ cho các thành viên tham gia công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi. "TP Hồ Chí Minh đã nâng mức thù lao lên từ 800-1.200.000 nhưng mức này vẫn thấp so với ngày công của anh em trong ngành. Do đó, cũng có những tâm tư, mong Bộ GD-ĐT có chính sách tốt hơn", ông Hiếu nói.

Để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng lưu ý các địa phương cần  quán triệt Chỉ thị của Thủ tướng,  nhấn mạnh vấn đề bảo đảm tuyệt đối an toàn. Trong đó, bảo đảm an toàn từ in sao, vận chuyển, bảo quản đề thi/bài thi; an toàn vệ sinh thực phẩm; an toàn phòng chống cháy nổ; an ninh trật tự; điện nước… Mỗi yêu cầu an toàn này, từng cấp, ngành, từng vị trí, công đoạn phải có nhiệm vụ cụ thể, phân công rõ trách nhiệm, rõ nội dung, phương pháp chỉ đạo.

dsc_9815.jpg -0
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ tại Hội nghị. Ảnh: Trần Hiệp

Ngoài quán triệt nhiệm vụ trong Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, vấn đề thứ hai được Thứ trưởng nhấn mạnh là xác định rõ tính chất, tầm quan trọng, yêu cầu chuyên môn từng công việc để có phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể; đặc biệt là các khâu in sao vận chuyển, bàn giao, bảo quản đề thi/bài thi; công tác coi thi; chấm thi…

Các vấn đề còn lại, Thứ trưởng lưu ý tiếp tục rà soát, kiểm tra một cách toàn diện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ kỳ thi; đặc biệt chú trọng công tác nhân sự, từ lựa chọn, tập huấn nâng cao trình độ và nhận thức, thấy được trách nhiệm cũng như khuyến cáo hậu quả nếu vi phạm…; thực hiện nghiêm túc công tác thông tin báo cáo, trực thi; chú trọng công tác thông tin, truyền thông trước trong và sau kỳ thi.

Phương châm “4 đúng, 3 không” cũng được Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhắc lại. Theo đó, “4 đúng” là đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng đủ quy trình, không được bỏ bất cứ một quy trình nào; đúng vị trí chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm, kịp thời xử lý các tình huống bất thường. “3 không” là không lơ là chủ quan; không tự ý xử lý tình huống bất thường; không căng thẳng áp lực quá mức.

Về việc chấm thi, theo Thứ trưởng, có những hội đồng như Bắc Kạn có 3.000 thí sinh, Hà Nội có trăm ngàn thí sinh nhưng cùng phải hoàn thành công tác chấm thi đúng tiến độ thời gian, đúng quy trình, quy định, chấm độc lập. Xác định rõ tính chất như vậy để Ban Chỉ đạo các địa phương phân công rõ ràng, cụ thể, tránh tình trạng chung chung, chồng chéo.

"Chuẩn bị lực lượng lớn nhưng chỉ coi thi trong 2 ngày nên có thể nói đây là quãng thời gian tính rủi ro cao nhất và phải đặc biệt chú ý. Những tiểu tiết trong công tác tổ chức phải được xử lý tuân thủ đúng quy chế", Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.

Minh Vân
#