Đề xuất nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp: Sẽ cản trở người giỏi vào sư phạm!

- Thứ Năm, 25/01/2024, 08:15 - Chia sẻ

Tiến sĩ Phạm Hiệp cho rằng, giấy chứng nhận nghề nghiệp “không cẩn thận” có thể trở thành một giấy phép tạo cản trở cho sự phát triển nghề nghiệp của nhà giáo, trong khi sau 4 năm đào tạo ở trường sư phạm, họ đã có đủ điều kiện để hành nghề.

Đề xuất quy định nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp được Bộ GD-ĐT đưa ra lấy ý kiến tham vấn để xây dựng dự án Luật Nhà giáo gây nhiều ý kiến tranh luận trong những ngày qua.

Nhiều giáo viên bày tỏ sự khó hiểu trước đề xuất này, khi họ đã học 4 năm trường sư phạm và tốt nghiệp ra trường, có đủ bằng cấp đứng trên bục giảng, nhưng vẫn cần thêm giấy chứng nhận nghề nghiệp để hành nghề nhà giáo.

Giấy chứng nhận nghề nghiệp có giúp cho nghề giáo phát triển?

Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, Tiến sĩ Phạm Hiệp - Đồng trưởng nhóm nghiên cứu đổi mới giáo dục, Trường Đại học Thành Đô cho rằng, vấn đề quan trọng nhất cần đặt ra, thay vì: “Có cần giấy chứng nhận nghề nghiệp hay không?” thì nên là: “Giấy chứng nhận nghề nghiệp này có giúp cho nghề giáo phát triển hay không?”.

Theo Tiến sĩ Phạm Hiệp, giấy chứng nhận nghề nghiệp “không cẩn thận” có thể trở thành một giấy phép tạo cản trở cho sự phát triển nghề nghiệp của nhà giáo, trong khi sau 4 năm đào tạo ở trường sư phạm, họ đã có đủ điều kiện để hành nghề.

“Nếu quy định về giấy chứng nhận này được ban hành, vận hành mà lại trở thành một rào cản kỹ thuật không cần thiết thì rất đáng tiếc.

Bản thân các nhà giáo hiện nay đã quá nhiều vất vả với đổi mới chương trình, những đổi mới liên quan đến dạy môn tích hợp, dạy học lấy người học làm trung tâm, việc chọn sách giáo khoa,… bây giờ lại thêm vấn đề này nữa thì khổ cho ngành giáo. Thậm chí, điều này còn có thể trở thành vật cản khiến nhiều người giỏi không muốn vào ngành sư phạm”, chuyên gia này nêu quan điểm.

Giấy chứng nhận nghề nghiệp “không cẩn thận” có thể thành vật cản khiến người giỏi không muốn theo ngành sư phạm -0
Tiến sĩ Phạm Hiệp - Đồng trưởng nhóm nghiên cứu đổi mới giáo dục, Trường Đại học Thành Đô (Ảnh: NVCC)

Chỉ nên dành cho cử nhân tốt nghiệp chuyên ngành khác muốn trở thành giáo viên

Cũng theo Tiến sĩ Phạm Hiệp, thực tế, theo các đánh giá của quốc tế, hệ thống teacher education - đào tạo cử nhân sư phạm của Việt Nam “rất khác biệt” so với nhiều nơi trên thế giới.

Ngành giáo dục Việt Nam được quan tâm và có cả một hệ thống trường sư phạm, hệ thống đào tạo sư phạm trên khắp cả nước. Bên cạnh đó, sinh viên sư phạm cũng được miễn học phí, có nhiều chính sách học bổng. Đây là những điểm tốt, được đánh giá cao của hệ thống giáo dục Việt Nam.

