Các hình thức giám sát

Luận tội - công cụ giám sát còn mang tính hình thức

- Thứ Sáu, 01/08/2014, 08:32 - Chia sẻ
Ở nhiều nước, nghị viện được trao quyền phế truất người đứng đầu hành pháp với những hình thức khác nhau như luận tội, bãi miễn… Theo khảo sát 88 nước của IPU, 77 nước có quy định về những hình thức này. Trong đó, thủ tục luận tội các quan chức hành pháp được áp dụng ở 66 nước, có cả theo chính thể đại nghị lẫn các nước theo chính thể cộng hòa tổng thống.

Đơn thư gửi Nghị viện
Luận tội được áp dụng khi qua các cuộc điều tra của nghị viện (thường là ở các ủy ban điều tra) cho thấy, có những bằng chứng phạm tội lạm dụng chức quyền của các quan chức của nhà nước (có thể là Tổng thống ở chính thể cộng hòa tổng thống). Căn cứ để luận tội thường được quy định trong hiến pháp hoặc luật. Ở 22 nước trong số 66 nước có luận tội, việc vi phạm các nghĩa vụ hiến định là lý do luận tội; 34 nước, đó là sự phản bội tổ quốc hoặc “tội phạm hình sự nghiêm trọng”, ví dụ như tham nhũng, nhận hối lộ. Ở 47 nước, người đứng đầu hành pháp không bị luận tội vì mắc phải các tội hình sự thông thường; nhưng ở 15 nước khác nghị viện có thể luận tội chức danh này vì phạm các tội hình sự thông thường. Ở những nước các bộ trưởng bị luận tội, lý do luận tội của họ rộng hơn so với người đứng đầu hành pháp, ví dụ ở 5 nước bộ trưởng sẽ bị luận tội nếu phạm bất kỳ tội nào theo quy định của luật hình sự.

Chỉ có ở 2 trên 88 nước luận tội được tiến hành theo thủ tục thông thường, còn ở các nước còn lại phải có một số lượng nghị sỹ cùng ký kiến nghị. Ở 7 nước, kiến nghị luận tội tổng thống phải có chữ ký của hơn 50% tổng số nghị sỹ. Để thông qua kiến nghị luận tội, 56 nước đòi hỏi phải có đa số trên tổng số nghị sỹ, trong đó 39 nước yêu cầu phải có sự đồng ý của 2/3 tổng số nghị sỹ đồng ý hoặc hơn.

Ở 54 nước, nghị viện chỉ có quyền luận tội, còn ở 12 nước, nghị viện vừa luận tội, vừa ra phán quyết. Ở các nước lưỡng viện, việc luận tội các quan chức nhà nước thường được bắt đầu ở Hạ viện, và sau đó là Thượng viện tiến hành luận tội ra phán quyết, và đòi hỏi phải đạt được đa số của mỗi viện. Ví dụ, ở Kazakhstan, đa số đơn giản ở Hạ viện là đủ để buộc tội Tổng thống, nhưng ở Thượng viện lại phải đạt 2/3 tổng số thượng nghị sỹ. Phán quyết cuối cùng chỉ được thông qua nếu 3/4 tổng số nghị sỹ mỗi viện đồng ý tại phiên họp chung của hai viện. Còn ở Mỹ, khi tiến hành luận tội, các thượng nghị sỹ phải tuyên thệ và Chánh án của Tòa án Tối cao sẽ làm chủ tọa. Quyết định luận tội chỉ được đưa ra khi có được sự đồng ý của hai phần ba số thượng nghị sỹ có mặt.

Mặc dù luận tội có nhiều ý nghĩa dân chủ nhưng rất ít khi được sử dụng trong thực tế. Nước Anh, quê hương của nghị viện và của thủ tục này, đã hơn 200 năm nay chưa sử dụng đến thủ tục luận tội (lần cuối cùng được áp dụng vào năm 1805). Luận tội được thực hiện một cách triệt để nhất ở Mỹ, nơi nghị viện được đánh giá là có thực quyền nhất so với các nước trên thế giới, nhưng từ ngày đầu đến nay cũng mới được áp dụng 13 lần. Theo IPU, trong vòng 10 năm từ 1990-2000, có 30 kiến nghị luận tội được đề xuất ở 88 nước đươc khảo sát.

Ngoài ra, ở một số nước như Áo, Iceland, Romania nghị viện có thể khởi xướng việc bãi miễn tổng thống, nếu nghị viện thông qua nghị quyết bãi miễn, nó sẽ được đưa ra trưng cầu ý dân, và tổng thống sẽ bị bãi miễn nếu đa số cử tri bỏ phiếu đồng ý với nghị quyết. Còn ở 13 nước, nghị viện có quyền phế truất tổng thống; ở 8 nước nghị viện đề xuất tổng thống cách chức thành viên chính phủ; còn ở 11 nước, nghị viện phê chuẩn đề nghị của tổng thống cách chức các chức danh này.

Nguyên Lâm