Các hình thức giám sát

Chất vấn - hình thức giám sát phổ biến nhất

- Thứ Sáu, 01/08/2014, 08:32 - Chia sẻ
Nghị viện ở các nước dù ít hay nhiều đều thực hiện chức năng giám sát, trong đó chủ yếu giám sát hoạt động của hành pháp. Để giám sát được hiệu quả, không chỉ cần có năng lực, nguồn lực, mà còn cần đến các hình thức giám sát. Hoạt động giám sát của nghị viện các nước gồm có một số hình thức tiêu biểu như phiên hỏi - đáp, chất vấn, bỏ phiếu bất tín nhiệm, điều tra, điều trần, luận tội...

Trước hết là hình thức chất vấn (interpellation), với ít nhiều điểm khác nhau ở các nước, nhưng nhìn chung có thể định nghĩa: chất vấn là yêu cầu của nghị sỹ đối với Thủ tướng, hay các thành viên của Chính phủ ra trước phiên họp toàn viện để trả lời về việc thi hành chính sách quốc gia, hay một vấn đề hiện thời nào đó của quốc gia. Khác với phiên hỏi – đáp, chất vấn thường đề cập đến các vấn đề có tầm quan trọng quốc gia, ví dụ ở Hạ viện Bỉ không được chất vấn về các vấn đề địa phương, hoặc các vấn đề lợi ích riêng tư. Trong nhiều trường hợp chất vấn có thể diễn ra biểu quyết sau khi chất vấn, thậm chí dẫn đến kiến nghị về bất tín nhiệm Chính phủ.

Theo một cuộc khảo sát, trong số 88 nghị viện, 52 nghị viện có quy trình chất vấn riêng khác biệt với hỏi – đáp; trong đó ở 7 nước, chất vấn diễn ra sau hỏi – đáp hoặc hệ quả của các câu hỏi bằng văn bản, còn ở 23 nước chất vấn hoàn toàn tách biệt khỏi hỏi –đáp. Chất vấn thường được khởi xướng dưới dạng văn bản yêu cầu Chính phủ cung cấp thông tin với ý định tiến hành cuộc tranh luận tiếp đó. Tuy nhiên, thủ tục phản hồi của chính phủ đối với chất vấn khác so với phản hồi dạng câu hỏi bằng văn bản (written questions).

Một khảo sát của IPU cho biết, 15 trong số 45 nghị viện có hình thức giám sát này, chỉ một số lượng nghị sỹ nhất định (ví dụ 5% như ở Hạ viện Đức) hoặc một nhóm đảng mới có quyền khởi xướng chất vấn; số lượng này có thể là 5 nghị sỹ ở nước này, cũng có thể là 1/3 tổng số nghị sỹ ở nước khác. Ở 30 nước còn lại, cá nhân nghị sỹ được quyền nêu chất vấn, nhưng phải có sự ủng hộ của một số lượng nghị sỹ nào đó hoặc thậm chí của đa số nghị sỹ. Không chỉ thế, theo kiến nghị của nghị sỹ, toàn thể nghị viện có thể tranh luận về vấn đề nêu trong chất vấn. Chẳng hạn ở nghị viện Estonia, chất vấn được khởi xướng bởi yêu cầu bằng văn bản của cá nhân các nghị sỹ. Sau khi bộ trưởng trả lời, người nêu chất vấn bắt đầu cuộc tranh luận. Tiếp đó, đại diện các nhóm đảng và các ủy ban phát biểu về vấn đề được nêu. Nghị viện một số nước quy định chất vấn diễn ra định kỳ, ví dụ một tuần một lần ở Thụy Điển.

Các nhóm đảng trong nghị viện thường đóng vai trò quan trọng trong chất vấn. Không chỉ một số nghị viện cho phép các nhóm đảng nêu chất vấn, mà ở nhiều nước, các nhóm đảng còn kiểm soát việc khởi xướng chất vấn của nghị sỹ thuộc nhóm mình, ví dụ ở Hạ viện Bỉ, các nghị sỹ phải nhận được sự đồng ý của nhóm đảng mới được đưa chất vấn ra nghị trường. Thông thường, các nhóm đảng đối lập mới hay sử dụng quyền chất vấn của mình.

Nhiều nghị viện còn có hai loại biểu quyết về chất vấn. Thứ nhất, biểu quyết về kiến nghị khiển trách đối với các chính sách của bộ được nêu trong chất vấn hoặc về toàn bộ hoạt động của bộ. Đây là một đặc điểm trong quá trình phát triển của nghị viện nhiều nước trước đây, và hiện vẫn còn nhiều nước duy trì nó. Tuy nhiên, kiến nghị biểu quyết khiển trách có thể bị phản công, ví dụ ở Bỉ, Chính phủ có thể nêu kiến nghị quay lại với lịch làm việc ban đầu để phản ứng lại kiến nghị biểu quyết khiển trách. Thứ hai, nghị viện có thể biểu quyết về kiến nghị ra nghị quyết thể hiện thái độ về vấn đề được nêu hoặc về phản hồi của Chính phủ, nhưng không đề cập đến vấn đề trách nhiệm của Chính phủ.

Lê Anh