Trong khi đó, nhiều quốc gia trên thế giới không đào tạo cử nhân sư phạm. Đơn cử, ở nước Pháp, cử nhân tốt nghiệp một chuyên ngành, muốn trở thành giáo viên sẽ theo học một chương trình đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ, sau đó đi kiến tập, thực tập trước khi chính thức trở thành giáo viên. Khi đó, người này sẽ được cấp chứng nhận nghề nghiệp để trở thành nhà giáo.

“Đó là ở những nước không đào tạo cử nhân sư phạm. Còn ở Việt Nam, nhà giáo đã học xong 4 năm sư phạm. Nếu cảm thấy đào tạo sư phạm chưa đủ tốt, chúng ta có thể hướng tới đổi mới đào tạo sư phạm, để đánh giá cho đủ, thay vì việc học trong 4 năm, sau này lại phải có thêm giấy chứng nhận nghề nghiệp nữa sẽ mất thời gian cho các bên”, Tiến sĩ Phạm Hiệp nói.

Chuyên gia này nêu đề xuất, nếu giữ nguyên quy định nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp, nên đi theo hướng ai đã học sư phạm, tốt nghiệp ra trường sẽ có ngay giấy này; các nội dung kiểm tra, đánh giá nên tích hợp ngay trong các trường sư phạm.

Còn với người không học chuyên ngành sư phạm, muốn trở thành nhà giáo cần phải trải qua một kỳ sát hạch mà ở đó họ được kiểm tra việc thực hành nghiệp vụ sư phạm, giảng dạy thử, kiến tập, đánh giá chuyên môn trong một khoảng thời gian. Sau đó, họ sẽ được cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp này để có thể hành nghề nhà giáo.

Ví dụ, một cử nhân ngành Hoá học, Công nghệ sinh học tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên muốn làm giáo viên dạy Khoa học Tự nhiên tại trường phổ thông; hoặc một cử nhân Văn học tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn muốn trở thành giáo viên dạy Văn; một kỹ sư Công nghệ thông tin muốn đi dạy môn Tin học;…

“Việc có một kỳ sát hạch để những người ngoài ngành sư phạm có thể trở thành giáo viên, được cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp tạo sự bình đẳng giữa các nhóm lao động. Nếu giấy chứng nhận nghề nghiệp xây dựng theo hướng này, tôi cho rằng rất hợp lý. Nhưng đã học xong chuyên ngành sư phạm vẫn cần giấy này, theo tôi là điều không cần thiết”, Tiến sĩ Phạm Hiệp nhìn nhận.

Giấy chứng nhận nghề nghiệp “không cẩn thận” có thể thành vật cản khiến người giỏi không muốn theo ngành sư phạm -0
Tiến sĩ Phạm Hiệp cho rằng, giấy chứng nhận nghề nghiệp “không cẩn thận” có thể trở thành một giấy phép tạo cản trở cho sự phát triển nghề nghiệp của nhà giáo (Hình minh hoạ: Quốc Việt)

Trước đó, trả lời báo chí, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng cục Nhà giáo (Bộ GD-ĐT) cho biết, giấy chứng nhận nghề nghiệp thể hiện năng lực của đội ngũ nhà giáo. Đồng thời sẽ thay thế cho hai giấy tờ quan trọng: Quyết định công nhận hết thời gian tập sự của giáo viên và giấy chứng nhận hoàn thành bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Nếu giáo viên được cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp sẽ không cần phải có hai loại giấy này nữa, như vậy thủ tục giấy tờ sẽ bớt đi.

Bên cạnh đó, theo ông Vũ Minh Đức, hiện nay chỉ nhà giáo công tác khu vực công lập được tham gia bồi dưỡng và cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, trong khi giáo viên ở khu vực ngoài công lập không có.

Do đó, quy định giấy chứng nhận nghề nghiệp nhằm tạo sự bình đẳng giữa nhà giáo làm việc ở cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập. Với giấy chứng nhận này, nhà giáo có thể chuyển từ đơn vị này sang đơn vị kia một cách dễ dàng.

Nguyễn Liên
#