Tình trạng xâm hại tình dục trẻ em ở mức báo động

- Thứ Ba, 05/01/2021, 01:10 - Chia sẻ
Từ ngày 1.1.2015 đến ngày 30.6.2019, cả nước đã phát hiện, xử lý về hình sự và xử lý hành chính 8.442 vụ xâm hại trẻ em với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Trong đó, có 6.432 trẻ em bị xâm hại tình dục, chiếm 73,85% tổng số trẻ em bị xâm hại. Số liệu được Đoàn giám sát của Quốc hội nêu ra trong Báo cáo giám sát kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” cho thấy, tình trạng xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em ở mức đáng báo động.

Hơn 6.000 trẻ em bị xâm hại tình dục

Báo cáo của Đoàn giám sát cho thấy, số trẻ em bị xâm hại được phát hiện, xử lý trong giai đoạn 2011-2014 là 7.211 trẻ em; số trẻ em bị xâm hại trong giai đoạn 2015-2018 là 7.309 trẻ em, tăng 98 trẻ em bị xâm hại. Đáng lưu ý, trong 6 tháng đầu năm 2019, số trẻ em bị xâm hại tăng đột biến, với 1.400 trẻ, gần bằng 80% số lượng trẻ em bị xâm hại trong cả năm 2018 là 1.779 trẻ. Sự gia tăng đột biến này một phần phản ánh thực tế các vụ xâm hại trẻ em tăng, một phần do người dân, trẻ em có ý thức hơn trong việc tố giác, tố cáo hành vi xâm hại trẻ em, đồng thời công tác phát hiện, xử lý hành vi xâm hại trẻ em cũng được tăng cường hơn giai đoạn trước.

Điều đáng nói, trong các hình thức xâm hại trẻ em nổi lên gây bức xúc nhất trong giai đoạn này là xâm hại tình dục với 6.364 vụ và 6.432 trẻ em là nạn nhân, chiếm tới 75,38% tổng số vụ xâm hại trẻ em được công an các cấp tiếp nhận, xử lý. Trong đó 2.191 trẻ bị hiếp dâm, 31 trẻ bị cưỡng dâm, 1.096 bị dâm ô, 3.114 trẻ bị giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác. Cá biệt, có nhiều địa phương, số vụ trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm trên 90% tổng số vụ trẻ em bị xâm hại như: Hậu Giang 97,4%; Kiên Giang 95,5%, Đồng Nai 94,2%.

Qua giám sát cho thấy, còn nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện kịp thời, đầy đủ để xử lý, nhất là các hành vi bạo lực gây tổn hại về thể chất và tinh thần cho trẻ em. Nhiều vụ xâm hại trẻ em xảy ra nơi kín đáo, biệt lập; nhiều vụ xảy ra tại gia đình, ít có tố giác; nhiều vụ xâm hại xảy ra trong thời gian dài mới bị phát hiện; nhiều đối tượng xâm hại lợi dụng mạng xã hội, lấy tên, địa chỉ, nhân thân giả nên việc thu thập thông tin, điều tra, xử lý của các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn… mặt khác, công tác theo dõi, thống kê số trẻ em bị xâm hại chưa được quan tâm đúng mức. Điều này dẫn đến số vụ việc xâm hại trẻ em đã bị phát hiện, xử lý nêu trong các báo cáo chưa phản ánh đầy đủ tình hình trẻ em bị xâm hại trên thực tế.

Để xảy ra xâm hại trẻ em: Xử lý nghiêm, gắn trách nhiệm cá nhân với người  đứng đầu cơ quan, đơn vị | Báo dân sinh

Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa cho rằng, tình hình xâm hại tình dục trẻ em đang là tình trạng nhức nhối

Cho rằng trong năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã có chuyển biến tích cực, đảm bảo thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em, song Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa nhận định, tình hình xâm hại tình dục trẻ em đang là tình trạng nhức nhối, để lại hậu quả nặng nề không chỉ với bản thân người bị hại, mà còn ảnh hưởng đến cả gia đình và xã hội, không những ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa mà ngay cả trên địa bàn kinh tế - xã hội đang phát triển cũng xảy ra tình trạng này. Chỉ ra, mỗi ngày trung bình có 7 trẻ em bị xâm hại, một năm có 38 trẻ em bị giết hại, 133 trẻ em bị thương tích, 1.286 trẻ em bị xâm hại, đại biểu Hòa cho rằng, những con số đau lòng này cho thấy “mảng tối” của công tác phòng, chống xâm hại trẻ em là đáng báo động.

