Cần tăng cường kiến thức về phòng chống xâm hại tình dục cho học sinh tiểu học

- Thứ Năm, 22/12/2022, 14:20 - Chia sẻ

Vấn đề xâm hại tình dục trẻ em đang xảy ra ngày càng thường xuyên, không chỉ xảy ra ở các nơi công cộng mà còn xảy ra trên mạng và đang len lỏi vào trường học.

Trong 2 năm cả nước có hơn 4.000 trẻ em bị xâm hại

Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, từ tháng 6.2019 đến tháng 6.2021, cả nước có hơn 4.000 trẻ em bị xâm hại, trong đó có hơn 3.600 trẻ là nữ.

Các trường hợp trẻ em bị xâm hại trong giai đoạn 2019-2021 trong độ tuổi 13-16 tuổi là hơn 2.600 trường hợp, chiếm hơn 66%. Đặc biệt có hơn 293 trường hợp là trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại. Con số này có xu hướng năm sau cao hơn năm trước.

Ha Noi: Nghi van co be thieu nang bi nguoi hang xom xam hai den co thai
Một bé gái bị thiểu năng bị xâm hại tình dục

Đối tượng xâm hại trẻ em trong 2 năm qua chủ yếu vẫn là nam giới (chiếm 95%), trong đó, hơn 3.400 đối tượng trên 18 tuổi xâm hại trẻ em, chiếm 77%, thuộc đủ các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. Cơ quan chức năng xác định, có hơn 1.000 vụ hiếp dâm, 1500 vụ giao cấu với trẻ em.

Trong 2 năm, cả nước xảy ra hơn 110 vụ án giết trẻ em với 120 nạn nhân. Bộ Công an đã xử lý 3.370 vụ án, trong đó xử lý hình sự 3.462 đối tượng...

Tại Việt Nam hiện nay có nhiều chương trình giáo dục phòng ngừa được triển khai áp dụng trên thực tế. Tuy nhiên hầu hết những tài liệu này (gồm cả tài liệu văn bản và video) là tài liệu nước ngoài được biên dịch lại bởi các tổ chức phi chính phủ hoặc do các tác giả Việt Nam biên soạn dựa trên tài liệu nước ngoài.

Nhận diện về xâm hại tình dục

PGS.TS Trần Thành Nam và Nguyễn Thu Nga, Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội đã đề xuất một chương trình giáo dục phòng chống xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em cho học sinh tiểu học tập trung vào giai đoạn 9-11 tuổi là giai đoạn trẻ bắt đầu bước vào giai đoạn dậy thì qua khảo sát, nghiên cứu y học thực nghiệm 112 học sinh lớp 4 và lớp 5 của trường Tiểu học Xuân Đỉnh. Trong đó, tỉ lệ học sinh giữa khối 4 và khối 5 là 48,21% và 51,79%; tỉ lệ học sinh nam và học sinh nữ là 44,6% nam (50 học sinh nam) và 55,4% nữ (62 học sinh nữ).

PGS.TS Trần Thành Nam cho biết, qua kết quả khảo sát, thấy rằng sự khác biệt trong nhận thức của học sinh trước và sau khi học chương trình giáo dục. Trước khi học, các em có những nhận thức mơ hồ về các quan điểm hay thực trạng của vấn đề xâm hại tình dục (XHTD) trong xã hội hiện nay; tuy các em có những quan điểm, nhận xét của riêng mình nhưng đó còn đơn thuần là dựa trên suy đoán của bản thân, chưa có sự logic chặt chẽ.

Cần tăng cường kiến thức về phòng chống xâm hại tình dục cho học sinh tiểu học -0
Tình trạng thiếu hụt kiến thức, nắm bắt một cách không đầy đủ chính xác về xâm hại tình dục trẻ em rất đáng lưu tâm

Nguyên nhân của việc này là do các em chưa được trang bị những kiến thức về XHTD. Sau khi học, các em hình dung một cách rõ ràng và nhận diện chính xác các quan điểm, dấu hiệu XHTD và cả những đối tượng gây ra XHTD một cách logic hơn.

Nhóm nghiên cứu đã đưa ra kết quả điều tra xử lý các tình huống trước khi học chương trình giáo dục của học sinh, sau khi khảo sát như sau:  Ở tình huống đầu tiên “Con đang gọi video với một người bạn con quen, bạn đó bảo con “cậu hãy cho tớ xem cơ thể của cậu”. Con sẽ làm gì?”, có 57,1% số học sinh có câu trả lời xử lý tình huống phù hợp; 42,9% số học sinh trả lời chưa phù hợp. Trong tình huống này, những câu trả lời phù hợp đều đi theo hai hướng: 1 là nói không và tắt máy, 2 là tắt máy và báo với bố mẹ.

Qua tình huống này, chúng ta có thể thấy rằng XHTD có rất nhiều hình thức, không chỉ là những hình thức trực tiếp như cử chỉ, lời nói, hành động mà còn gián tiếp thông qua các phương tiện truyền thông, các trang mạng xã hội. XHTD qua mạng thoạt nghe thì có vẻ mới mẻ nhưng có vẻ xảy ra khá thường xuyên cùng với các hình thức trực tiếp.

