Giáo viên “gồng mình” thực hiện chương trình mới
“Chương trình giáo dục phổ thông mới có thành công hay không phụ thuộc vào đội ngũ thầy cô giáo, chứ không nằm ở bộ hay sở, ngành”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hưng Yên Nguyễn Văn Phê khẳng định. Điều này ai cũng nhận thức được nhưng lại đang là thách thức lớn trong công cuộc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông lần này.
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến cuối năm học 2021 - 2022, tổng số giáo viên phổ thông trong cả nước là 857.993, cơ bản đáp ứng giai đoạn đầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Giai đoạn 2022 - 2026, Bộ Chính trị đã đồng ý bổ sung 65.980 biên chế giáo viên, trong đó, bổ sung 14.835 giáo viên phổ thông trong năm học 2022 - 2023.
Tuy nhiên, giám sát tại các cơ sở giáo dục và các địa phương, bị “kêu” nhiều nhất vẫn là tình trạng thừa - thiếu giáo viên, nhất là thiếu giáo viên dạy các môn tích hợp, môn học mới (tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật). Cả nước còn thiếu 106.945 giáo viên, trong đó thiếu 62.877 giáo viên phổ thông; thừa cục bộ 5.091 giáo viên. Trong bối cảnh vẫn phải thực hiện tinh giản biên chế theo lộ trình, mỗi địa phương phải tự tìm ra phương án khắc phục. Như huyện Tiên Lữ (tỉnh Hưng Yên) tăng cường biệt phái giáo viên để giải quyết thừa - thiếu cục bộ ở từng môn học. Thầy cô giáo chấp nhận phải di chuyển xa từ trường nọ sang trường kia.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng Bùi Văn Kiệm cho biết, mức độ thiếu giáo viên của Hải Phòng không trầm trọng như các địa phương khác (hơn 2.000 giáo viên) nhưng khó nhất là thiếu nguồn tuyển. Các cơ sở đào tạo giáo viên chưa chuẩn bị mã ngành đào tạo, hoặc nếu có thì cũng chưa cho ra lứa giáo viên nào được đào tạo để phục vụ Chương trình giáo dục phổ thông mới. Ngành nội vụ chưa kịp tham mưu vị trí việc làm cho giáo viên theo Chương trình giáo dục phổ thông mới...
Trường Tiểu học Phù Linh (Sóc Sơn, Hà Nội) tuy đủ số lượng giáo viên nhưng chất lượng lại là câu chuyện. Hơn 60% giáo viên lớn tuổi, giáo viên trẻ đang trong độ tuổi sinh nở, riêng năm học 2022 - 2023 có 4 cô nghỉ chế độ thai sản. Vì vậy, mặc dù phòng học đủ nhưng vẫn không thể đạt tỷ lệ 35 học sinh/lớp. Hơn thế, theo Hiệu phó Nguyễn Thị Kim Ngân, đội ngũ giáo viên lớn tuổi khiến cho việc phân công giảng dạy gặp nhiều khó khăn, khó tổ chức hoạt động trải nghiệm, các nội dung mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. “Sự hứng khởi, động lực đổi mới cũng hạn chế”.
“Tập huấn, bồi dưỡng bổ sung kiến thức không dễ dàng. Chứng chỉ chỉ là thủ tục pháp lý, chất lượng mới là vấn đề đáng quan tâm. Giáo viên còn nhiệt huyết thì dễ tiếp cận thông tin mới. Giáo viên lớn tuổi, sức ì lớn, trong khi giáo viên là đối tượng ít thay đổi hơn cả”, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng nêu thực tế.
Đây không phải tình trạng của riêng Phù Linh hay Sóc Sơn. Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Toàn Thắng cho biết, cuối năm 2022, Ban từng giám sát vấn đề và thấy khó khăn chung trên địa bàn Thủ đô là như thế. Giáo viên thiếu và trình độ không đồng đều. “Nhiều giáo viên lớn tuổi cảm thấy oải, nước mắt lưng tròng khi trao đổi với đoàn giám sát: lương thấp, thiết bị không có, lại phải thực hiện nhiều nhiệm vụ... Họ phải gồng mình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới”.
Ưu tiên đầu tư nhưng vẫn thiếu phòng học
Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, nhiều địa phương đã ưu tiên đầu tư bổ sung phòng học bộ môn Tin học và Ngoại ngữ ở cấp tiểu học. Tuy nhiên, theo báo cáo, trên phạm vi cả nước, tổng số phòng học bộ môn còn thiếu của 3 cấp học là 63.920 phòng, không đạt mức quy định tại Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT. Ở cấp tiểu học mới chỉ có 75,5% số trường có phòng Tin học và 55,4% số trường có phòng học Ngoại ngữ.
Số lượng phòng học chưa được kiên cố hóa còn lớn (59.514 phòng học), nhất là ở cấp tiểu học (tỷ lệ kiên cố hóa mới đạt 82%), gây khó khăn cho chủ trương học 2 buổi/ngày. Nhiều địa phương có nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất có tốc độ dân số cơ học tăng nhanh, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, hệ thống trường lớp chưa đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh và yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Một số trường học ở khu vực đô thị gặp khó khăn về mặt bằng để mở rộng trường, lớp học và quy định về hạn chế số tầng tối đa của các công trình trường học.
Huyện Sóc Sơn (Hà Nội) mặc dù đầu tư nhiều cho cơ sở vật chất trường học, có năm lên tới 60% ngân sách, nhưng hiện vẫn thiếu phòng học tiêu chuẩn. Các trường ở huyện Tiên Lữ (tỉnh Hưng Yên) hầu hết thiếu phòng học bộ môn, phòng chức năng (chỉ 1/15 trường có Phòng Khoa học - Công nghệ, 2/15 trường có Phòng tư vấn học đường); các phòng học thì cũ, thiết bị lạc hậu.
Việc mua sắm thiết bị dạy học trong giai đoạn đầu áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 gặp nhiều vướng mắc về quy trình thẩm định giá trang thiết bị dạy học; nhiều đơn vị sản xuất chưa kịp sản xuất, đưa ra thị trường các sản phẩm, thiết bị mới; công tác đấu thầu, mua sắm ở các địa phương gặp nhiều khó khăn. “Với tinh thần hết sức tiết kiệm, chúng tôi mua theo nhu cầu của từng trường, rà soát tất cả thiết bị theo Chương trình cũ, cái gì còn dùng được tiếp tục dùng” - Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng cho biết.
Chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực, được thực hiện đồng thời ở các cấp học phổ thông trên quy mô toàn quốc, tác động tới đông đảo đội ngũ giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất chưa kịp thời, thiếu đồng bộ như thế khó bảo đảm chất lượng giáo dục như mong muốn. TS. Nghiêm Vũ Khải, Chủ tịch HĐQT Trường liên cấp Everst (Hà Nội) cho rằng, áp dụng chương trình mới nhưng theo cách cũ, giáo viên, cơ sở vật chất chưa đồng bộ, thì rất khó. “Muốn chất lượng tốt thì phải có đầu tư”, Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND Thành phố Hà Nội Nguyễn Toàn Thắng nhấn mạnh.