Trẻ em bị xâm hại ngay cả nơi tưởng chừng là an toàn nhất

Thực tế cho thấy, tình trạng trẻ bị xâm hại không còn là câu chuyện của riêng địa phương nào. Các vụ xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục và bạo lực trẻ em đã xảy ra ở 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Xâm hại trẻ em không chỉ xảy ra ở vùng nông thôn, vùng còn khó khăn, đặc biệt khó khăn, mà tại các tỉnh, thành phố lớn, có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển cũng đang có xu hướng gia tăng.

Xâm hại trẻ em xảy ra ở nhiều địa điểm khác nhau. Nhiều vụ xảy ra ngay tại gia đình gia đình người thân, người quen, họ hàng, hàng xóm. Xâm hại trẻ em còn xảy ra tại khu vực công cộng, nơi vui chơi của trẻ như: cơ sở giáo dục, cơ sở trông giữ trẻ, cơ sở bảo trợ xã hội, điểm sinh hoạt, điểm vui chơi của trẻ em…

Về vấn đề này, đại biểu Trần Thị Hiền - Hà Nam cho rằng, “rất đau xót” khi phải dẫn ra thông tin Hà Nội là địa phương có số trẻ em bị xâm hại dẫn đến tử vong cao nhất với 13 em, TP Hồ Chí Minh dẫn đầu số trẻ em gái có thai do bị xâm hại tình dục cao nhất với 86 em.

“Những nơi tưởng chừng an toàn nhất đối với trẻ em như: gia đình, trường học, cơ sở bảo trợ xã hội lại là những nơi ngày càng gia tăng nguy cơ xâm hại trẻ em và chúng ta chứng kiến sự băng hoại đạo đức xã hội đến cùng cực, khi xảy ra những vụ bố đẻ xâm hại con ruột, bố dượng xâm hại con riêng của vợ, ông nội xâm hại cháu gái không còn là cá biệt”, đại biểu Hiền nhấn mạnh.

Gắn công tác bảo vệ trẻ em với trách nhiệm người đứng đầu

Trẻ em bị xâm hại, trong đó có xâm hại tình dục trẻ em để lại hậu quả rất nặng nề về thể chất cũng như tinh thần các em sau này. Đây cũng là vết thương rất khó có thể chữa lành. Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có giải pháp hữu hiệu hơn để bảo vệ trẻ em trước sự xâm hại. Muốn vậy, cần đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về xâm hại trẻ em và hậu quả của hành vi xâm hại trẻ. Tuyên truyền, giáo dục pháp luật để nâng cao kỹ năng về phòng, chống xâm hại cho chính các em.

Content...

Đối với gia đình, cần trang bị cho trẻ em biết cách thức phòng vệ trước những đối tượng có những ý định thực hiện hành vi đồi bại. Nếu có sai phạm phải nâng đỡ, thương yêu, giáo dục, không bạo hành trẻ, không chủ quan, giao trẻ cho người khác trông giữ nếu thiếu sự tin tưởng. Đối với nhà trường, phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức chuyên đề về sức khỏe sinh sản cho học sinh. Tăng cường giáo dục để trẻ có thêm kỹ năng về phòng chống xâm hại tình dục, và hiểu rõ hơn những nguy cơ bị xâm hại trên môi trường mạng.

Theo Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, cần nâng cao hiệu quả công tác điều tra, xét xử tội phạm xâm hại trẻ em, kết hợp với công tác đấu tranh phòng ngừa vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên, học sinh và vận động nhân dân tố giác kịp thời các hành vi xâm hại trẻ em. Đối với những người phạm tội, cần phải xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm, áp dụng khung hình phạt cao nhất cho kẻ phạm tội trên các lĩnh vực xâm hại trẻ em. Cùng với đó, mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan nào chủ trì, cơ quan nào phối hợp cần rõ ràng, minh bạch. Quy định thẩm quyền xử lý, gắn trách nhiệm cá nhân đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em.

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống bảo vệ trẻ, nâng cao ý thức cảnh giác, phát hiện sớm, tự phòng ngừa các hoạt động xâm hại tình dục và hỗ trợ, tư vấn pháp lý khi cần thiết là một biện pháp cần làm. Khi bị xâm hại tình dục nạn nhân và gia đình phải trình báo ngay cho cơ quan công an để được hỗ trợ, tư vấn, giải quyết, tránh để lọt tội phạm. Quan trọng nhất, gia đình, nhà trường cần giáo dục trang bị kỹ năng sống cho các em, phổ biến những kiến thức về giới một cách khéo léo, lành mạnh, góp phần phòng, chống việc lạm dụng tình dục trong cuộc sống.

Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Hằng

 

Song Hà