Về các dấu hiệu cho thấy trẻ bị XHTD cũng được đưa ra trong quá trình khảo sát như sau: Ở tình huống “Một người nào đó động vào bộ phận sinh dục của con”, có 96,4% số học sinh cho rằng đó là dấu hiệu của XHTD. Tương tự, với tình huống “Bác con vào phòng con và muốn sờ mó khắp người con”, 97,3% số học sinh đã nhận diện được dấu hiệu XHTD. Đây là hai trường hợp dấu hiệu XHTD được thể hiện một cách rõ ràng, chính vì vậy mà dù chưa học chương trình giáo dục học sinh cũng dễ dàng nhận biết được; chỉ có một phần nhỏ học sinh là lựa chọn sai ở hai tình huống này.

Tuy nhiên, khi khảo sát ở hai tình huống “Bạn con cho con xem một bộ ảnh toàn người khỏa thân” và “Cô giáo vỗ vào mông con khi giúp đỡ con xong một việc nào đó”, các em học sinh có sự lựa chọn theo cảm tính, suy nghĩ hay ý kiến của mình khi đã gặp những tình huống này. Ở tình huống này, có 66,1% số học sinh cho rằng đây là dấu hiệu của XHTD; 33,9% số học sinh còn lại cho rằng không phải. Với tình huống này, phần đa các học sinh đã nhận diện được rằng đây là một hành vi thể hiện dấu hiệu XHTD.

Nhưng trong tình huống Cô giáo vỗ vào mông con khi giúp đỡ con xong một việc nào đó, chỉ có 36,6% số học sinh lựa chọn đây là dấu hiệu XHTD còn 63,4% cho rằng hành động này không phải là XHTD.

Nhóm nghiên cứu cho hay, các em có sự lựa chọn phân hóa như vậy có lẽ bởi vì khi đi học, các em học sinh đã từng gặp tình huống đó và cho rằng đấy là điều bình thường mà không biết rằng đó là dấu hiệu cảnh báo của XHTD. Sau khi học, các em học sinh đã nhận diện một cách chính xác tất cả các dấu hiệu XHTD được đưa ra trong phiếu khảo sát.

Học sinh ngại khi đọc những thông tin liên quan đến XHTD

Sau khi thực hiện các khảo sát, nhóm nghiên cứu của PGS.TS Trần Thành Nam và Nguyễn Thu Nga đưa ra kết luận: Tình trạng thiếu hụt kiến thức, nắm bắt một cách không đầy đủ chính xác về XHTD trẻ em rất đáng lưu tâm.

Cần tăng cường kiến thức về phòng chống xâm hại tình dục cho học sinh tiểu học -0
Một chương trình tuyên truyền phòng chống bạo lực học đường và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Bên cạnh việc học sinh chưa có đầy đủ nhận thức để nhận diện một cách đúng đắn về XHTD thì một vấn đề nữa cũng rất quan trọng, đó là việc phản ứng lại với các tình huống XHTD có thể xảy ra. Bởi vì hiện nay, vấn đề XHTD đang xảy ra ngày càng thường xuyên và phổ biến, không chỉ xảy ra ở các nơi công cộng mà còn xảy ra trên mạng và đang len lỏi vào trường học.

XHTD không chỉ dừng lại ở những hành vi trực tiếp bằng lời nói, hành động, cử chỉ mà còn bị XHTD gián tiếp thông qua truyền thông, các trang mạng xã hội. XHTD có thể gây ra bởi nhiều đối tượng khác nhau.

Về khả năng nhận diện các hành động XHTD, PGS.TS Trần Thành Nam cho biết, qua khảo sát, cho thấy, trước khi học, học sinh ở các khối lớp 4 và lớp 5 đã có những nhận thức ban đầu về XHTD, trong một số trường hợp, các em đã phân biệt được sự khác biệt giữa XHTD với xâm hại và trường hợp an toàn.

Tuy nhiên, các em vẫn còn thiếu hụt kiến thức, nắm bắt chưa đầy đủ, chính xác về XHTD. Những nhận thức của học sinh về XHTD còn dựa nhiều vào những dự đoán, suy nghĩ của cá nhân, chứ chưa dựa trên các kiến thức về khoa học. Do đó, có sự khác biệt rõ rệt trong nhận thức của học sinh khi làm phiếu khảo sát trước và sau khi học chương trình giáo dục.

Bên cạnh đó, theo khảo sát trước khi thực nghiệm thì mặc dù cả khối 4 và khối 5 đều biết đến các thông tin về XHTD nhưng học sinh khối 5 có nhận thức về XHTD, khả năng nhận diện các hành vi, dấu hiệu, tình huống XHTD tốt hơn so với học sinh khối 4.

Các em cũng hiểu biết nhiều hơn, được tìm hiểu một phần trong chương trình Tự nhiên và Xã hội 5; học sinh lớp 4 vì chưa được tìm hiểu nên các em còn khá ngại khi đọc những thông tin liên quan đến XHTD, có học sinh cho rằng đó là vấn đề “nhạy cảm”, “bậy” nên khá ngạc nhiên khi được đưa lên dạy trước lớp.

Chính vì vậy, nhóm nghiên cứu cho rằng, việc xây dựng và triển khai những chương trình giáo dục phòng chống xâm hại tình dục cho học sinh Việt Nam trong bối cảnh hiện nay là vô cùng quan trọng và cần thiết.

Do đó, giáo dục không chỉ cần thiết cho trẻ em mà còn cho phụ huynh và giáo viên vì bài học về phòng tránh xâm hại nên được nhắc lại thường xuyên, cần sự đồng thuận và chung tay tham gia của các lực lượng xã hội.

Bình An
#